Nối dài chuỗi tăng điểm trong những ngày cuối năm, chỉ số VN-Index tiếp tục khởi sắc trong phiên khai xuân ngày 15/2. Dù thị trường không giữ được lửa như phiên sáng do áp lực chốt lời xuất hiện nhưng chỉ số chung đã chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đóng cửa tạo nến Doji chữ thập thể hiện sự giằng co giữa bên mua và bên bán, nhưng hai chỉ báo RSI và MACD cho dấu hiệu hướng lên trên, cùng với chỉ báo CMF bẻ ngang ở mức 0,05 cho thấy nhìn chung thị trường vẫn đang khá tích cực.
Theo SHS, VN-Index kỳ vọng sẽ còn tiếp tục vận động tích cực, tuy nhiên, trong ngắn hạn rất có thể sẽ có rung lắc để test lại ngưỡng cản 1.200 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 16/2, VN-Index vẫn tiến bước với sự dẫn dắt của dòng tiền khá sôi động. Tuy nhiên, dòng tiền đang luân chuyển khá nhịp nhàng khi nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên nổi lửa hôm qua đã dần hạ nhiệt và trở nên phân hóa, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản lấy lại sức nóng.
Trong đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp với điểm sáng là GVR đã có pha “quay xe” ngoạn mục, từ sắc đỏ khi mở cửa đã đảo chiều hồi phục kéo trần thành công và sau hơn 90 phút giao dịch có chút hạ nhiệt với mức tăng 5,4% cùng thanh khoản sôi động tới gần 3,5 triệu đơn vị. Hiện GVR đang là mã hỗ trợ tốt nhất khi đóng góp 1,4 điểm cho chỉ số chung.
Bên cạnh đó, cặp đôi lớn nhà Vingroup là VIC và VHM cũng khởi sắc và thuộc top 5 mã có đóng góp lớn nhất, tương ứng trên dưới 0,6 điểm cho chỉ số chung.
Các mã nóng như NVL và DIG cũng khởi sắc khi tăng trên dưới 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, FIR tăng kịch trần, DXG, TCH, PDR, KBC cũng tăng trên dưới 2%, SCR tăng 4,3%...
Kịch bản khá giống phiên sáng qua khi VN-Index dần hạ độ cao và chỉ còn tăng nhẹ do áp lực bán gia tăng về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 245 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index tăng 3,52 điểm (+0,29%), lên 1.206,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 456 triệu đơn vị, giá trị 10.372,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,76% về khối lượng và 7,62% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,27 triệu đơn vị, giá trị 271,86 tỷ đồng.
Nhóm VN30 trở nên phân hóa với số mã tăng giảm cân bằng, đều là 14 mã. Trong đó, cặp đôi bất động sản GVR và VIC tăng tốt nhất, tương ứng tăng 5,2% và 2,9%, là lực đỡ chính với mức đóng góp lần lượt là 1,34 và 1,2 điểm cho chỉ số chung. Ngoài ra, các mã lớn khác như BVH, VNM, VRE đều tăng hơn 2%.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng với sự dẫn đầu là HDB, MBB, BID, STB đều giảm hơn 1%.
Xét về nhóm ngành, với sự đảo chiều của các mã ngân hàng, dòng bank chính là lực cản của thị trường sau phiên bùng nổ ngày khai xuân. Hiện chỉ còn TPB, ACB, SHB giữ được sắc xanh với mức tăng 0,5%.
Trong khi đó, với diễn biến tích cực của các mã lớn cùng sắc xanh lan rộng toàn ngành, nhóm bất động sản vẫn tăng tốt dù biên độ thu hẹp hơn về cuối phiên. Trong đó, NVL và DIG chốt phiên tăng trên dưới 0,5% với thanh khoản vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 24,8 triệu đơn vị và 16,93 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán chưa phát tín hiệu mới với diễn biến phân hóa nhẹ. Trong đó, VND và VIX đang tăng nhẹ hơn 0,5%, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 16,32 triệu đơn vị và 13,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù mở cửa không mấy thuận lợi nhưng lực cầu sôi động đã nhanh chóng giúp thị trường tìm lại sắc xanh.
Chốt phiên sáng nay, sàn HNX có 87 mã tăng và 54 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,24%) lên 233,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,3 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 812,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 4,8 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản trên HNX cũng có diễn biến tích cực. Trong đó, CEO chốt phiên tăng 1,9% lên 21.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất thị trường, đạt 8,38 triệu đơn vị. Đáng kể là NRC tăng kịch trần và khớp 4,26 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị. Ngoài ra, TIG, IDC, IDJ… cũng khởi sắc.
Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán SHS chốt phiên đứng giá tham chiếu và khớp lệnh đạt 6,78 triệu đơn vị, MBS tăng nhẹ 0,4% và khớp gần 1,6 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, áp lực bán khiến thị trường rung lắc và đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%) xuống 89,99 điểm với 132 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,16 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 227,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Cổ phiếu BCR giao dịch vượt trội nhất thị trường với hơn 4,84 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, chốt phiên đứng giá tham chiếu 6.000 đồng/CP.
Các mã BSR, SBS cũng đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.