Giao dịch chứng khoán sáng 22/11: "Bằng chứng thép" lên tiếng

Giao dịch chứng khoán sáng 22/11: "Bằng chứng thép" lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa nhận thêm một phiên chốt lời khá mạnh, chiều ngược lại ở phiên sáng nay, cổ phiếu nhóm "ngân hàng, chứng khoán, thép" đã trở lại như những gì đã diễn ra nửa đầu năm.

Thị trường vừa có tuần điều chỉnh sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, trong đó đáng chú ý là phiên giao dịch biến động mạnh, xác lập một kỷ lục mọi thời đại cả về giá trị khớp lệnh và khối lượng khớp lệnh ngày cuối tuần 19/11.

Đây cũng là phiên giao dịch được đánh giá là phiên rũ bỏ dành cho một số cổ phiếu tăng nhanh trước đó, còn về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng điểm khi đường MA20 chưa bị vi phạm, nhưng một số chỉ báo đang chuyển biến xấu như RSI, MACD đang cắt xuống.

Và việc chỉ số VN-Index vẫn kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý và kỹ thuật 1.450 điểm (MA20), nên khả năng để quay trở lại đà tăng, hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm là vẫn có thể xẩy ra. Tuy nhiên, những rung lắc có thể diễn ra thường xuyên hơn trong giai đoạn tới.

Điều đáng nói chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có những tín hiệu tích cực sau thời gian khá dài bị nén chặt. Đây sẽ là nhân tố được kỳ sẽ tiếp thêm sức mạnh, có thể giúp thị trường bắt đầu xu hướng tăng tốt để vượt mốc 1.500 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 22/11, sắc xanh nhạt chỉ le lói trong thời gian khá ngắn sau khi mở cửa rồi nhanh chóng chuyển sang trạng thái rung lắc nhẹ do áp lực bán khá lớn vẫn thường trực.

Trong khi nhiều mã bất động sản – xây dựng đã tăng nóng như HQC, ITA, LDG, SCR, KBC, TCH, IJC, NLG, DIG… tiếp tục bị bán ra và giao dịch trong sắc đỏ, thì nhóm cổ phiếu bluechip đang trở thành điểm sáng của thị trường.

Chỉ sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN30-Index đã tăng tới hơn 30 điểm, là động lực chính giúp VN-Index bật mạnh trên ngưỡng 1.460 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, và chứng khoán - bộ 3 mà nửa đầu năm giới đầu tư vẫn thường gọi là "bằng chứng thép - bank, chứng khoán, thép" đã trở lại dẫn dắt thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng ấn tượng nhất, kể từ khi về đáy tháng 7/2021, nhóm này chủ yếu đi ngang tích lũy, khi mà độ nén đủ lớn trong điều kiện dòng tiền trên thị trường vẫn mạnh mẽ thì việc bật tăng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, nhóm này đã phát tín hiệu từ 3/11 khi một loạt mã tăng trần, nhưng phải chờ tới phiên cuối tuần trước mới xác nhận đà tăng trở lại, và hôm nay bắt đầu bước vào sóng với sự khẳng định cả về giá trị giao dịch lẫn điểm số có được.

Nhóm chứng khoán "phát lệnh" tăng sớm hơn ở đầu tuần trước khi SSI, VND liên tục có những phiên tăng trần ấn tượng kéo cả nhóm tăng điểm tốt. Sức mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán thể hiện ở việc gần như chỉ có một phiên "test lại" vào cuối tuần rồi trở lại nhịp tăng điểm phiên sáng nay.

Yếu hơn cả có lẽ là nhóm thép, chuỗi dài giảm giá của những HPG, HSG, NKG... sáng nay mới được chặn lại. Với nhóm này, lực bán quá mạnh giai đoạn trước nên để có nhịp phục hồi chữ V là tương đối khó khăn, phiên hôm nay mới chỉ là phiên hồi kỹ thuật hoặc dừng bán, còn để tăng mạnh thì xác xuất không cao.

Nhóm thép hay vật liệu xây dựng đang có thông tin hỗ trợ tốt, nhưng sẽ là hợp lý hơn nếu cổ phiếu nhóm này có thêm một nhịp tích lũy tích cực sẽ giúp đà tăng giá bền hơn.

Điểm nhấn chính vẫn phải đề cập phiên sáng nay đó chính là nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, trong đó có 2 nhóm ngành có nhiều cổ phiếu lớn gồm bất động sản và dầu khí. Nhiều mã hút tiền rất mạnh trước đó như PVD, ITA, DLG, HQC, FIT, NLG, DPG,... đã xuất hiện tình trạng dư bán sàn thời điểm giữa phiên.

Việc nhóm cổ phiếu tăng nóng là điều dễ hiểu, đây không phải là phiên đầu tiên, nhưng rõ ràng cách phân phối của nhóm này cũng khá "dễ chịu" khi rải dần chứ không tiêu cực như các lần trước là dư bán sàn hàng loạt. Điều này tạo hy vọng về khả năng phục hồi sớm của nhóm này, nếu dòng tiền vẫn ở lại và tăng thêm.

Về tổng thể thị trường, dòng tiền quay lại với nhóm cổ phiếu cơ bản là tín hiệu tích cực, giúp VN-Index có cơ hội tiếp tục lập các kỷ lục về độ cao điểm số của mình. Quan trọng hơn, thị trường đã từng chứng minh nửa đầu năm, khi nhóm cổ phiếu cơ bản dẫn sóng thì con sóng của chứng khoán sẽ còn dài.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 157 mã tăng và 303 mã giảm, VN-Index tăng 6 điểm (+0,41%), lên 1.458,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 831,98 triệu đơn vị, giá trị 23.889,64 tỷ đồng, giảm 1,75% về khối lượng và 3,25% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 19/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 534,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là trợ lực chính giúp thị trường nhanh chóng hồi phục sau những nhịp rung lắc nhẹ trong phiên, khi có tới 20 mã tăng và chỉ 7 mã giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí với 2 đại diện lớn là PLX dẫn đầu mức giảm khi để mất 3,7% xuống mức 57.200 đồng/CP, GAS giảm 2,5% xuống 103.400 đồng/CP, hay PVD có thời điểm giảm sàn và chốt phiên giảm 4,9% xuống mức 27.100 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có GVR giảm 2,1% xuống 36.900 đồng/CP, KDH giảm gần 1%, VIC và NVL đứng giá tham chiếu. Trong khi hàng loạt mã vừa và nhỏ giảm sâu bởi áp lực bán chốt lời mạnh.

Điển hình như QCG, ITA, LDG giảm sàn, NLG và HQC cùng giảm hơn 6%, DIG, IJC, TCH… để mất hơn 5%...

Trái lại, dòng bank đang thể hiện sức mạnh sau chuỗi ngày dài lặng sóng. Tất cả các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc. Bên cạnh TPB và VIB chốt phiên tăng trần, các mã khác cũng ghi nhận mức tăng khá ấn tượng như HDB tăng sát trần với biên độ 6,6%, CTG tăng 4,9%, STB tăng 3,9%, BID và MBB tăng hơn 3,5%, ACB tăng 3%, TCB tăng 2,5%...

Không chỉ tăng mạnh về giá, dòng bank cũng trở lại nhiệt sôi động với STB thuộc top 3 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 26 triệu đơn vị; TCB, MBB, MSB, CTG đều khớp trên 15 triệu đơn vị; hay LPB, VPB, HDB khớp trên dưới 10 triệu đơn vị…

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn duy trì đà khởi sắc, với HSG tăng 3,1%, HPG và TLH cùng tăng 1,5%, SMC và POM tăng trên dưới 2,5%, NKG tăng 2,1%.

Một trụ cột khác cũng giao dịch khởi sắc hơn sau nhịp rung lắc và điều chỉnh nhẹ đầu phiên, đó là chứng khoán. Sắc xanh đã lan tỏa trong nhóm cổ phiếu này khi chỉ còn một vài mã nhỏ giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã lớn đầu ngành như SSI tăng 2,1% lên 49.500 đồng/CP, VND, VCI, SHS đều tăng hơn 1%, HCM cũng le lói sắc xanh khi ghi nhận mức tăng 0,5%...

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên rung lắc, áp lực bán lan rộng thị trường với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến HNX-Index lao dốc mạnh trước khi thu hẹp biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 51 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 2,64 điểm (-0,58%) xuống 451,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111 triệu đơn vị, giá trị 3.060 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 24 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhóm cổ phiếu đóng vai trò má phanh trên sàn HNX chính là ngân hàng. Cụ thể, chốt phiên sáng nay, BAB đã tăng 6,4% lên mức 24.900 đồng/CP, còn NVB tăng 4,1% lên 30.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc hơn về cuối phiên với MBS tăng 2,1%; SHS và BVS cùng tăng hơn 1%, hay các mã nhỏ hơn như VIG, ART… tăng tốt hơn.

Đáng chú ý, cổ phiếu CEO có mức biến động mạnh nhất trong phiên khi có thời điểm được kéo tăng kịch trần và sau đó rơi thẳng đứng về mức giá sàn. Tuy nhiên, lực cầu tăng mạnh đã giúp CEO vẫn duy trì đà tăng sau chuỗi ngày dài khoe sắc tím.

Chốt phiên sáng, CEO vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm HNX30 với mức tăng 4,4% lên 32.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt gần 8,3 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng trên HNX cũng bị bán ra mạnh, điển hình là DXP và NRC cùng giảm 7,7%, L14 giảm 6,4%... Cổ phiếu tác động mạnh với chỉ số chung của thị trường là THD cũng không thoát khỏi xu hướng giảm khi chốt phiên để mất 1,2% xuống 235.100 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu họ P cũng có thêm phiên mất điểm với PVS giảm 3,8%, PVC giảm 3,1%, PVB giảm 2,9%...

Trên UPCoM, thị trường cũng dần hồi phục về cuối phiên giúp UPCoM-Index áp sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,08%) xuống 113,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 93,8 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.922 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 34,42 triệu đơn vị, giá trị 692,5 tỷ đồng, trong đó riêng HHV thỏa thuận 34 triệu đơn vị, giá trị 683,4 tỷ đồng.

Cũng như trên sàn niêm yết, cặp đôi cổ phiếu nhóm dầu trên UPCoM cũng có phiên giao dịch không mấy khả quan, cụ thể BSR giảm 5% xuống mức 21.100 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất, đạt hơn 9,8 triệu đơn vị; còn OIL để mất 6,5% xuống mức 15.700 đồng/CP và khớp 2,7 triệu đơn vị.

Trái lại, dòng bank có phiên giao dịch bùng nổ, với VBB tăng gần sát trần với biên độ tăng 13,4% lên 21.200 đồng/CP, BVB và SGB đều tăng hơn 8%, NAB và VAB tăng trên 5%, ABB tăng 7,5%...

Tin bài liên quan