Giao dịch chứng khoán sáng 23/8: Thị trường tiếp tục rung lắc, cổ phiếu EVG bất ngờ "nóng"

Giao dịch chứng khoán sáng 23/8: Thị trường tiếp tục rung lắc, cổ phiếu EVG bất ngờ "nóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong phiên sáng 23/8 với diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu bluechip. Đáng chú ý là 2 thái cực tại EVG và cặp đôi AAA - APH.

Sau 4 phiên tăng khá tốt liên tiếp, thị trường đã gặp áp lực bán gia tăng và quay đầu điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, diễn biến vẫn khá tích cực khi đà giảm không quá lớn và vẫn xuất hiện lực cầu đỡ giá nên VN-Index chỉ giảm nhẹ và vẫn giữ được mốc 1.280 điểm.

Về xu hướng kỹ thuật, chỉ báo ADX và DI+ vẫn đang duy trì tốt xu hướng hướng lên cho thấy VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp tăng điểm và sẽ sớm tiến lên khu vực 1.300 điểm. Thêm vào đó, việc MACD và RSI chưa cho tín hiệu hình thành đỉnh đầu tiên thể hiện việc thị trường vẫn đang vận động tốt.

Theo giới phân tích, xu hướng thị trường vẫn tích cực. VN-Index đang trong xu hướng tích lũy và vẫn sẽ có những nhịp điều chỉnh nhẹ, rung lắc trong quá trình hướng lên vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm.

Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 23/8, thị trường mở cửa chớm xanh nhưng đã nhanh chóng đảo chiều điều chỉnh giảm do áp lực bán vẫn luôn thường trực.

Tuy nhiên, lực bán không quá lớn và dòng tiền vẫn luôn chực chờ để nhập cuộc đã khiến VN-Index khó giảm mạnh. Chỉ số chung vừa thủng mốc 1.280 điểm đã đảo chiều bật hồi và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu sau khoảng 90 phút mở cửa.

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu EVG khi nhận lực cầu hấp thụ mạnh và đã sớm khoe sắc tím. Hiện EVG tăng 6,9% lên mức 6.970 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 1,7 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 1,3 triệu đơn vị.

Trái lại, cặp đôi AAA và APH đều chịu áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên sau thông tin các lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau đăng ký bán ra cổ phiếu. Hiện AAA đang giảm 3,3% với thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 8,55 triệu đơn vị; trong khi APH giảm 6,5% về sát giá sàn và khớp gần 4 triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường nới rộng biên độ giảm về vùng giá thấp nhất khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 94 mã tăng và 295 mã giảm, VN-Index giảm 5 điểm (-0,39%) xuống 1.277,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 313,87 triệu đơn vị, giá trị 7.160 tỷ đồng, đều nhích nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 67,44 triệu đơn vị, giá trị 1.751,75 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kém khả quan khi chốt phiên giảm 6,2 điểm với 20 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng. Trong đó, BVH tăng tốt nhất đạt 1%, còn lại chỉ nhích nhẹ quanh mức biến động 0,5%; trái lại, các mã VRE, HPG, TPB, VHM, MWG đều giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AAA và APH vẫn nằm trong top 10 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, nhưng lực bán khá lớn khiến các mã này khó thoát khỏi đà giảm khá mạnh. Trong đó, AAA vẫn giảm 3,3% và khớp 9,78 triệu đơn vị, còn APH giảm 6,6% và khớp 5,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, EVG vẫn giữ sức nóng khi chốt phiên đứng vững tại mức giá 6.970 đồng/CP với khối lượng dư mua trần đạt 0,94 triệu đơn vị và khớp lệnh đạt hơn 1,8 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột và nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều điều chỉnh. Trong dòng bank, chỉ còn duy nhất VIB giữ sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,27%, cùng OCB và MBB đứng giá tham chiếu, còn lại đều chốt phiên trong sắc đỏ. Trong đó, VPB chốt phiên giảm nhẹ 0,3% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 11 triệu đơn vị

Ở nhóm chứng khoán, không có mã nào ngược dòng thành công, trong đó VIX vẫn là cổ phiếu giao dịch tốt nhất ngành, đạt 9,16 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 2,1%.

Trong nhóm bất động sản, sắc đỏ cũng la liệt với các mã nóng như NVL, PDR, TCH… đều mất điểm. Đáng chú ý là DIG ngược dòng thành công và chốt phiên tăng 1% với thanh khoản đạt hơn 6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là gánh nặng lớn đến từ nhóm cổ phiếu HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,34%), xuống 237,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,32 triệu đơn vị, giá trị 469,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,08 triệu đơn vị, giá trị 99,7 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm HNX30 chốt phiên giảm 3,4 điểm khi chỉ có duy nhất DHT tăng 0,1%, còn lại có tới 22 mã giảm, trong đó ngoại trừ TIG giảm mạnh nhất là 2,2% còn đều giảm trên dưới 1%.

Trong đó, cổ phiếu chứng khoán SHS tiếp tục có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 3,7 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,6% xuống mức 16.600 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý vẫn là bộ 3 cổ phiếu nhà APEC, trong đó API chốt phiên tăng 4,7% và khớp 2,67 triệu đơn vị, IDJ tăng 2,9% và khớp 2,6 triệu đơn vị, còn APS tăng 1,3% và khớp gần 1,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau thời gian đầu phiên rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, UPCoM-Index cũng nhận tín hiệu từ thị trường niêm yết và đã đảo chiều giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,48%), xuống 94,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,4 triệu đơn vị, giá trị 216,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,13 triệu đơn vị, giá trị 2,4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan