Giao dịch chứng khoán sáng 19/10: Nhà đầu tư ôm tiền mặt, thanh khoản thị trường cạn kiệt dần

Giao dịch chứng khoán sáng 19/10: Nhà đầu tư ôm tiền mặt, thanh khoản thị trường cạn kiệt dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau tuần hồi phục tốt trước đó, thị trường bước vào tuần này với kịch bản các phiên tăng giảm đan xen và thanh khoản đứng ở mức thấp khi sự thận trọng được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu.

Sau khi gom vào mạnh cổ phiếu HPG, góp phần giúp cổ phiếu này tăng hơn 10,5% tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng chốt lời, khiến HPG đảo chiều giảm trở lại.

HPG là một trong những cổ phiếu được ưa thích nhất của các quỹ đầu tư cả trong nước và quỹ ngoại khi dường như trong danh mục của quỹ nào cũng có tên cổ phiếu này. Đây cũng là mã mà các nhà đầu tư nước ngoài chăm lướt sóng nhất trong giai đoạn gần đây khi liên tục xoay chiều mua, bán trong các tuần liên tiếp.

Trong tuần trước, khi cổ phiếu HPG xuống dưới ngưỡng 18.000 đồng, mức thấp nhất gần 2 năm, nhà đầu tư nước ngoài đã tung tiền bắt đáy tích cực khi mua ròng hơn 12 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 162,6 tỷ đồng.

Lực cầu mạnh của nhà đầu tư nước ngoài chính là một trong những nhân tố giúp cổ phiếu HPG là một trong những cổ phiếu bluechip hiếm hoi tăng giá trong tuần qua với mức hồi lại khá mạnh, hơn 10,5%.

Tuy nhiên, bước vào tuần giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng chốt lời, khiến HPG quay đầu điều chỉnh. Riêng trong phiên hôm qua (18/10), khối ngoại đã bán ròng tới 8,3 triệu cổ phiếu HPG với giá trị bán ròng gần 159 tỷ đồng, góp phần khiến HPG giảm 2,1% xuống 18.850 đồng.

Trong phiên sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chốt lời HPG khi bán ròng hơn 3,1 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ sau 2 phiên, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu HPG gần bằng lượng mà khối này mua ròng trong tuần trước. Sức ép từ lực cung ngoại khiến HPG tiếp tục điều chỉnh.

Trong năm 2021, nhờ lợi thế giá thép tăng, cổ phiếu nhóm tôn thép nói chung và HPG nói riêng đã có năm giao dịch bùng nổ với mức tăng 40%, thậm chí lúc đạt đỉnh ở giữa tháng 10, cổ phiếu HPG đã có mức tăng tới hơn 90% so với giá cuối năm 2020.

Tuy nhiên, bước vào năm 2022, cùng với xung đột, lạm phát tăng mạnh và nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, cùng chính sách zero Covid của trung Quốc, giá thép quay đầu giảm mạnh đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn, thép trong nước và khiến giá cổ phiếu của ngành này lao dốc, trong đó so với mức đỉnh giữa tháng 10/2021, đóng cửa phiên cuối tuần trước, cổ phiếu HPG đã mất hơn 60% giá trị.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, sau tuần hồi mạnh trở lại tuần trước, chấm dứt chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp khiến có lúc VN-Index về dưới 1.000 điểm, thị trường bước vào tuần giao dịch này trở lại sự thận trọng với các phiên tăng, giảm đan xen.

Sau phiên giảm hơn 10 điểm đầu tuần, VN-Index đã lấy lại đà tăng trong phiên hôm qua, lấy lại cả vốn lẫn lãi trong phiên giảm đầu tuần. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp. Bước vào phiên sáng nay, sự thận trọng tiếp tục được duy trì, khiến giao dịch diễn ra chậm và VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Các nhóm ngành đều có sự phân hóa và chưa có nhóm nào đủ sức dẫn dắt, hay gây sức ép lên thị trường.

Sau khoảng gần 2 tiếng giằng co nhẹ với sự thận trọng của cả 2 bên mua và bán, lực cung bất ngờ được đẩy mạnh lúc gần 11h, khiến sắc đỏ lan rộng dần trên bảng điện tử, nhóm ngân hàng có lúc đã không còn một bóng xanh nào, nhưng chốt phiên VIB đã kịp ngoi lên với mức tăng nhẹ, trong khi VCB và SSB cũng may mắn giữ được tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, EIB và MSB là 2 mã giảm mạnh nhất khi mất hơn 2,4% và 2,1%, STB cũng giảm gần 2% về 17.350 đồng.

Dù vậy, đà giảm của VN-Index không mạnh, mà bị chặn lại ở vùng 1.055 điểm, chỉ số này nảy lại ngưỡng 1.060 điểm, nhưng lực cầu yếu nên sau đó quay đầu lùi lại dưới ngưỡng này trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm ưu thế với 234 mã giảm, trong khi chỉ có 138 mã tăng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,85 điểm (-0,55%), xuống 1.057,81 điểm với thanh khoản 173 triệu đơn vị, giá trị 3.710,7 tỷ đồng, giảm 34,5% về khối lượng và 28,9% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,6 triệu đơn vị, giá trị 885 tỷ đồng.

Nhóm công ty chứng khoán cũng tương tự nhóm ngân hàng khi sắc đỏ lấn át, chỉ còn CTS và HCM tăng giá, FTS, VND, VCI đứng tham chiếu. Tuy nhiên, ngoại trừ TVS giảm mạnh hơn 4%, số còn lại chỉ ở mức giảm khiêm tốn. Trong nhóm này, VND là mã có thanh khoản tốt nhất với 5,71 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng chỉ còn duy nhất TNA giữ được sắc xanh nhạt, TNI đứng tham chiếu. Trong các mã giảm, HSG giảm mạnh nhất khi mất 2,5% xuống 13.550 đồng, tiếp đến là SMC giảm hơn 2,4% xuống 14.000 đồng, còn “anh cả” HPG mất 1,3% xuống 18.600 đồng, khớp 7,58 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,1 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhóm dầu khí lúc đầu còn có sự cân bằng, nhưng sau đó sắc đỏ đã nhiều dân lên và chiếm ưu thế. Tích cực nhất nhóm là PVD tăng 3,1% lên 21.750 đồng, thanh khoản 4,7 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn sau HPG, VND, HAG.

Trong nhóm cổ phiếu có tính thị trường, trong khi TDG duy trì phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, KPF cũng cũng khởi sắc trở lại sau thông tin kết quả kinh doanh quý III tích cực, thì AMD lại bị chốt mạnh quay đầu giảm sàn trở lại về 1.510 đồng sau 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó 3 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi hạ nhiệt do áp lực chốt lời gia tăng trong phiên hôm qua. Trong 4 phiên tăng từ 12 - 17/10, khối lượng giao dịch của AMD chỉ trên dưới 1 triệu đơn vị, nhưng phiên hạ nhiệt hôm qua, lực cung gia tăng mạnh giúp thanh khoản của AMD lên tới gần 4,65 triệu đơn vị, mức cao nhất trong 1 tháng. Nếu tính từ mức giá đóng cửa ngày 11/10 là 1.280 đồng, sau 5 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu AMD có mức tăng hơn 32% (mức trần phiên 18/10 là 1.690 đồng) trước khi bị “úp sọt”.

Liên quan đến cổ phiếu AMD, HOSE vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu này từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. Theo đó, từ ngày 24/10, cổ phiếu này chỉ được giao dịch trong phiên chiều do chậm BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Nếu không sớm khắc phục lỗi trên, nhiều khả năng AMD sẽ nối gót các anh em của mình là FLC, HAI, ROS bị đình chỉ giao dịch.

HAG sau phiên hồi hôm qua đã điều chỉnh trở lại sáng nay khi đóng cửa giảm 2,5% xuống 9.540 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nửa phiên đầu giao dịch tích cực, lúc hơn 10h, lực cung gia tăng đã đẩy HNX-Index quay đầu xuống dưới tham chiếu trước khi kịp trở lại, đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), đứng ở mức 229,13 điểm với 50 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 19,7 triệu đơn vị, giá trị 370 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay sàn HNX chỉ có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là PVS và SHS. Ba mã còn lại có thanh khoản từ hơn 1 triệu đơn vị đến hơn 1,5 triệu đơn vị là HUT, IDC và CEO. Đóng cửa ngoại trừ SHS đứng ở mức tham chiếu 8.600 đồng, còn lại đều tăng, nhưng mức tăng nhẹ, chỉ trên dưới 1%.

UPCoM cũng có diễn biến giống với sàn HNX khi giao dịch trong sắc xanh gần như suốt phiên, nhưng tầm gần 11h lực cung gia tăng khéo chỉ số chính của sàn này về dưới tham chiếu, sau đó kịp trở lại đóng cửa phiên sáng với sắc xanh nhạt với sự cân bằng ở số mã tăng và giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%), lên 80,44 điểm với 107 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,3 triệu đơn vị, giá trị 250 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trên sàn này chỉ có duy nhất BSR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị với tổng khớp trong phiên sáng nay là 6,81 triệu đơn vị, vượt xa số còn lại trên sàn. Đóng cửa, BSR tăng 3% lên 20.900 đồng. Hai mã có thanh khoản tốt tiếp theo trên UPCoM sáng nay là ABB và PAS đều chưa tới nửa triệu đơn vị.

Tin bài liên quan