Mặc dù tâm lý nhà đầu tư trong làn sóng đại dịch lần 2 đã ổn định hơn khiến thị trường không xuất hiện những phiên bán tháo, nhưng với dòng tiền tham gia khá thận trọng, các chỉ số biến động giằng co trong biên độ khá hẹp.
Theo đánh giá của giới phân tích, thị trường trong ngắn hạn khó dự đoán, nhưng từ nay cho tới cuối năm, nhiều ý kiến dự báo, VN-Index sẽ đạt điểm số cao hơn đáng kể mức hiện tại.
Điển hình như dự báo của VDSC, chỉ số VN-Index có thể đạt 900 điểm, dù dịch bệnh gây cản trở quá trình phục hồi nhanh của nền kinh tế. Theo đó, rủi ro đầu tư ngắn hạn có thể được hóa giải, thậm chí chuyển thành cơ hội trong những tháng cuối năm.
Diễn biến phiên giao dịch hôm qua (20/8) cũng là một minh chứng khi đây là phiên đáo hạn phái sinh tháng 8 nhưng thị trường không có đột biến cuối phiên giống như những gì đã từng diễn ra trong nhiều lần trước đó. Chỉ số VN-Index rung lắc và chỉ điều chỉnh nhẹ khi kết thúc phiên.
Với tâm lý thị trường bấp bênh, BSC dự kiến trong phiên cuối tuần ngày 21/8, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trong khu vực 845-855 điểm.
Bước vào phiên sáng 21/8, mặc dù giao dịch trở lại thận trọng sau nhưng phút đột biến cuối phiên hôm qua, nhưng với sự hồi phục của hầu hết các bluechip, đã giúp thị trường hồi phục và nhanh chóng lấy lại mốc 850 điểm khi mở cửa.
Tuy nhiên, bên cạnh dòng tiền hạn chế, việc thiếu vắng trụ đỡ vững chắc khi các mã bluechip chỉ tăng trong biên độ hẹp khiến VN-Index không thể đi xa và trở lại lình xình quanh vùng giá 850.
Điểm nóng trong những phiên gần đây là HAP đã có dấu hiệu bị chốt lời sau 11 phiên tăng trần. Tuy nhiên, sau khi bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này hồi phục nhẹ.
Đáng chú ý là DPM, sau 4 phiên nhích nhẹ đã bất ngờ tăng vọt và có thời điểm tiếp cận mức giá trần, cùng thanh khoản sôi động với hơn 6 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ đến hết phiên với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 239 mã tăng và 114 mã giảm, VN-Index tăng 3,86 điểm (+0,46%), lên 852,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 148,58 triệu đơn vị, giá trị 2.523,39 tỷ đồng, giảm 8,23% về khối lượng và 33,86% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,34 triệu đơn vị, giá trị 196,16 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 3 mã giảm nhẹ là VCB, VHM và EIB, cùng 5 mã đứng giá tham chiếu là VNM, VJC, PLX, NVL và POW, còn lại có tới 22 mã tăng.
Tuy nhiên, biên độ tăng của các mã bluechip khá hẹp, chủ yếu dưới 1%, ngoại trừ các mã ngân hàng như BID +1,7% lên 38.900 đồng/CP, CTG +3,9% lên 24.200 đồng/CP, TCB +1,5% lên 20.300 đồng/CP, VPB +2,1% lên 21.800 đồng/CP, STB +1,4% lên 10.800 đồng/CP.
Ngoài ra, cổ phiếu TCH cũng đã hồi phục trở lại cùng giao dịch sôi động khi chốt phiên +1,5% lên 20.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,6 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần thanh khoản trong cả phiên hôm qua (20/8).
Cổ phiếu DPM dù không lập lại được sắc tím nhưng chốt phiên vẫn giữ mức tăng khá tích cực +5,56% lên 15.200 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HOSE với hơn 8 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch có phần kém sôi động hơn nhưng nhiều mã đã hồi phục thành công với mức tăng khá hẹp như HQC, ITA, ROS, HQC, FLC…
Trong khi đó, HAP ngắt nhịp sau 11 phiên tăng trần khi tạm chốt phiên sáng đứng tại mốc tham chiếu 6.330 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 4,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nhịp điều chỉnh giữa phiên, một số bluechip đã giúp sức kéo thị trường hồi phục thành công.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 36 mã giảm, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,34%), lên 121,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,14 triệu đơn vị, giá trị 243,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,36 triệu đơn vị, giá trị 122,89 tỷ đồng.
Sau rung lắc đầu phiên, nhiều mã lớn trên sàn HNX đã lấy lại mốc tham chiếu như ACB, SHB, NVB, PVS… Trong đó, ACB là mã giao dịch sôi động nhất với 3,94 triệu đơn vị được khớp lệnh, còn người anh em SHB và NVB cũng có lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số bluechip khởi sắc trở lại như VCG +1,2% lên 32.500 đồng/CP, VCS +0,3% lên 61.200 đồng/CP, PVB +1,3% lên 16.100 đồng/CP, SHS +0,9% lên 11.000 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau phiên mất điểm hôm qua, KLF đã lấy lại những gì đã mất và +6,2% lên mức giá trần 1.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,54 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch biến động giằng co.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index đứng tại mốc tham chiếu 57,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,86 triệu đơn vị, giá trị 168,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đóng góp thêm hơn 3 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB đã bị chốt lời và quay đầu sau nỗ lực giữ mốc tham chiếu trong phiên hôm qua (20/8) cùng 4 phiên tăng trước đó. Chốt phiên, LPB -1,1% xuống 8.800 đồng/CP với giao dịch tăng vọt khi có 7,72 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là PVX với khối lượng giao dịch đạt 1,22 triệu đơn vị và tạm chốt phiên sáng tại mức giá trần 1.300 đồng/CP.