Sau phiên Break đầu tuần trước (11/10), thị trường đã có 6 phiên liên tiếp tích lũy ở quanh ngưỡng 1.400 điểm, nhưng chưa một lần đóng cửa trên ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh này. Điểm đáng lưu ý, cả 6 phiên này, giá đóng cửa đều thấp hơn giá mở cửa, trong đó 2 phiên gần nhất VN-Index tạo cây nến doji trên đồ thị ngày.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu cũng có sự phân hóa khá rõ, chưa có nhóm nào tập hợp đủ lực lượng để thể hiện vai trò dẫn dắt, chỉ xuất hiện một vài mã trụ đơn lẻ được sử dụng để đỡ thị trường không giảm sâu, hoặc níu VN-Index không cho bứt qua ngưỡng 1.400 điểm.
Bước vào phiên sáng nay, xu hướng thị trường chưa có gì thay đổi khi mở cửa, VN-Index được kéo lên test lại ngưỡng 1.400 điểm, nhưng nhanh chóng bị đẩy trở lại do áp lực bán ở vùng này quá cao.
Sau khi bị đẩy xuống dưới tham chiếu, lại có lực cầu đỡ giá kéo VN-Index tăng trở lại lên trên ngưỡng 1.400 điểm, nhưng cũng như nhiều lần trong hơn 1 tuần qua, đây vẫn là ngưỡng cản quá lớn của VN-Index, hoặc một số bên chưa muốn chỉ số vượt qua ngưỡng này, nên VN-Index lại bị đẩy trở lại, đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,37 điểm (+0,17%), lên 1.397,7 điểm với 233 mã tăng và 181 mã giảm, cùng 59 mã đứng giá. Trong đó, có 16 mã tăng trần, chủ yếu là các mã vừa và nhỏ có tính thị trường cao, trong khi có 3 mã giảm sàn là L10, LGC và SII. Tổng khối lượng giao dịch đạt 398,5 triệu đơn vị, giá trị 10.665,6 tỷ đồng, tăng gần 12% về khối lượng, nhưng giảm 3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,7 triệu đơn vị, giá trị 811 tỷ đồng.
Lý do khối lượng tăng nhưng giá trị giảm là do dòng tiền đầu cơ tìm kiếm cơ hội lướt sóng ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tính thị trường trong giai đoạn thị trường tích lũy, giúp nhiều mã nhóm này tăng trần như HQC, JVC, QBS, TTF, BCE, HID, MCG, PLP, TNI, VNE, VRC, FTM, LCG, TCD, EVG, hay các mã nhóm vận tải biển như VTO, VSC.
DLG và HAR cũng có lúc có sắc tím, nhưng áp lực chốt lời sau chuỗi tăng mạnh trước đó khiến các mã này hạ nhiệt. Chốt phiên, DLG tăng 6,3% lên 7.730 đồng, khớp 9,3 triệu đơn vị, HAR tăng 2,4% lên 8.520 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị.
Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất là HQC với 20,1 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 4.440 đồng, còn dư mua giá trần tới gần 4,6 triệu đơn vị. Tiếp theo là TTF khớp 15,7 triệu đơn vị, đóng cửa ở giá trần 9.070 đồng, không còn dư mua giá trần. LCG cũng còn dư mua trần rất lớn (15.700 đồng) 3,2 triệu đơn vị, khớp gần 1,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FIT sau 2 phiên tăng mạnh đã chịu áp lực chốt lời sớm nên điều chỉnh trong phiên sáng nay. Đóng cửa giảm 2,9% xuống 13.400 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị.
Trong nhóm dẫn dắt, sự phân hóa diễn ra mạnh, nhưng mức biến động không lớn, nên VN-Index vẫn chỉ loay hoay tích lũy trong biên độ rất hẹp quanh ngưỡng 1.400 điểm. Sáng nay, TCB là mã có tác động tích cực thứ 3 tới VN-Index sau MSN và PDR khi tăng 0,6% lên 53.000 đồng, khớp 12,7 triệu đơn vị, nhưng mã tác động tiêu cực nhất tới VN-Index cũng là 1 mã ngân hàng là VCB khi giảm 1,04% xuống 95.400 đồng. Ngoài ra còn phải kể đến BID, VIB.
Nhóm bất động sản, trong khi PDR ở chiều tích cực, thì chiều tiêu cực lại có sự góp mặt của VHM.
Nhóm thép, HPG vẫn điều chỉnh nhẹ, trong khi NKG duy trì đà tăng tốt 1,13% lên 38.000 đồng.
Trên sàn HNX, hàng loạt mã đua nhau tăng trần, với điểm nhấn ở nhóm cổ phiếu phân bón, cùng đà tăng tích cực của một số mã lớn, điển hình là KSF, đã giúp HNX-Index tiếp tục nới rộng biên độ về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 84 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index tăng 2,47 điểm (+0,64%), lên 389,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,25 triệu đơn vị, giá trị 1.259,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 46 tỷ đồng.
Điểm sáng trên sàn HNX là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với hàng loạt mã đua nhau tăng trần cùng thanh khoản sôi động, như ACM chốt phiên đứng tại mức giá 4.000 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 6,3 triệu đơn vị vùng lượng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Ngoài ra, TTH, MBG, PV2… cũng đều tăng hết biên độ, trong đó MBG xác nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với lượng dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu lớn, KSF tăng tốc và chốt phiên sáng nay tăng 7,6%, đứng tại mức giá cao nhất trong phiên 77.400 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn chỉ nhúc nhắc với 15.700 đơn vị.
Các mã khác trong nhóm HNX30 như IDC, THD, SHS, LAS tăng nhẹ trên dưới 0,5%; các mã khác như CAP, DTD, VMC tăng trên dưới 2%. Cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ này là DP3 và L14 cùng ghi nhận mức tăng 3,5%.
Nhóm cổ phiếu phân bón trên HNX với PSW, PCE, PSE vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và chốt phiên sáng nay đều trong trạng thái trắng bên bán với lượng dư mua trần khá lớn.
Trái lại, nhóm than tiếp tục lầm lũi đi xuống khi hầu hết đều giảm 3-4%. Đáng kể, cổ phiếu NBC có mức giảm mạnh nhất trong ngành và trong nhóm HNX30 khi chốt phiên sáng nay giảm 6% xuống mức 23.500 đồng/CP.
Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,15%), lên 99,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,16 triệu đơn vị, giá trị 843,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 9,46 tỷ đồng.
Dù không còn nóng như phiên hôm qua nhưng NED vẫn khá tỏa sáng trên thị trường UPCoM. Chốt phiên sáng, NED tăng 11,4% lên 12.700 đồng/CP và là 1 trong 3 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 5,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG nhanh chóng hồi phục mạnh trong phiên sáng nay và áp sát mức giá trần khi chốt phiên đứng tại mức giá 4.600 đồng/CP, với thanh khoản dẫn đầu, đạt gần 6,6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu dầu khí BSR đã nguội hơn trong phiên hôm nay khi chỉ nhích nhẹ 0,9%, chốt phiên đứng tại 23.700 đồng/CP.