Sau đợt hồi phục ấn tượng trong tháng 4, thị trường tiếp tục bước vào tháng 5 với tâm lý đầy hứng khởi bởi những thông tin tác động hỗ trợ tích cực.
Bên cạnh tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn sau nhiều tuần liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng, thị trường cũng lạc quan hơn khi Bộ Tài chính để xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho chứng khoán cũng như việc Chính phủ đã tổ chức thành công Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế.
Dòng tiền chảy mạnh giúp VN-Index thẳng tiến, vượt xa mốc 800 điểm - được các chuyên gia kỹ thuật đánh giá là ngưỡng kháng cự mạnh, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5.
Trong tuần giao dịch vừa qua (tuần thứ 2 của tháng 5), bên cạnh dòng tiền nội tham gia sôi động, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã phát đi những tín hiệu tích cực khi chuyển hướng sang mua ròng. Tính trong cả tuần, khối này đã mua ròng tới hơn 2.100 tỷ đồng, vượt cả giá trị mua ròng trong tháng 1 – tháng mua ròng duy nhất kể từ đầu năm 2020.
Tuy vậy, một số chuyên gia chứng khoán vẫn cho rằng, còn khá sớm để khẳng định khối ngoại sẽ kéo dài đà mua ròng bởi trong tuần vừa qua, hoạt động mua ròng của khối này vẫn chủ yếu tập trung vào một số mã và đột biến chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MSN.
Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, thị trường đã trải qua hơn 1 tháng tăng điểm trong nghi ngờ, hiện đang trong giai đoạn "thích nghi" và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
VN-Index có thể có nhịp điều chỉnh trong tuần tới, nhưng khả năng sẽ không quá mạnh do dòng tiền nội vẫn khá mạnh, đây chủ yếu là "tiền tươi thóc thật" chứ ít bao gồm margin, trong khi khối ngoại đã chuyển sang mua ròng. Dòng tiền vẫn sẽ phân hóa và những cổ phiếu có "game" hoặc có các thông tin tích cực đáng để kỳ vọng.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 18/5, thị trường le lói sắc xanh sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp cuối tuần trước.
Tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ khiến giao dịch diễn ra ảm đạm và VN-Index cũng thiếu động lực để đi lên. Chỉ số này chỉ kịp nhích bước trong thời gian ngắn và đã đảo chiều trước áp lực bán có dấu hiệu gia tăng.
Tuy nhiên, lực bán không diễn ra ồ ạt khiến VN-Index không giảm quá sâu và nhanh chóng bật ngược đi lên, hồi phục nhẹ nhờ nỗ lực của các cổ phiếu bluechip.
Đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu dầu khí khi đồng loạt giao dịch khởi sắc. Cụ thể, GAS đảo chiều sau 3 phiên mất điểm khi +3%, tạm đứng tại mức giá 73.000 đồng/CP, PLX +1,1% lên 45.000 đồng/CP, PVD +2,4% lên 10.700 đồng/CP…
Ngoài ra, một số mã lớn khác như SAB, HPG, MSN, VRE, VCB cũng tìm được sắc xanh nhạt.
Sau hơn nửa thời gian rung lắc và giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, sự hồi phục tích cực của các bluechip đã giúp VN-Index dành lại mốc 830 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 156 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 3,87 điểm (+0,47%), lên 830,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,93 triệu đơn vị, giá trị 2.465,28 tỷ đồng, giảm 13,8% về khối lượng và 10,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (15/5). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,95 triệu đơn vị, giá trị 359,44 tỷ đồng.
Điểm sáng là nhóm cổ phiếu ngành thép với nhiều mã đua nhau tăng mạnh cả về giá và khối lượng giao dịch. Trong đó, HPG +6,4% lên sát mức giá trần 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 11,48 triệu đơn vị; HSG +6,2% lên 9.400 đồng và đứng thứ 2 về thanh khoản với hơn 9 triệu đơn vị được khớp lệnh, NKG +4,6% lên 7.300 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì đà khởi sắc với GAS +2,8% lên 72.900 đồng/CP, PLX +1,3% lên 45.100 đồng/CP, PVD +3,3% lên 10.800 đồng/CP.
Ngoài ra, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ từ một số bluechip đã đảo chiều hồi phục nhe VNM, VHM, CTG, BVH, VRE với mức tăng nhẹ trên dưới 1%, đáng kể VCB +1,84% lên 77.400 đồng/CP.
Trái lại, một số bluechip vẫn giao dịch trong sắc đỏ như TCB, BID, FPT, MSN, VIC nhưng với biên độ giảm khá hạn chế chỉ trên dưới 0,5%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng với gánh nặng chính đến từ SHB tiếp tục khiến HNX-Index giảm khá mạnh.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 2,04 điểm (-1,87%), xuống 106,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,84 triệu đơn vị, giá trị 247,76 tỷ đồng, giảm 27,22% về lượng và 30,62% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,47 triệu đơn vị, giá trị 21,91 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, SHB vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính khi có phiên giảm sàn thứ 2. Hiện SHB -9,68% xuống mức giá sàn 14.000 đồng/CP với khối lượng khớp 3,27 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều bluechip khác cũng giao dịch không mấy tích cực như VCG, PVI, SHS, CEO, BVS… giảm điểm, trong khi ACB, VCS, NTP đứng giá tham chiếu.
Trái lại, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có DGC và PVB tăng nhẹ trên dưới 1%.
Cổ phiếu nhỏ HUT vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 3,75 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên +5%, tạm đứng tại mức giá 2.100 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường liên tục đổi sắc nhưng may mắn cuối phiên đã có được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%), lên 53,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,49 triệu đơn vị, giá trị 84,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 13,36 tỷ đồng.
Trong khi BSR đảo chiều -1,5% xuống 6.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 2,12 triệu đơn vị, thì VGI hồi phục sau 3 phiên mất điểm liên tiếp khi +5,5% lên 28.700 đồng/CP, khối lượng giao dịch 1,68 triệu đơn vị.