Trong phiên hôm qua, ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới do lo ngại về sự vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande, chứng khoán Việt Nam cũng giảm mạnh ngay khi mở cửa, tạo một Gap giảm giá hơn 10 điểm. Tuy nhiên, quan sát thị trường cho thấy, mức giảm mạnh của VN-Index chủ yếu do tác động từ cặp đôi họ nhà Vingroup là VIC và VHM.
Cặp đôi này giảm mạnh kéo VN-Index lao theo đã tạo hiệu ứng tâm lý lo sợ trên thị trường, qua đó kích hoạt lệnh bán ra ở các mã khác, khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, VN-Index có lúc đã về dưới 1.325 điểm.
Khi nhiều cổ phiếu giảm mạnh, lực cầu đã hoạt động rất tích cực, kéo nhiều mã tăng trở lại và VN-Index phần nào lấp được Gap tạo ra trong phiên sáng và đóng cửa giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.332 điểm là đường MA20.
Trên đồ thị kỹ thuật, sau khi bứt lên trên mô hình tam giác cờ đuôi nheo tăng, phiên giảm điểm hôm qua đã đẩy VN-Index trở lại trong mô hình này và ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số vẫn là vùng 1.355 điểm.
Do đó, dù đóng cửa mất hơn 10 điểm, nhưng phiên giao dịch hôm qua lại phát đi một số tín hiệu tích cực với kỳ vọng VN-Index sẽ có thêm nhịp hồi để lập đầy Gap giảm giá trong phiên sáng nay (22/9) và điều này đã diễn ra đúng như kỳ vọng.
Ngay khi bước vào phiên sáng nay, VN-Index hồi phục tăng lên trên ngưỡng 1.345 điểm với sự hỗ trợ của một số mã bluechip như VNM, nhóm bán lẻ, BVH. Tuy nhiên, sức nặng từ VHM cùng một số mã ngân hàng khiến VN-Index chưa thể bứt lên để test ngưỡng kháng cự 1.355 điểm, mà quay đầu điều chỉnh trở lại.
Độ rộng của thị trường chuyển nhanh từ số mã tăng đầu phiên sáng đã chuyển dần sang số mã giảm khi thị trường giao dịch 1 tiếng đồng hồ. Đường MA20 (trên 1.334 điểm) tiếp tục đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ tốt, khi VN-Index về sát đường này đã bật tăng trở lại, tuy nhiên sức mua tăng không đáng kể nên thị trường chuyển trang thái dao động đi ngang quanh tham chiếu.
Bỏ qua diễn biến của chỉ số chung do chịu tác động lớn từ nhóm cổ phiếu trụ, thị trường sáng nay đang cho thấy sự hấp dẫn thú vị đến thì nhóm cổ phiếu thị trường.
Dòng tiền đầu cơ vốn đã hoạt động mạnh ở nhiều mã họ Louis trong thời gian qua càng tăng mạnh hơn trong phiên sáng nay và lan tỏa ra nhiều mã thị trường khác, trong đó đáng chú ý là họ FLC với hàng loạt mã lên trần với lượng dư mua trần rất lớn như ROS, AMD, HAI (HOSE), KLF (HNX), trong khi FLC đang gặp chút lực cản ở lực cung nên chỉ giữ được sắc tím trong thời gian ngắn, nhưng nhiều khả năng cũng sẽ trở lại mức trần.
Trong ngày hôm qua, trên facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC chia sẻ nhiều link bài viết của báo chí trong nước và nước ngoài về việc Bamboo Airways sẽ ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để mua động cơ máy bay của GE, đồng thời giới thiệu Tổng đại lý tại Mỹ và mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ dưới status có hình ly cà phê có chữ FLC đã đưa trước đó hơn 1 tuần.
Không biết sóng cổ phiếu họ FLC sáng nay có liên quan tới các thông tin ông Quyết chia sẻ hay không, nhưng từ nhóm cổ phiếu họ FLC, dòng tiền đầu cơ đã lan tỏa đến nhiều mã thị trường khác, giúp các mã này cũng khoe sắc tím.
Trở lại với diễn biến của thị trường, sau khi bị đẩy lùi xuống dưới tham chiếu, lực cầu đỡ giá hoạt động nhắm tới một số mã trụ như MSN, VNM để làm đối trọng với VHM, giúp VN-Index nhanh chóng quay trở lại, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư, qua đó thúc dòng tiền lan tỏa tới nhiều mã khác, trong khi lực cung không còn mạnh mẽ như trước, giúp sắc xanh chiếm ưu thế trở lại. Càng về cuối phiên, sắc xanh càng lan tỏa trên bảng điện tử với số mã tăng chiếm thế áp đảo so với số mã giảm. VN-Index đóng cửa với sắc xanh, nhưng vẫn chưa lấp được Gap giảm đã mở của phiên hôm qua và thanh khoản sụt giảm do lực cung giá thấp tiết giảm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng điểm 4,46 (+0,33%) lên 1.344,3 điểm với 237 mã tăng, 158 mã giảm và 42 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 502,1 triệu đơn vị, giá trị 11.100,5 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 26,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,8 triệu đơn vị, giá trị 680 tỷ đồng.
MSN sau 2 phiên điều chỉnh từ mức đỉnh lịch sử 150.000 đồng đã trở lại trong phiên hôm qua với thông tin M&A để nhảy vào lĩnh vực viễn thông, tiếp tục đà hồi mạnh phiên sáng nay, có thời điểm đã gần về được đỉnh lịch sử hôm 16/9. Cũng với VNM, đây chính là 2 điểm tựa lớn nhất làm đối trọng với VHM, giúp thị trường hồi phục trở lại sáng nay.
Chốt phiên sáng, MSN tăng 2,9% lên 147.600 đồng, thanh khoản gần nửa triệu đơn vị. Trong khi VNM tăng 2,8% lên 91.300 đồng, khớp gần 7,5 triệu đơn vị, mức lớn nhất trong hơn 4 tháng qua. Nếu duy trì nhịp giao dịch như hiện nay, khả năng VNM sẽ có phiên có thanh khoản tốt nhất gần 4 năm.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã khác trong nhóm VN30 như BVH tăng 4,3% lên 58.100 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị. PNJ tăng 2,1% lên 92.000 đồng, PLX, GAS, POW, MWG, KDH tăng từ hơn 1% đến gần 2%.
VCB lúc đầu cùng với VHM là lực cản lớn nhất của thị trường, cũng đã đảo chiều đóng cửa với sắc xanh nhạt, trong khi VIC không giữ được đà tăng nhẹ trước đó, mà quay đầu giảm nhẹ trở lại. Ngoài ra, HPG, GVR, BID, SAB cũng có sắc xanh nhạt, góp phần nhỏ hỗ trợ cho thị trường.
Trong khi đó, VHM vẫn là lực cản lớn nhất của thị trường khi đóng cửa giảm thêm 1,2% xuống 76.600 đồng, xuống dưới hẳn đường MA200, bất ra khỏi dải dưới của dải Bollinger Bands vốn đang có xu hướng mở rộng, phát tín hiệu tiêu cực. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VHM là vùng 73.000 đồng. Điểm mang lại kỳ vọng là dù tiếp tục giảm giá, nhưng lực bán sáng nay của VHM không còn lớn như phiên hôm qua, chốt phiên sáng thanh khoản gần 4,9 triệu đơn vị.
Ngoài VHM, lực cản của thị trường sáng nay còn đến từ một số mã ngân hàng như VPB, TCB, CTG, MBB, VIB, ACB, TPB, HDB, hay một số mã khác trong nhóm VN30 như FPT, PDR, SSI, VJC, VRE.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường vẫn giữ sức nóng và như dự đoán, FLC đã lấy lại sắc tím, đóng cửa ở mức trần 11.800 đồng, khớp 36,8 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường và còn dư mua trần tới 10,4 triệu đơn vị.
ROS do lực cung cạn sớm hơn nên tụt xuống vị trí thứ 2 về thanh khoản với 23,6 triệu đơn vị, đóng cửa yên vị ở mức trần 5.700 đồng và còn dư mua trần gần 5 triệu đơn vị. Tương tự tại HAI, AMD cũng chắc chắn ở mức trần 4.990 đồng và 5.470 đồng, thanh khoản không tăng thêm so với nửa đầu phiên sáng do lực cung không còn.
Từ nhóm FLC, dòng tiền đầu cơ lan tỏa ra nhiều cổ phiếu thị trường khác, giúp nhiều mã tăng trần như HQC lên 4.180 đồng, khớp 21,2 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần 2,6 triệu đơn vị. TTF tăng trần lên 7.620 đồng, khớp 12,7 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần hơn 3,4 triệu đơn vị. LDG lên 7.720 đồng, khớp gần 12 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua giá trần.
Ngoài ra, các mã đã nóng khác như DLG, JVC, DRH … vẫn duy trì sức nóng khi tiếp tục có thêm phiên tăng trần. Trong khi các cổ phiếu họ Louis có sự phân hóa, chỉ TDH giữ sắc tím, TGG tăng không mạnh, còn APG giảm 4,9% xuống 25.200 đồng, có lúc đã giảm sàn xuống 24.650 đồng. Tương tự, AGM cũng có lúc giảm sàn xuống 35.950 đồng, trước khi đóng cửa giảm 6,6% xuống 36.100 đồng.
Các mã như ITA, HAG, HNG dù không có sắc tím, nhưng cũng có mức tăng tốt với thanh khoản cao.
Trên HNX, sau khi tăng tốt đầu phiên, chỉ số chính của sàn này cũng bị kéo thẳng xuống tham chiếu theo diễn biến trên HOSE, nhưng cũng nhanh chóng bật trở lại, lập đỉnh của phiên trước khi hạ nhiệt nhẹ lúc tạm nghỉ trưa.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,12 điểm (+0,59%) lên 361,1 điểm với 162 mã tăng, trong khi chỉ có 69 mã giảm và 118 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 122,4 triệu đơn vị, giá trị 2.234 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 354 tỷ đồng.
Các cổ phiếu họ FLC trên HNX cũng trở thành tâm điểm trên sàn này sáng nay với KLF và ART đều đóng cửa ở mức trần và thanh khoản đều cao nhất sàn đều trên 10 triệu đơn vị. Trong đó, KLF tăng lên 5.200 đồng, còn dư mua trần 2,5 triệu đơn vị, ART lên 11.100 đồng, còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã này, sàn HNX còn có 42 mã khác cũng đóng cửa ở mức trần sáng nay, như DST, VIG, PVL, DL1…, trong khi BII lại giảm mạnh 5,3% xuống 28.400 đồng.
HNX-Index có thời điểm rung lắc do tác động của các mã lớn như nhóm ngân hàng với chỉ NVB đứng giá tham chiếu, còn SHB và BAB đều giảm, dù mức giảm không lớn. Chốt phiên, SHB giảm 0,75% xuống 26.300 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị. BAB giảm 0,44% xuống 22.400 đồng.
Ngoài ra, có PVS giảm 0,36% xuống 28.000 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị, PHP giảm 1,35% xuống 29.200 đồng.
Tuy nhiên, HNX bứt lên nhờ một số mã lớn khác như THD vẫn nhích nhẹ từng bước, còn VCS và PVI tăng mạnh trên dưới 7,5%.
Trên thị trường UPCoM, diễn biến của chỉ số chính cũng giống 2 sàn niêm yết khi bị đẩy xuống dưới tham chiếu lúc giữa phiên, nhưng đã bật khá mạnh nửa cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,4%), lên 97,15 điểm với 219 mã tăng, trong khi chỉ có 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,3 triệu đơn vị, giá trị 1.322 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1,3 triệu đơn vị, giá trị 73 tỷ đồng.
BSR và HHV là 2 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường UPCoM sáng nay với hơn 5 triệu đơn vị mỗi mã và đều đóng cửa tăng tốt 3,3% lên 18.600 đồng và 2,4% lên 21.400 đồng.
Ngoài BSR, một cổ phiếu họ dầu khí khác là OIL cũng tăng mạnh 5,2% lên 14.100 đồng, thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị.
Các mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị có VHG, KSH, LMH và đều đóng cửa tăng mạnh, trong đó VHG tăng trần lên 4.200 đồng.
Trong khi đó, họ nhà Louis là DDV cũng chung cảnh ngộ khi giảm 4,4% xuống 36.700 đồng, khớp hơn 1,6 triệu đơn vị.