Mặc dù VN-Index có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp sau cú “vấp ngã” cuối tuần trước, nhưng thị trường diễn biến khá yếu. Cụ thể, bên cạnh chỉ số chung đã gặp áp lực bán tại vùng cản MA200, tương đương ngưỡng 1.115 điểm và kết phiên tạo mẫu hình Hanging man, thanh khoản thị trường cũng ở mức thấp, cho thấy tâm lý giao dịch lưỡng lự của nhà đầu tư.
Theo Vietcap dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định kháng cự MA10 và MA200 tại 1.111-1.115 điểm, nhưng nếu thanh khoản tiếp tục sụt giảm thì nhiều khả năng chỉ số này sẽ đảo chiều giảm trở lại và có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ MA20 tại 1.085 điểm.
Quay lại diễn biến phiên sáng ngày 22/11, thị trường vẫn mở cửa tăng nhẹ trong trạng thái khá phân hóa bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng.
Chỉ số VN-Index thiếu động lực để tiến xa, thậm chí đảo chiều giảm nhẹ khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục bởi áp lực bán luôn chực chờ. Sau khoảng 90 phút giao dịch, VN-Index đang tăng nhẹ, nhưng đáng chú ý chính là dòng tiền được kích hoạt khá mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ.
Đặc biệt là NVL sau màn mở cửa rung lắc nhẹ ở mốc tham chiếu, hiện đã tăng vọt hơn 6% và tiệm cận mức giá trần với thanh khoản bùng nổ vượt 30 triệu đơn vị. Tính trong hơn nửa đầu tháng 11, giá cổ phiếu NVL đã tăng tới hơn 30%.
Bên cạnh đó, DXG, DIG, CII, VCG… cũng đều tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ của các nhóm ngành khác như GEX, VIX, HAG cũng giao dịch sôi động với trên dưới 10 triệu đơn vị khớp lệnh.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên và với sức ép của nhóm cổ phiếu VN30, thị trường đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Chốt phiên, sàn HOSE có 195 mã tăng và 240 mã giảm, VN-Index giảm 1,13 điểm (-0,1%) xuống 1.109,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 418,98 triệu đơn vị, giá trị 8.803,44 tỷ đồng, cùng tăng hơn 24% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,59 triệu đơn vị, giá trị 851,75 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 3 điểm với 7 mã tăng và 18 mã giảm. Trong đó, không có mã nào tăng hơn 1% và FPT dẫn đầu với mức tăng đạt 0,9%; ngược lại MWG giảm mạnh nhất khi để mất 2,1%, tiếp theo là SSB giảm 1,3%.
Với đà giảm mạnh của MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ đã trở thành nhóm giảm mạnh nhất thị trường khi có thêm FRT, VGC, PNJ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng gây sức ép lớn nhất trên thị trường với VCB lấy đi 0,82 điểm của chỉ số chung, tiếp theo là BID lấy gần 0,44 điểm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến kém khả quan cùng thị trường chung với sắc đỏ chiếm ưu thế, chỉ còn VCI, VDS, ORS, HCM tăng nhẹ trên dưới 1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản thoát sự điều chỉnh, với tâm điểm chính vẫn là các mã vừa và nhỏ. Trong đó NVL và DXG vẫn là điểm nóng khi chốt phiên tăng lần lượt 4,9% và 4%, với thanh khoản đều thuộc top đầu, tương ứng đạt 30,46 triệu đơn vị và 22,93 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã khác trong nhóm bất động sản như DIG, CII, VCG vẫn giữ mức tăng hơn 1% và thanh khoản khá sôi động; trong khi PDR, HDC, KBC, HQC đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Trên sàn HNX, lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường đảo chiều lùi về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,18%) xuống 229,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,9 triệu đơn vị, giá trị 823,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,52 triệu đơn vị, giá trị 12,63 tỷ đồng.
Nếu sàn HOSE có NVL thì sàn HNX, điểm nhấn thuộc về thành viên khác nhóm bất động sản là CEO. Tuy nhiên, về cuối phiên cổ phiếu CEO đã hạ độ cao và chốt phiên tăng nhẹ 0,9% lên mức 23.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 11,22 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một mã bất động sản đáng chú ý khác là TIG khi chốt phiên tăng 2,6% lên mức 12.000 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 thị trường với gần 2,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán kém khả quan trong hơn, với SHS lùi về mốc tham chiếu 18.000 đồng/CP và thanh khoản đạt 9,2 triệu đơn vị; còn MBS, PSI, BVS… chốt phiên đảo chiều giảm.
Trên UPCoM, sau diễn biến rung lắc đầu phiên thị trường đã mất điểm và duy trì trạng thái giảm nhẹ đến hết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,29%), xuống 85,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,66 triệu đơn vị, giá trị 157,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 14,44 tỷ đồng.
Toàn thị trường chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn dẫn đầu với hơn 3,5 triệu đơn vị giao dịch, chốt phiên chịu áp lực bán và đã lùi về mốc tham chiếu 19.000 đồng/CP.
Đáng chú ý là mã thuộc nhóm bất động sản và xây dựng – C4G khi chốt phiên tăng 1,7% lên 11.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,33 triệu đơn vị.