Sau thời gian dài chờ đợi, nhà đầu tư đã được “trả công” bằng phiên giao dịch bùng nổ ngày cuối tuần 16/8. Đà tăng mạnh lan tỏa toàn thị trường giúp VN-Index tăng vọt và vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm, xác nhận phiên tăng tốt nhất kể từ đầu năm. Theo giới phân tích đánh giá, đây là phiên bùng nổ theo đà giúp thị trường kỳ vọng về diễn biến tích cực hơn về xu hướng sắp tới.
Về góc độ phân tích kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng, nhà đầu tư cần chú ý chỉ số vẫn còn những ngưỡng cản chưa vượt qua được như MA50 hay vùng cung 1.260-1.280. Do đó, tuần tới thị trường có thể vẫn sẽ tiếp nối đà tăng phiên cuối tuần vừa qua nhưng sẽ ít có khả năng tiếp tục tăng mạnh, mà đà tăng sẽ thu hẹp lại và xảy ra rung lắc ở những vùng cản này.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng ngày 19/8, tâm lý nhà đầu tư vẫn tích cực và chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch khởi sắc khi mở cửa phiên đầu tuần. Tuy nhiên, sức nóng đã giảm nhiệt sau phiên bùng nổ trước đó.
Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đang biến động quanh mức giá 1.260 điểm khi cặp đôi lớn là nhóm chứng khoán và ngân hàng chuyển qua trạng thái phân hóa và chỉ còn tăng nhẹ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép có diễn biến khởi sắc hơn với HPG tăng trên dưới 2%, HSG tăng 3,2%, NKG tăng 4,12%, SMC và TLH đều tăng hơn 3,5%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hạ nhiệt, trong đó một số mã vẫn duy trì sức hấp dẫn như PDR, DXG đang tăng trên dưới 4% với thanh khoản đều thuộc top 5 cổ phiếu sôi động nhất thị trường; mã mã DXG, VHM, HHV… chỉ còn tăng nhẹ; trong khi nhiều mã khác như TCH, KDH, TDC, BCG… rung lắc và điều chỉnh nhẹ.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là PNJ. Cổ phiếu này tăng tốt ngay từ đầu phiên và đã sớm khoe sắc tím. Hiện PNJ đang đứng vững ở mức giá trần 104.900 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, với thanh khoản đột biến lên tới hơn 4,4 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 1,8 triệu đơn vị.
Một trong những thông tin được đánh giá là động lực tiếp sức cho đà tăng tốc của PNJ chính là dữ liệu tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Công ty vào cuối quý II/2024 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 2,3%.
Thị trường khó bật cao khi áp lực bán luôn chực chờ khiến các cổ phiếu khó tăng tốc, thậm chí như nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán còn rung lắc. Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng điểm quanh mốc 1.260 điểm thời gian còn lại của phiên sáng
Chốt phiên, sàn HOSE có 278 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 9,41 điểm (+0,75%) lên 1.261,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 360,2 triệu đơn vị, giá trị 8.703 tỷ đồng, giảm 27,6% về khối lượng và 24,77% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 756 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giảm mạnh đà hưng phấn khi chốt phiên chỉ tăng nhẹ 6 điểm, với 22 mã tăng và 4 mã giảm. Trong đó, các cổ phiếu chủ yếu biến động nhẹ dưới 1%. Trong đó, cặp đôi tăng mạnh nhất là VNM và GAS đều đạt hơn 2%, tiếp theo là VIB tăng 1,7%, HPG tăng 1,6%, BID và MSN cùng tăng 1,3%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền vẫn ưu ái các mã bất động sản như PDR, NVL, DXG giúp duy trì đà tăng giá cùng thanh khoản thuộc top sôi động của thị trường. Trong đó, PDR tăng 2,9%, NVL tăng 1,3% với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 10 triệu đơn vị, DXG tăng 4,3% và khớp gần 10 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, với tâm điểm là cổ phiếu PNJ duy trì sức nóng khi chốt phiên tăng kịch trần và khớp lệnh 4,64 triệu đơn vị cùng dư mua trần tới hơn 2,45 triệu đơn vị, nhóm cổ phiếu bán lẻ dẫn đầu thị trường khi có thêm PET tăng 1,3%, DGW và FRT đều tăng nhẹ…
Trong khi đó, ở bộ 3 trụ cột chính là bank chứng thép vẫn không nhiều chuyển biến. Cụ thể, nhóm cổ phiếu thép vẫn tích cực nhất nhờ bộ 3 gồm HPG tăng 1,56%, HSG tăng 2,7% và NKG tăng 3,87%; còn nhóm ngân hàng và chứng khoán đều phân hóa và chỉ nhích nhẹ.
Ở nhóm ngân hàng, LPB tăng tốt nhất là 2,92%, tiếp theo là BID và VIB tăng hơn 2%, còn lại tăng giảm đều chỉ trên dưới 0,5%. Tương tự, nhóm chứng khoán có VND, VIX, CTS… nhích nhẹ, trong khi HCM, SSI, FTS, VCI… đảo chiều chỉnh giảm, với mức biến động tăng giảm chỉ quanh 0,5%. Trong đó, cổ phiếu VIX sôi động nhất thị trường với 15,49 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,8% lên mức 12.050 đồng/CP.
Trên sàn HNX, diễn biến phân hóa của thị trường chung cũng khiến HN-Index khó tăng tốc.
Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,47%) lên 236,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,73 triệu đơn vị, giá trị 573,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,66 triệu đơn vị, giá trị 66,93 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản CEO vẫn duy trì diễn biến khởi sắc nhưng không còn nóng như phiên trước đó. Chốt phiên, CEO tăng 2% lên mức 15.400 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với gần 5,5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán kém tích cực hơn, với SHS giảm 0,6% và khớp 3,33 triệu đơn vị; MBS giảm 0,4% và khớp 1,05 triệu đơn vị, VFS giảm 0,7%, BVS giảm 0,8%, APS giảm 1,4%...
Các cổ phiếu đáng chú ý khác như PVS, IDC, TIG, LAS, VGS vẫn giữ được sắc xanh nhưng chỉ còn tăng khoảng trên dưới 1%, với khối lượng khớp lệnh cũng kém sôi động hơn.
Trên UPCoM, thị trường cũng giảm nhiệt sau phiên khởi sắc cuối tuần trước.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,23%) lên 93,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,16 triệu đơn vị, giá trị 390,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 6,77 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,1% lên mức 24.300 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động khác là BCR khớp hơn 2 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu, DFF khớp 1,42 triệu đơn vị và chốt phiên tăng kịch trần lên mức 2.800 đồng/CP; VEA khớp 1,17 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,3%.
Điểm sáng là cổ phiếu thép TVN tăng tốc và chốt phiên đứng tại mức giá 10.000 đồng/CP, khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị.