Sau chuỗi hồi phục ấn tượng từ đáy 873 điểm từ phiên 16/11 lên đỉnh của nhịp hồi vùng 1.100 đồng phiên 5/12, thị trường đã điều chỉnh trở lại, sau đó đi ngang quanh vùng 1.030 điểm trong hơn 1 tuần.
Từ cuối tuần qua (16/12), lực cung có tín hiệu gia tăng, sau đó diễn ra mạnh hơn trong 2 phiên đầu tuần này, khiến VN-Index có chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp với tổng số điểm giảm hơn 30 điểm.
Riêng trong phiên hôm qua (20/12), sau khi bị đẩy xuống dưới đường MA50 (1.013), lực cầu bắt đáy nhập cuộc ở một số mã lớn đã kéo VN-Index trở lại, lên trên đường MA20 (1.030). Tuy nhiên, lực cung lớn diễn ra ở nhiều mã khác trong đợt ATC khiến VN-Index đóng cửa không giữ được mức điểm này. Điểm tích cực là thanh khoản tăng, lên mức cao nhất 2 tuần.
Bước vào phiên sáng nay, lực cầu bắt đáy phiên chiều qua, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài phần nào đem đến kỳ vọng cho nhà đầu tư về đợt sóng mới của thị trường, nên lệnh mua giá cao được đẩy vào từ khá sớm, giúp thị trường tăng hơn 10 điểm khi mở cửa.
Tuy nhiên, lực bán cũng luôn chực chờ mỗi nhịp hồi, nên VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt, tìm được về lại tham chiếu. Trên bảng điện tử, sắc đỏ dần chiếm ưu thế và lấn át sắc xanh, đà hồi phục của một số mã bất động sản như NVL, PDR, HPX, DIG…, nhanh chóng bị đứt gãy trước lực cung còn lớn.
VN-Index chỉ không giảm sâu nhờ lực đỡ của một số mã trụ như VCB, VIC, VNM, SAB, VRE, GAS. Tuy nhiên, đà tăng của các mã này cũng đang bị đe dọa trước lực cung mỗi lúc một tăng.
Đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay là GIL khi mở cửa ở mức sàn 19.750 đồng, nhưng sau đó được kéo thẳng lên mức trần 22.650 đồng. Có lúc đã xuất hiện lực dư mua trần, nhưng không giữ được lâu trước lực cung gia tăng.
Thông tin đáng chú ý liên quan đến GIL (Gilimex) là công ty đã khởi kiện Amazon ra tòa án Tòa án tối cao New York (Mỹ), yêu cầu bồi thường thiệt hại 280 triệu USD (hơn 6.580 tỷ đồng), theo Bloomberg.
Nhà sản xuất của Việt Nam cáo buộc Amazon vi phạm cam kết mà hai bên đã thoả thuận, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, từ tháng 5/2022, Amazon chấm dứt thỏa thuận hợp tác, thu hẹp các đơn đặt hàng, khiến Công ty gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Gilimex yêu cầu bồi thường thiệt hại để bù đắp chi phí, bao gồm chi phí cho các thùng chứa mà Công ty đã sản xuất, nguyên liệu thô đã mua và các khoản đầu tư vào các cơ sở sản xuất.
Là đối tác chính của Amazon kể từ năm 2014, Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa bằng thép và vải dùng chứa hàng hóa trong kho của Amazon. Những kho chứa này được vận chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến, giúp công nhân không phải đi bộ quanh nhà kho rộng lớn. Gilimex đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm.
Tình hình kinh doanh của Gilimex rất tốt sau khi hợp tác với Amazon, doanh thu trung bình tăng trên 20%/năm. Năm 2021 là năm bùng nổ của thương mại điện tử nên cả Amazon và Gilimex đều hưởng lợi lớn. Tổng giá trị đơn đặt hàng của Amazon với Gilimex đạt 146,6 triệu USD, giúp doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Do doanh thu bán hàng cho Amazon chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 85%, nên khi gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ giảm nhu cầu đột ngột, Gilimex lập tức ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc.
Sau nhịp rung lắc và điều chỉnh giữa phiên, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đã dẫn dắt thị trường giúp VN-Index lấy lại đà khởi sắc dù sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Điều đáng nói là tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn sau những phiên biến động mạnh gần đây, đã khiến thanh khoản thị trường phiên sáng nay sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua (phiên sáng 24/11 đạt gần 3.371 tỷ đồng).
Chốt phiên, sàn HOSE có 143 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 4 điểm (+0,39%) lên 1.027,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 218,97 triệu đơn vị, giá trị 3.509,77 tỷ đồng, giảm 54,85% về khối lượng và 56,96% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,48 triệu đơn vị, giá trị 401,72 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng lấy lại diễn biến tích cực trong nửa cuối phiên khi ghi nhận 21 mã tăng và chỉ 8 mã giảm. Trong đó, hầu hết các mã giảm đều thuộc nhóm bất động sản với NVL giảm 4,6%, PDR giảm 3,5%, KDH giảm 2,3% và VHM giảm 1,4%.
Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng đang là điểm sáng của thị trường chung và cũng là các mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 với STB, BID, VCB, VPB. Ngoài ra, một số mã lớn cũng hỗ trợ tốt cho thị trường như VRE tăng 2,3%, VNM tăng 2,2%, SAB tăng 1,9%, PLX tăng 1%, VIC tăng 0,9%...
Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, dòng bank chính là điểm tựa lớn nhất của thị trường khi chỉ còn một vài mã như CTG, ACB, MSB, OCB đỏ điểm, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, anh cả VCB tăng 2,41%, các mã BID, VPB, STB cũng tăng hơn 2%; EIB, MBB, HDB, LPB tăng hơn 1%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán phần hóa và điều chỉnh nhẹ, với VND là mã giao dịch sôi động nhất ngành với hơn 7,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 2,3% xuống 14.850 đồng/CP; các mã khác như SSI giảm 0,3%, VIX, ORS, FTS… giảm hơn 1%; trong khi HCM tăng 1,1%, VCI nhích nhẹ 0,2%, APG tăng 2,6%...
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh đà giảm của các mã bluechip, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành vẫn giảm khá sâu như HPX giảm 4,5%, DIG giảm 2,4%, VCG giảm 1,5%, ITA giảm 2,1%, DXS giảm 3,2%, HQC, SCR và CII cùng giảm hơn 1%...
Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG hồi phục nhẹ với mức tăng chưa tới 0,5%, thì cặp đôi HSG và NKG đều quay đầu điều chỉnh với mức giảm tương ứng 2,6% và 1,7%; TLH cũng giảm hơn 1%...
Cổ phiếu GIL vẫn là điểm đáng chú ý trên sàn HOSE dù không giữ được sắc tím. Tạm chốt phiên sáng nay, GIL tăng 5,9% lên 22.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,48 triệu đơn vị, vượt xa mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây là 1,3 triệu đơn vị/phiên.
Trên sàn HNX, bên cạnh thanh khoản giảm mạnh, thị trường đã quay đầu mất điểm sau thời gian ngắn đầu phiên khởi sắc.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 2,21 điểm (-1,06%), xuống 205,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,85 triệu đơn vị, giá trị 280,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,19 triệu đơn vị, giá trị 121,27 tỷ đồng.
Trái với sàn HOSE, các cổ phiếu trong rổ HNX30 lại là một trong những nhân tố khiến thị trường khó hồi phục khi ghi nhận 16 mã giảm điểm, gấp đôi số mã tăng điểm là 8 mã.
Trong đó, các mã tăng chủ yếu không tác động mạnh tới chỉ số chung như LHC tăng 3,2%, TIG tăng 2,4%, còn TNG, TVD, VNR, HUT, MBS, IDC tăng nhẹ trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, cặp Licogi dẫn đầu xu hướng giảm với L14 giảm 6% và l18 giảm 3,1%; đáng chú ý cổ phiếu vốn hóa lớn là THD giảm 2,9%, SHS giảm 2,1%, PVS giảm 1,8%...
Trong đó, cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 4,11 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, chỉ còn 2 mã khác có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị là CEO khớp 2,67 triệu đơn vị và PVS khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường cũng quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,33%), xuống 70,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,69 triệu đơn vị, giá trị 126,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,13 triệu đơn vị, giá trị 110,97 tỷ đồng.
Cũng như sàn niêm yết HNX, trên thị trường UPCoM, số cổ phiếu có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị khá hiếm. Trong đó, BSR là mã duy nhất, với khối lượng giao dịch đạt hơn 3,3 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,9% xuống 13.400 đồng/CP.
Đáng chú ý, trong khi các cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết giao dịch khá tích cực thì thành viên trên UPCoM là KLB bất ngờ bị xả ồ ạt về cuối phiên và tạm dừng phiên sáng ở mức giá sàn 10.700 đồng/CP với khối lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị cùng lượng dư bán sàn tới hơn 10,87 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, thành viên khác nhà bank là BVB lại hồi phục thành công về cuối phiên khi ghi nhận mức tăng 1,1%, chốt phiên sáng nay tại mức giá 9.300 đồng/CP.