Giao dịch chứng khoán sáng 21/8: Dòng bank khởi sắc, VN-Index bật hồi 10 điểm từ đáy của phiên

Giao dịch chứng khoán sáng 21/8: Dòng bank khởi sắc, VN-Index bật hồi 10 điểm từ đáy của phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là động lực chính giúp VN-Index bật hồi gần 10 điểm và thoát khỏi phiên giảm mạnh.

Mặc dù đã được cảnh báo từ trước về việc thị trường cần một chặng nghỉ sau chuỗi ngày dài tăng nóng và tín hiệu điều chỉnh cũng đã xuất hiện từ 2 tuần trước, nhưng việc giảm mạnh ngày 18/8 vừa qua cũng đã gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index đã lao dốc mạnh, chấm dứt chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp với hình nến Black Marubozu có biên độ hơn 50 điểm.

Theo CSI, mức sụt giảm của phiên cuối tuần qua là rất mạnh và khả năng cao có yếu tố đến từ áp lực bán giải chấp margin khi khối lượng thanh khoản bùng nổ cao nhất từ trước đến nay, phiên lịch sử của khối lượng khớp lệnh.

Đồng thời, với lượng dư bán sàn hàng trăm mã trong phiên vừa qua, hầu hết các công ty chứng khoán đều đánh giá quán tính giảm điểm sẽ vẫn tiếp diễn và đường SMA 50 ngày (quanh mức 1.170 điểm) đang đóng vai trò hỗ trợ gần nhất kỳ vọng sẽ giúp thị trường chững lại đà giảm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 21/8, mặc dù có những nhịp hồi nhẹ nhưng áp lực bán thường trực khiến VN-Index khó tiến xa. Sau khoảng thời gian ngắn đầu phiên biến động giằng co trong biên độ hẹp, thị trường lại chìm trong sắc đỏ và chỉ số chung lùi dần đều.

Trên sàn HOSE, sau khoảng hơn 80 phút mở cửa, số mã giảm điểm lên tới hơn 360 mã, gấp khoảng 4 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng có sắc đỏ chiếm áp đảo. Chỉ số VN-Index để mất gần 12 điểm và thủng mốc 1.170 điểm.

Trong đó, cổ phiếu lớn bất động sản –VIC vẫn là mã tác động mạnh nhất tới chỉ số chung khi để mất hơn 2 điểm. Hiện VIC đang tạm giảm 4,5%, là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, LDG vẫn bị bán tháo ồ ạt và hiện đang dư bán sàn tới gần 19 triệu đơn vị, thanh khoản chỉ đạt hơn 0,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã khác cùng ngành như KHG, QCG, TDH cũng đang biến động quanh mức giá sàn.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đang có phần tích cực hơn thị trường, là động lực chính giúp VN-Index le lói sắc xanh. Ở nhóm ngân hàng, trong khi VCB đứng giá tham chiếu, thì BID tăng 1,92%, CTG tăng gần 1%, STB tăng 1,6%, đáng kể là LPB tăng 4,38% và SSB tăng 2%.

Ở nhóm chứng khoán, cặp đôi lớn SSI và VND diễn biến tích cực với mức tăng trên dưới 2% và đang có giao dịch sôi động, đạt trên dưới 15 triệu đơn vị.

Diễn biến tích cực hơn của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là động lực chính giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm sâu. Chỉ số VN-Index bật hồi gần 10 điểm trong hơn 30 phút cuối phiên và tạm dừng phiên sáng đầu tuần chỉ còn giảm nhẹ 2 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 320 mã giảm và 142 mã tăng, VN-Index giảm 2,29 điểm (-0,19%), xuống 1.175,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 584,5 triệu đơn vị, giá trị 11.813,38 tỷ đồng, giảm 15,41% về khối lượng và 19,89% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 18/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,17 triệu đơn vị, giá trị 972,46 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có diễn biến tích cực hơn thị trường chung khi đã tìm lại được sắc xanh. Chốt phiên sáng, nhóm này ghi nhận mức tăng hơn 1 điểm với 15 mã tăng và 11 mã giảm. Các cổ phiếu tăng tốt nhất là STB tăng 4%, CTG tăng 2,8%, SSI tăng 2,5%, BID tăng 2,1%, trong đó động lực hỗ trợ chính cho chỉ số chung là BID đóng góp 0,83 điểm, GAS đóng góp gần 0,7 điểm.

Ngược lại, VIC vẫn là mã giảm sâu nhất khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số chung, chốt phiên sáng giảm 4% xuống mức 64.200 đồng/CP. Ngoài ra, GVR giảm 3%, các mã lớn khác như MWG, HPG, VHM giảm hơn 1%.

Như đã nói ở trên, xét về nhóm ngành thì dòng bank là điểm tựa chính ngăn đà giảm mạnh của thị trường, trong đó cặp đôi BID và CTG đều chốt phiên tăng hơn 2%, tuy nhiên anh cả VCB đảo chiều điều chỉnh nhẹ sau phiên ngược dòng thị trường chung ngày cuối tuần 18/8 khi giảm nhẹ 0,11%.

Điểm sáng ngành thuộc về cổ phiếu LPB khi chốt phiên tăng 6,3% lên mức 19.400 đồng/CP, tiếp theo là STB tăng 4% lên mức 32.550 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu dòng bank và thuộc top 3 toàn thị trường với 21,97 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng giao dịch khởi sắc, trong đó SSI chốt phiên tăng 2,5% và khớp 19,3 triệu đơn vị, VND tăng 1,3% và khớp 18,53 triệu đơn vị; các mã VCI, HCM, CTS đều tăng nhẹ…

Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 55 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%), xuống 235,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,42 triệu đơn vị, giá trị 1.110 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,94 triệu đơn vị, giá trị đạt 91,32 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng khởi sắc về cuối phiên với mức tăng hơn 4%, trong đó nhiều mã đảo chiều hồi phục tích cực như SHS tăng 2,6% với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất thị trường, đạt 15,6 triệu đơn vị; CEO chốt phiên tăng 2,5% dù có thời điểm nằm sàn và khớp lệnh gần 9,2 triệu đơn vị; HUT chốt phiên tăng 2,1% và khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã khác như MBS, IDC đều tăng 1,2%; APS, DDG tăng trên dưới 3%, thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng bớt tiêu cực hơn.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,27%), xuống 89,03 điểm khi có tới 183 mã giảm và 68 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,58 triệu đơn vị, giá trị 361,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,49 triệu đơn vị, giá trị 136,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với xấp xỉ 5 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên giảm 1,6% xuống 19.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan