Giao dịch chứng khoán sáng 21/4: Cổ phiếu mía đường bứt tốc, VN-Index vẫn loay hoay tìm hướng đi

Giao dịch chứng khoán sáng 21/4: Cổ phiếu mía đường bứt tốc, VN-Index vẫn loay hoay tìm hướng đi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù xu hướng lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp chưa được cải thiện, nhưng thị trường lại xuất hiện những điểm nhấn và trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu mía đường.

Trong phiên hôm qua, thị trường tiếp tục có phiên giao dịch khá ảm đạm khi chỉ số chính chỉ lình xình trong biên độ hẹp, còn thanh khoản sụt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 1 tháng rưỡi. Trong các nhóm ngành, không có nhóm nào quá nổi bật khi các có sự phân hóa, nhưng biến động giá cũng chỉ trong biên độ hẹp.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, xu hướng chung này vẫn chưa có gì cải thiện khi VN-Index vẫn chỉ lình xình dưới đường cản MA50, quanh vùng 1.050 điểm với giao dịch nhỏ giọt, dù sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn so với sắc đỏ.

Các nhóm ngành dẫn dắt đều đang có sự phân hóa, ngoại trừ nhóm chứng khoán đồng loạt có sắc xanh sau báo cáo lợi nhuận quý I khả quan.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý lại đến từ nhóm ngành trước nay vẫn nhận được ít sự quan tâm của nhà đầu tư là cổ phiếu mía đường.

Nhóm cổ phiếu này đã âm thầm tăng mạnh kể từ cuối tháng 3 theo xu hướng tăng của giá đường thế giới, trong đó có những mã tăng dựng đứng như KTS, LSS.

Trên thị trường quốc tế, giá đường thế giới tăng vọt. Tính đến ngày 20/4, hợp đồng tương lai giá đường trắng tại Mỹ đạt 24,88 cent/pound, mức cao nhất hơn 10 năm.

Giá đường thế giới tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Ấn Độ được nhận định sẽ hạn chế xuất khẩu đường vì giá đường nội địa ở mức cao và mưa lớn có thể làm giảm năng suất mía. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao có thể sẽ thúc đẩy quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới này chuyển hướng từ trồng mía sang sản xuất ethanol. Trong khi đó, Brazil, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có định hướng chuyển sang sản xuất ethanol, còn nguồn cung tại một số nước khác như Thái Lan, Pakistan được đánh giá là “mờ nhạt”.

Tại thị trường trong nước, giá đường tăng nhẹ, dao động quanh mức 18.000 đồng/kg, do chịu áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu và vụ ép mía vẫn đang trong giai đoạn cao điểm. Một số công ty chứng khoán dự báo, giá đường trong nước có thể đạt 18.500 đồng/kg trong quý III/2023.

Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu đường tiếp tục thêm độ ngọt và là địa chỉ tìm đến của dòng tiền.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu SBT và LSS có phiên giao dịch hiếm hoi nằm trong Top đầu về thanh khoản, trong đó SBT đang tăng 5,9% lên 16.200 đồng, khớp 5,75 triệu đơn vị, có lúc đã lên mức trần 16.350 đồng. Trong khi đó, LSS cũng khớp 2,25 triệu đơn vị, cao nhất trong 15 tháng và tăng 6,2% lên 9.980 đồng, có lúc cũng chạm trần 10.050 đồng. Nếu tính từ đầu tháng 4, cổ phiếu LSS đã tăng khoảng 37%.

Trên HNX, KTS tiếp tục có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 22.700 đồng, cũng là phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp với 5 phiên tăng trần. Nếu so với cuối tháng 3, cổ phiếu này đã có mức tăng hơn 56%, tuy nhiên thanh khoản không được như các đồng nghiệp trên HOSE khi chỉ khớp trên dưới 30.000 đơn vị, sáng nay khớp chỉ hơn 24.000 đơn vị.

Tương tự, SLS tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng mức tăng nhẹ chỉ 1,8% lên 173.000 đồng, thanh khoản chỉ 23.300 đơn vị. Từ đầu tháng đến nay, cổ phiếu này tăng khiêm tốn hơn với chỉ 16%, đây cũng là điều dễ hiểu với 1 mã có thị giá cao.

Trên UPCoM, QNS cũng đang tăng tốt 3,6% lên 42.700 đồng, thanh khoản hơn 303.000 đơn vị và cũng chỉ tăng hơn 9% trong tháng 4.

Trở lại diễn biến chung của thị trường, xu hướng giằng co ở biên độ hẹp vẫn không có gì thay đổi, thanh khoản dù có cải thiện so với phiên sáng qua, nhưng vẫn đứng ở mức thấp.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,98 điểm (-0,09%), xuống 1.048,27 điểm với 156 mã tăng và 169 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,4 triệu đơn vị, giá trị 3.711,5 tỷ đồng, tăng 31,8% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên sáng qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với 2 tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,2 triệu đơn vị, giá trị 370 tỷ đồng.

Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm chứng khoán tích cực nhất khi chỉ có duy nhất TVS giảm giá, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là VDS tăng 4,6% lên 9.980 đồng, còn các mã bluechip, tăng mạnh nhất là SSI tăng 3,1% lên 21.750 đồng, VCI tăng 2,1% lên 31.950 đồng, HCM tăng 1,8% lên 25.800 đồng, VND tăng 1,7% lên 15.100 đồng. Trong đó, SSI là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 14,09 triệu đơn vị. VND cũng có giao dịch sôi động với thanh khoản 6,87 triệu đơn vị.

Nhóm ngân có sự phân hóa và khá cân bằng với cả bên tăng và giảm đều có mức biến động giá không lớn. Trong đó, TPB tăng mạnh nhất 1,3% lên 22.700 đồng, còn giảm mạnh nhất là HDB giảm 1,6% xuống 18.900 đồng. Mã có thanh khoản tốt nhất nhóm là SHB khớp 5,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,4% lên 11.400 đồng.

Nhóm bất động sản cũng khá cân bằng, trong đó PDR là mã giảm mạnh nhất khi mất 3% xuống 13.000 đồng và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 7,87 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn sau SSI. Một mã đáng chú ý khác là NVL cũng giảm, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn nhiều khi chỉ mất 0,7% xuống 14.300 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, DIG lại đi ngược khi tăng 1,7% lên 17.450 đồng, khớp 7,39 triệu đơn vị, đứng sau PDR. Tuy nhiên, NLG mới là mã tăng ấn tượng nhất trong các mã bất động sản đáng chú ý với mức tăng 4,5% lên 31.450 đồng. Trong khi đó, nhóm nhà VIC đều giảm nhẹ.

Nhóm thép chỉ còn duy nhất HPG tăng nhẹ 0,2% lên 20.850 đồng, khớp 4,61 triệu đơn vị. Các mã đứng giá có HSG, DTL, TNI, HCM, trong khi NKG giảm 1% xuống 14.500 đồng.

Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM lại có giao dịch khá tích cực sáng nay khi phần lớn thời gian đều giao dịch trên tham chiếu, trong đó UPCoM là suốt thời gian của phiên sáng chỉ đi với sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,26 điểm (+0,61%), lên 207,86 điểm với 62 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,5 triệu đơn vị, giá trị 456 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 36,2 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên HNX sáng nay chỉ BII và TNG giảm, trong đó BII mức giảm kịch sàn về 1.700 đồng (khớp 3,81 triệu đơn vị), TNG giảm nhẹ 0,5% về 18.400 đồng (khớp 1,16 triệu đơn vị), còn lại đều tăng khá mạnh. Trong đó, SHS khớp lớn nhất với 9,89 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1% lên 10.300 đồng. MBS khớp 2,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 17.100 đồng. Một mã chứng khoán khác là APS cũng theo sóng ngành với mức tăng 2,4% lên 12.800 đồng, khớp 1,51 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khác có HHG, IDJ, CEO, PVS.

UPCoM-Index cũng tăng 0,31 điểm (+0,4%), lên 78,17 điểm với 141 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,6 triệu đơn vị, giá trị 606,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,6 triệu đơn vị, giá trị 437,4 tỷ đồng.

Trên sàn này, chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR, SBS và MSR, trong đó BSR là mã có thanh khoản tốt nhất 1,78 triệu đơn vị và cũng là mã duy nhất giảm trong 3 mã, giảm 0,6% xuống 15.900 đồng. Còn lại SBS tăng 1,7% lên 6.000 đồng, khớp 1,53 triệu đơn vị và MSR tăng 4,5% lên 13.900 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan