Trong phiên hôm qua, sự hỗ trợ khá tích cực từ một số mã lớn trong nửa cuối phiên sáng đã giúp VN-Index bảo toàn ngưỡng 990 điểm.
Sau giờ nghỉ trưa, chỉ số dần nới rộng đà tăng nhờ lực cầu sôi động tại nhóm VN30 và tiến gần lên 1.000 điểm, nhưng áp lực bán cuối phiên đã khiến VN-Index chưa thể chinh phục mốc điểm này.
Theo nhận định của KBSV thì xung lực đi lên của chỉ số vẫn được duy trì tích cực và chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ sớm thử thách vùng kháng cự quanh 1.000 điểm. Mặc dù khả năng tạo đỉnh ngay chưa cao nhưng càng vượt lên trên mốc này, rủi ro đảo chiều bất ngờ sẽ càng gia tăng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/11, thị trường nhích lên ngay khi mở cửa lên 997 điểm, tuy nhiên, áp lực rung lắc đã diễn ra sau đó, khi chỉ số đảo chiều về dưới sắc đỏ, trước khi nảy trở lại và gần như đi ngang quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Diễn biến thị trường gần như không có điểm đáng chú ý nào, khi nhà đầu tư gần như chỉ mua thăm dò, khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu chỉ đang biến động nhẹ.
Nổi bật hẳn lên có lẽ chỉ còn ở CVT, khi tiếp tục tăng kịch trần từ sớm lên 42.100 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và dư mua giá trần tới hơn 1,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép như VIS, POM cũng có sắc tím khá nhanh, nhưng dòng tiền không còn quá sôi động, khi thanh khoản 2 mã này đã chững lại với vài chục nghìn đơn vị được khớp lệnh. Trong khi HSG cũng đang tăng tốt gần 5% và có thanh khoản thuộc top cao nhất HOSE, nhưng cổ phiếu đầu ngành là HPG lại chỉ nhích nhẹ.
Rung lắc mạnh trong suốt cả phiên đã diễn ra, nhưng áp lực bán ở những phút cuối khá mạnh và dứt khoát ở nhiều nhóm cổ phiếu là điều nhà đầu tư nên chú ý trước khi có những hành động tiếp theo ở phiên chiều.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 146 mã tăng và 276 mã giảm, VN-Index giảm 4,53 điểm (-0,46%), xuống 989,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 309,8 triệu đơn vị, giá trị 6.521,6 tỷ đồng, tăng hơn 7% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,1 triệu đơn vị, giá trị 324 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip gây áp lực lớn với rổ VN30 có đến 22 mã giảm, và chỉ còn 6 mã tăng.
Trong đó, các mã giảm cũng chỉ với biên độ thấp, đa số dưới 1%, trừ một vài cái tên như TCH -2,9% xuống 20.250 đồng, GAS -1,7% xuống 82.100 đồng, VJC -1,4% xuống 117.200 đồng, MSN -1,3% xuống 82.000 đồng, PNJ -1,4% xuống 76.500 đồng, HPG -1,7% xuống 36.850 đồng, KDH -1,7% xuống 26.150 đồng…
Ở chiều ngược lại, 6 mã tăng là VHM, SBT, VRE, MBB, TCB và SSI, trong đó, VHM là điểm tựa chính khi tăng 1,7% lên 82.000 đồng, còn lại tăng nhẹ.
Thanh khoản HPG và TCB tiếp tục dẫn đầu nhóm và cũng là 2 mã khớp lệnh cao nhất HOSE với lần lượt 24 triệu và 14,58 triệu đơn vị. Tiếp theo là STB với hơn 8,9 triệu đơn vị khớp lệnh, nhóm SBT, TCH, CTG, VPB, MBB, SSI có từ 4,3 triệu đến 6,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế với các mã ITA, GEX, HAG, FLC, DXG, GVR, NKG, LPB LDG, HCM, HQC…khớp lệnh từ 2,7 triệu đến 6,4 triệu đơn vị.
Điểm sáng vẫn là CVT, khi giữ vững sắc tím +7% lên 42.100 đồng, khớp hơn 1,81 triệu đơn vị và có hơn 1,83 triệu đơn vị dưa mua giá trần.
Kết phiên tăng điểm có PVD, HBC, HSG, TTF, DCM, BWE, DPM…trong đó, PVD khớp lệnh chỉ đứng sau TCB và HPG với hơn 10,34 triệu đơn vị, tăng 2% lên 12.850 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chủ yếu là giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng tương tự trên HOSE, khi cũng cũng đã xuất hiện nhịp bán khá dứt khoát ở cuối phiên.
Bảng điện tử phân hóa mạnh với ACB -0,4% xuống 27.200 đồng, SHB -1,2% xuống 16.800 đồng, SHS -2,1% xuống 14.100 đồng, NVB -1,2% xuống 8.500 đồng, NDN -1,5% xuống 19.300 đồng, cùng nhiều sắc đỏ khác tại HUT, TAR, VCS, VGS, AMV…
Tăng điểm có VIX +0,6% lên 17.300 đồng, PLC +0,4% lên 25.900 đồng, TVC +1,8% lên 11.300 đồng, DXP +5,2% lên 14.100 đồng, cùng 3 mã nhỏ, KLF, NSH và C69 tăng kịch trần.
Trong khi đó, PVS, TNG, CEO, MBG, MST, VC3, SRA dừng chân ở tham chiếu.
Thanh khoản phiên này PVS dẫn đầu với hơn 7,9 triệu đơn vị khớp lệnh, ACB có 6,1 triệu đơn vị, VIX có 3,84 triệu đơn vị, SHS có 1,87 triệu đơn vị, KLF có 1,8 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,52%), xuống 147,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,4 triệu đơn vị, giá trị 603,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 38 tỷ đồng.
Trên UpCoM, tương tự 2 sàn chính, chỉ số UpCoM-Index cũng biến động nhẹ trong nửa đầu phiên và chịu sức ép trong những phút cuối và rơi xuống dưới tham chiếu.
Nhóm các mã có khối lượng giao dịch cao tăng điểm có VGI, G36, SBS, DVN, C4G, BVB, KDF...
Trong khi đó, thanh khoản cao nhất là BSR với hơn 2,62 triệu đơn vị, nhưng mã này đứng giá tham chiếu tại 7.600 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,36%), xuống 66,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,89 triệu đơn vị, giá trị 257,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,63 triệu đơn vị, giá trị 28,7 tỷ đồng.