Giao dịch chứng khoán sáng 17/2: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán sáng 17/2: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù có chút rung lắc nhưng VN-Index đã bật hồi và có phiên tăng nhẹ thứ 3 liên tiếp. Điểm sáng thị trường là top cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhiều mã bật tăng mạnh nhờ lực cầu sôi động.

Không được như kỳ vọng của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã yếu hơn và giao dịch phân hóa nhẹ trong tuần vừa qua khiến chỉ số chung đi ngang. Điều này không quá bất ngờ bởi hiện tại VN-Index đang tiệm cận mốc 1.280 – 1.285 điểm, là mốc từ năm ngoái thị trường liên tục điều chỉnh mỗi khi chạm vào.

Về kỹ thuật, kết thúc phiên cuối tuần qua ngày 14/2, các chỉ báo RSI và MACD tiếp tục hướng lên và chưa có tín hiệu tạo đỉnh rõ ràng nên nhìn chung thị trường chưa có dấu hiệu gì tiêu cực. Tuy nhiên, đây là lần thứ tư chỉ số tiếp cận lại vùng đỉnh 1.280 điểm nên rủi ro rung lắc giằng co vẫn hiện hữu.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, chỉ số VN-Index cần vượt qua được vùng giá 1.280 – 1.285 điểm với dòng tiền tiếp tục cải thiện mạnh thì thị trường sẽ tiếp tục vượt lên những mốc cao hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì ngưỡng này vẫn là thử thách.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 17/2, VN-Index vẫn mở cửa tăng nhẹ và hướng tới mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng bởi thị trường vừa trải qua 2 phiên khởi sắc cuối tuần trước, đã khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu khi “chưa chạm” được vùng kháng cự mạnh.

Sau khoảng gần 90 phút giao dịch, sức ép gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là sự đảo chiều giảm dù không quá lớn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã đẩy chỉ số chung về dưới mốc tham chiếu. VN-Index chỉ giảm nhẹ quanh mức 1 điểm.

Trong bối cảnh chung khá ảm đảm, tâm điểm giao dịch của thị trường vẫn tập trung vào top cổ phiếu vừa và nhỏ. Hiện EVF đang có thanh khoản sôi động nhất với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh và giá tăng trên dưới 4%, các mã có khối lượng khớp lệnh thuộc top cao còn có BCG, VIX, SHB, VND…

Tuy nhiên, xét về nhóm ngành, các cổ phiếu khoáng sản vẫn giữ được sức nóng trong phiên sáng nay. Bên cạnh các mã trên sàn HOSE như FCM, BMC, DHM, YBM đua nhau khoe sắc tím, trên sàn HNX có thêm sự góp mặt của MVB, BKC tăng kịch trần, KSV và HGM đều tăng hơn 6%...

Trên sàn HOSE, dù có chút rung lắc và điều chỉnh nhẹ vào giữa phiên, nhưng thị trường đã hồi phục nhẹ, xác nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp dù nhóm bluechip vẫn gây sức ép.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 215 mã tăng và 205 mã giảm, VN-Index tăng 1,32 điểm (+0,1%), lên 1.277,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 347 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 7.674 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% về lượng và 8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 14/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,74 triệu đơn vị, giá trị 351 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 vẫn chưa thoát khỏi sự điều chỉnh khi chốt phiên giảm gần 1,5 điểm, với 14 mã giảm và 9 mã tăng. Trong đó, 2 mã bluechip là MWG và MSN giảm sâu nhất với hơn 1%, còn lại chỉ biến động nhẹ quanh mức 0,5%.

Ở chiều ngược lại, GVR tiếp tục tăng tốt nhất và đóng góp lớn nhất cho thị trường, tương ứng chốt phiên tăng 2,6% và đã đóng góp gần 0,8 điểm; các mã khác như SSB tăng 2,1%, SHB tăng 1,9%, PLX, VHM, BVH, STB, VJC, ACB tăng nhẹ.

Dòng tiền vẫn “ưu ái” với top cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, VIX là cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm chứng khoán trên HOSE khi chốt phiên tăng 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 21,63 triệu đơn vị; SHB tăng 1,9% và khớp hơn 19 triệu đơn vị, EVF tăng 3,9% và khớp hơn 12,5 triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, trong khi các nhóm lớn như bank – chứng – thép chỉ nhích nhẹ, thì các nhóm khoáng sản, cao su, dệt may… có mức tăng tốt trên thị trường. Trong đó, khoáng sản tiếp tục dậy sóng với các mã FCM, BMC, DHM, YBM vẫn giữ vững đà tăng trần.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông giảm sâu nhất khi có FPT và CMG cùng giảm nhẹ chưa tới 1%, ELC giảm 2%, CTR giảm gần 2,5%...

Trên sàn HNX, dù mở cửa có chút điều chỉnh nhẹ, nhưng thị trường đã nhanh chóng hồi phục tích cực nhờ sự dẫn dắt của nhóm HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 86 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 1,58 điểm (+0,68%), lên 232,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,4 triệu đơn vị, giá trị 446,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,82 triệu đơn vị, giá trị 138,67 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận hơn 8,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 136 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu CEO dẫn đầu khi có gần 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh thành công và giá khởi sắc nhờ lực cầu mạnh, chốt phiên tăng 3,1%; NVB tiếp tục duy trì đà tăng tích cực, thậm chí có thời điểm khoác áo tím, chốt phiên tăng 5,8% và khớp 1,78 triệu đơn vị.

Ngoài ra, SHS và MST đều chốt phiên đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,82 triệu đơn vị và 1,63 triệu đơn vị.

Ngoài NVB và CEO tích cực, một số mã khác trong rổ HNX30 cũng ghi nhận phiên khởi sắc sáng nay như DVM tăng 7,3%, NTP tăng 2,6%, SLS tăng 2,5%, LAS, PLC, TNG đều tăng hơn 1%...

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm khá tốt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,95 điểm (+0,97%), lên 99,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,7 triệu đơn vị, giá trị 601,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,53 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.

Đột biến là cổ phiếu cao su DRI khi có thời hơn 10 triệu đơn vị giao dịch thành công. Lực cầu mạnh mẽ đã giúp DRI có thời điểm khoe sắc tím và chốt phiên sáng tăng 9,6%.

Ngoài ra, một vài mã vừa và nhỏ vẫn giữ được nhiệt sôi động và giao dịch khởi sắc, như AAH tăng 8,9% và khớp 4,2 triệu đơn vị, BCR tăng 2,2% và khớp 3,1 triệu đơn vị, HBC tăng 4,4% và khớp 2,7 triệu đơn vị, BOT tăng 10,7% và khớp 2,4 triệu đơn vị… Đặc biệt, MSR tiếp tục có thêm phiên tăng trần, hiện đứng tại mức giá 22.400 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 1,3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,55 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan