Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: VN-Index đảo chiều giảm, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hút dòng tiền

Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: VN-Index đảo chiều giảm, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, thậm chí VN-Index có lúc mất mốc 1.270 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn là tâm điểm hấp dẫn dòng tiền.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng lấy lại “phong độ” trong phiên hôm qua ngày 18/7 đã giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Chỉ số VN-Index đã một lần nữa test ngưỡng hỗ trợ 1.255 – 1.258 điểm và bật tăng trở lại, cho thấy tín hiệu khá tích cực và thị trường khó giảm mạnh thêm trong những phiên tới.

Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã tạo nến rút chân tăng điểm và đóng cửa ngay trên hai đường trung bình ngắn hạn MA20/MA50, các chỉ báo RSI và MACD hướng lên sau khi rơi xuống vùng quá bán thêm phần khẳng định cho vận động của dòng tiền. Tuy nhiên, đường +DI đang ở vùng thấp nên VN-Index vẫn cần thời gian để lấy lại cân bằng và quay lại mốc 1.280-1.290 điểm trong ngắn hạn..

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 19/7, lực cầu tham gia khá thận trọng bởi đây là phiên hàng T+ trong phiên bán tháo ngày 17/7 về tài khoản. VN-Index có những nhịp khởi sắc nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng chỉ số khó tiến xa và nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc nhẹ bởi áp lực bán luôn thường trực.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang điều chỉnh nhẹ chưa tới 1 điểm khi lực bán dâng cao hơn khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Dòng tiền vẫn tập trung chính vào cặp đôi nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, và đây cũng là các “má phanh” ngăn đà giảm sâu hơn của VN-Index.

Cụ thể, top 10 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều là những tên tuổi của dòng bank và chứng khoán. Trong đó, cặp đôi TPB và MBB dẫn đầu với thanh khoản tương ứng hơn 27,5 triệu đơn vị và 16,5 triệu đơn vị, hiện đang tăng trên dưới 2%.

Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và nhóm ngân hàng, chứng khoán cũng không còn “đứng vững”. Tuy nhiên, lực cầu đã được kích hoạt khá tích cực khi VN-Index thủng mốc 1.270 điểm, đã giúp chỉ số nhanh chóng tìm lại vùng giá này.

Chốt phiên, sàn HOSE có 119 mã tăng và 282 mã giảm, VN-Index giảm 4,07 điểm (-0,32%), xuống 1.270,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 339 triệu đơn vị, giá trị 8.156,2 tỷ đồng, tăng 26,35% về khối lượng và 22,65% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 236 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ còn 3 nhóm giữ được sắc xanh, trong đó bán lẻ là nhóm tăng tốt nhất cũng chỉ đạt 0,5% với đóng góp lớn nhất đến từ MWG tăng 1,1%. Đặc biệt trong rổ này là có sự góp mặt của dòng bank dù chỉ nhích nhẹ so với mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã TPB, MBB, ACB, MSB đều có được mức tăng trên dưới 1% với thanh khoản sôi động. Điểm sáng là TPB chốt phiên tăng 1,9% và khớp lệnh lên tới gần 33,44 triệu đơn vị; MBB tăng 1,2% với thanh khoản đạt 21,22 triệu đơn vị.

Các nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường đều mất điểm, với nhóm nông lâm ngư giảm mạnh nhất là hơn 2%, tiếp theo là nhóm sản xuất nhựa – hóa chất giảm 1,9%, nhóm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cùng giảm hơn 1,5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm nhẹ bởi áp lực bán gia tăng hơn về cuối phiên, trong đó cổ phiếu VIX có thanh khoản tốt nhất ngành chịu sức ép lớn, chốt phiên đã giảm 5,6%, thậm chí có thời điểm nằm sàn và khối lượng khớp lệnh đạt 26,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, 2 mã lớn hơn là SSI và VND chốt phiên tăng tương ứng 1,3% và 2,6%, với khối lượng khớp lệnh đạt 10,34 triệu đơn vị và 8,57 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực bán cũng lan rộng trên thị trường đã khiến HNX-Index lùi sâu hơn.

Chốt phiên, sàn HNX có 41 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,65%), xuống 240,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,18 triệu đơn vị, giá trị 436,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,55 triệu đơn vị, giá trị 98,7 tỷ đồng.

Cặp đôi chứng khoán trên sàn HNX cũng là tâm điểm của thị trường, cụ thể SHS chốt phiên đứng giá tham chiếu và khớp 5,13 triệu đơn vị; còn MBS tăng 1,4% và khớp 2,81 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 kém lạc quan hơn về cuối phiên, đã tạo sức ép lớn cho thị trường, như CEO và PVS cùng giảm 1,2%, TNG giảm nhẹ 0,4%, HUT giảm 1,8%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi DVG và HTP sớm nằm sàn và chốt phiên đều trong trạng thái dư bán sàn trên dưới nửa triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, thị trường cũng nhanh chóng đảo chiều giảm và nới rộng hơn biên độ về cuối phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,76%), xuống 96,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,46 triệu đơn vị, giá trị 273 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,76 triệu đơn vị, giá trị 11,36 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục tăng nhẹ 0,9% lên mức 23.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 3,14 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có thanh khoản sôi động tiếp theo đạt trên dưới 1,5 triệu đơn vị cùng tạm dừng phiên sáng không mấy khả quan, với BVB đứng giá tham chiếu, PVX giảm 4,2%, QBS giảm sàn và POM giảm 7,1%.

Tin bài liên quan