Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khá tích cực bởi dòng tiền duy trì sức mạnh qua từng phiên bất chấp những thông tin không mấy khả quan như áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, hay những ca nhiễm Covid-19 mới không ngừng gia tăng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thông thường tháng 5, 6 thị trường theo hướng đi ngang nhiều hơn do đi vào vùng trũng thông tin doanh nghiệp. Vì vậy, khả năng VN-Index sẽ có khó có sự bức phá mạnh trong tuần tới mà chủ yếu đi ngang nhiều hơn
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn luôn luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội và các cổ phiếu bluechip, cổ phiếu có thương hiệu, uy tín tốt vẫn sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 17/5, lực cầu vẫn hoạt động sôi động với tâm điểm là nhóm cổ phiêu VN30, tiếp tục là động lực chính dẫn dắt đà tăng cho thị trường. Chỉ số VN-Index dễ dàng thử thách lại đỉnh 1.275 điểm ngay khi mở cửa.
Mặc dù thị trường diễn biến phân hóa mạnh nhưng các trụ đỡ đóng vai trò dẫn dắt khá tốt giúp VN-Index duy trì đà tăng mạnh và hướng với vùng giá 1.280 điểm.
Tuy nhiên, sau hơn 40 phút giao dịch, áp lực bán dần gia tăng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó nhóm VN30 cũng không nằm ngoài xu hướng chung và thị trường dần thoái lui.
Điểm nhấn thị trường thuộc về bộ 3 cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là VHM. Cổ phiếu VHM nhanh chóng vượt giá 100.000 đồng và có thời điểm tiến sát mức giá trần cùng giao dịch khá mạnh. Đây là trụ đỡ chính giúp VN-Index tăng vọt đầu phiên và cũng là nhân tố chính giúp thị trường cầm cự không bị giảm mạnh trước áp lực bán ngày càng dâng cao.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép đang bị bán khá mạnh khi hầu hết đều chuyển đỏ. Sau khoảng 90 phút giao dịch, dòng bank chỉ còn ACB, HDB và TPB xanh nhạt, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Còn nhóm cổ phiếu ngành thép đồng loạt suy giảm, đáng kể POM và TLH giảm mạnh với biên độ hơn 5%, NKG giảm trên dưới 3%, HSG giảm trên dưới 2%...
Thị trường đã biến rộng giằng co trong khoảng 1 giờ cuối phiên trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 138 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm 2,55 điểm (-0,2%) xuống 1.263,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 444,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 13.495 tỷ đồng, tăng 5,04% về khối lượng và 4,67% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 14/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,86 triệu đơn vị, giá trị gần 1.024 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM vẫn là điểm sáng đóng vai trò má phanh giúp thị trường không giảm sâu hơn khi tạm dừng phiên sáng nay tăng 4,3% lên mức 101.400 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt 4,43 triệu đơn vị. Đây cũng là mã có biên độ tăng tốt nhất trong nhóm VN30.
Ngoài VHM, một số mã bluechip khác đã giữ được mức tăng hơn 1% như VRE, NVL, TPB, SSI, còn FPT, HDB, TCH, VIC chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Trái lại, bên cạnh hầu hết các cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, BID, CTG, STB, VPB đều tạm dừng ở dưới mốc tham chiếu, một số mã lớn cũng đóng vai trò thiếu tích cực như VNM giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 87.900 đồng/CP, GAS giảm 1,2% xuống 83.100 đồng/CP, MSN giảm 1,2% xuống 106.800 đồng/CP, PLX giảm 1,1% xuống 54.200 đồng/CP…
Trong đó, cặp đôi VPB và STB vẫn là điểm nhấn về thanh khoản của dòng bank khi tạm chốt phiên sáng, VPB duy trì khối lượng khớp lệnh trên 25 triệu đơn vị, còn STB khớp hơn 24 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tâm điểm thị trường trong phiên sáng nay chính là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi hàng loạt mã nóng đã bật tăng khá mạnh. Điển hình là cổ phiếu FLC đã có thời điểm tiến sát mức giá trần và dần hạ nhiệt về cuối phiên.
Tạm dừng phiên sáng, FLC tăng 2,9% lên mức 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 27,32 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, ROS nhích nhẹ 0,7% lên 7.600 đồng/CP và khớp 22,72 triệu đơn vị; HQC tăng 5,1% lên mức 3.730 đồng/CP và khớp 16,16 triệu đơn vị; AMD tăng 1% lên 6.820 đồng/CP, DLG tăng 2,1% lên 2.920 đồng/CP, HAI tăng 1,4% lên 5.220 đồng/CP…
Trên sàn HNX, sau nhịp điều chỉnh vào giữa phiên thị trường đã hồi phục khá mạnh nhờ dòng tiền sôi động với tâm điểm là cổ phiếu SHB.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 63 mã tăng và 127 mã giảm, HNX-Index tăng 3,07 điểm (+1,04%), lên 297,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 85,18 triệu đơn vị, giá trị 1.815,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 55 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.420 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận 55 triệu đơn vị, giá trị 1.419 tỷ đồng.
Bên cạnh cặp đôi ngân hàng BAB và NVB chỉ tăng nhẹ, cổ phiếu SHB tiếp tục đóng vai trò lực đỡ khá tốt cho thị trường và có thời điểm áp sát mức giá trần. Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu SHB tăng tốt với biên độ tăng 5,2% lên mức 30.100 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội, đạt 29,33 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm HNX30 phiên sáng nay là MBS. Hôm nay, cổ phiếu MBS thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu do đây là ngày giao dịch không hưởng quyền để phát hành hơn 70,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Chốt phiên, MBS tăng 9,6% lên mức giá trần 21.600 đồng/CP.
Về cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu trong họ FLC là KLF cũng giao dịch khởi sắc khi chốt phiên sáng nay tăng 3,5% lên 5.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHB, đạt hơn 6,87 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau những phút đầu phiên le lói sắc xanh, áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường quay đầu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,7%), xuống 80,43 điểm với 96 mã tăng và 144 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,55 triệu đơn vị, giá trị 447,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,56 triệu đơn vị, giá trị 97,94 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR rung lắc và tạm dừng phiên sáng nay ở mốc tham chiếu 15.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường UPCoM, đạt 5,98 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn để mất điểm khiến thị trường khó hồi phục như VGT giảm 2,6% xuống 14.700 đồng/CP, VEA giảm 1,2% xuống 40.700 đồng/CP, VGI giảm 1,9% xuống 31.600 đồng/CP, MSR và QNS đều giảm nhẹ…
Cổ phiếu thép TVN cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi giảm tới 5,4% xuống mức 14.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 1,5 triệu đơn vị.