Giao dịch chứng khoán sáng 13/9: Thị trường phân hóa, ấn tượng nhóm cổ phiếu bán lẻ và dầu khí

Giao dịch chứng khoán sáng 13/9: Thị trường phân hóa, ấn tượng nhóm cổ phiếu bán lẻ và dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau diễn biến rung lắc và điều chỉnh giảm, thị trường đã lấy lại sắc xanh nhờ diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bán lẻ và dầu khí, đặc biệt là sự đóng góp của cặp đôi lớn MWG và GAS.

Sau 3 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã đảo chiều khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 12/9). Dù đóng cửa với cây nến xanh phục hồi, nhưng thanh khoản có phần sụt giảm so với trung bình 10 phiên, cho thấy tâm lý thận trọng nhà đầu tư sau những phiên điều chỉnh giảm.

Đồng thời, tại khung đồ thị giờ, hai chỉ báo MACD và RSI mới hình thành một đáy, nên chưa thể khẳng định VN-Index sẽ nhanh chóng bước vào nhịp tăng dài hơi và xác suất rung lắc trong các phiên tới vẫn cần phải tính đến.

Một điểm đáng lưu tâm khác trong phiên giao dịch ngày 13/9, đặc biệt là phiên chiều khi lượng cổ phiếu lớn khớp lệnh ngày thứ Hai (ngày 11/9) – phiên giảm gần 18 điểm khi hàng trăm mã đồng loạt giảm sâu – áp lực bán có thể sẽ được đẩy mạnh.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng ngày 13/9, thị trường vẫn mở cửa trong trạng thái tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế bảng điện tử giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.

Tuy nhiên, chỉ số chung nhanh chóng quay đầu khi tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm và dần đảo chiều giảm sau khoảng 1 giờ mở cửa.

Khoảng hơn 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang giảm nhẹ trên dưới 3 điểm và dao động nhẹ trên vùng giá 1.240 điểm khi thị trường chung giao dịch phân hóa mạnh với số mã tăng và giảm khá cân bằng nhau.

Trong đó, sóng lớn trong phiên hôm qua ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đã nhanh chóng thoái trào. Áp lực bán lan rộng khiến nhóm cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ ngoại trừ một vài mã ngược dòng thành công. Điểm sáng duy nhất là APG nhận tin tốt khi được cấp margin trở lại đã sớm khoe sắc tím.

Mặt khác, dòng tiền lại trở về với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Bên cạnh PTL nhanh chóng lấy lại sắc tím, các mã khác như FCN, HHV, TCH, QCG, PHC, LCG đều tăng trên 3%. Trong đó, HHV và TCH đang giao dịch sôi động, đều thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác trong ngành như VCG, DIG, CII, DXG, HDC, BCG… cũng lần lượt tìm lại đà tăng.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ và dầu khí là điểm nhấn với sự đóng góp lớn của bộ đôi dẫn đầu ngành là MWG và GAS, đã giúp VN-Index khởi sắc trở lại.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 289 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index tăng 1,58 điểm (+0,13%), lên 1.247,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 543,38 triệu đơn vị, giá trị 12.690,33 tỷ đồng, tăng 21,59% về khối lượng và 17,94% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,56 triệu đơn vị, giá trị 657,25 tỷ đồng.

Nhóm VN30 dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế với 16 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu và 11 mã tăng, tuy nhiên chỉ số của nhóm này đã hồi phục tăng 1 điểm, nhờ đà tăng khá mạnh của cặp đôi MWG.

Trong đó, bất chấp những thông tin không mấy khả quan như cổ đông ngoại liên tục giảm sở hữu, thành viên HĐQT cũng bán lượng lớn 1 triệu cổ phiếu và giao dịch đầu phiên không mấy thuận lợi khi đảo chiều giảm điểm, lực cầu mạnh mẽ đã tiếp sức cho đà tăng tốc của MWG khi có thời điểm mã này tiệm cận mức giá trần.

Chốt phiên sáng nay, MWG tăng 5,6% lên mức 58.900 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong năm 2023; đồng thời, thanh khoản bùng nổ khi có tới 9,95 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, gần gấp rưỡi so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.

Xét về nhóm ngành, với sự cầm đầu của MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang có mức tăng tốt nhất thị trường khi có thêm sự đóng góp của FRT tăng 1,5%, DGW tăng 2,3%, PET tăng 2,6%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu khí và dầu khí cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc với GAS tăng 3%, PLX tăng 1,9%, PVD, PVC, PVS đều tăng hơn 2%...

Ở nhóm vật liệu xây dựng, bộ 3 cổ phiếu thép vẫn giao dịch khởi sắc, trong đó HPG tăng nhẹ 0,9% lên mức 29.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 27,14 triệu đơn vị; NKG tăng 3% và khớp lệnh 9,25 triệu đơn vị; HSG tăng 2,7% và khớp hơn 8,1 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, một số mã đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ, trong đó đáng kể là VHM và NVL cùng giảm hơn 1%; PDR, KBC, VRE điều chỉnh nhẹ…; còn PTL và CMS vẫn ngược dòng và chốt phiên tăng kịch trần.

Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu đầu tư công HHV có phiên khởi sắc khi tạm dừng phiên sáng nay tăng gần 5% lên mức 17.000 đồng/CP, cùng thanh khoản đột biến, vươn lên vị trí thứ 2 toàn thị trường với 21,14 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường giao dịch sôi động và duy trì diễn biến khởi sắc nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu HNX30.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 87 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 2,05 điểm (+0,8%), lên 258,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,46 triệu đơn vị, giá trị 1.189,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,22 triệu đơn vị, giá trị 82,71 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu CEO dù biên độ tăng có chút hạ nhiệt cuối phiên khi tạm dừng ở mức giá 28.800 đồng/CP, tăng 4,3% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8,62 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX có phần khởi sắc hơn sàn HOSE với SHS tăng nhẹ 0,5%, MBS tăng 2,6%, VIG tăng 1,9%, EVS tăng 5%, BVS tăng 2,7%, IVS tăng 2,2%...

Nhóm vật liệu xây dựng giao dịch tích cực với BCC tăng 3,2% lên 13.000 đồng/CP và thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị; VGS có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 7,3%...

Trên UPCoM, dù giao dịch rung lắc và liên tục đổi sắc, nhưng thị trường đã khởi sắc trở lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,21%), lên 94,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 749 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,93 triệu đơn vị, giá trị 46,13 tỷ đồng, trong đó riêng NAB thỏa thuận 3,3 triệu đơn vị, giá trị 39,6 tỷ đồng.

Trong xu hướng chung của nhóm dầu khí, cặp đôi BSR và OIL có phiên giao dịch ấn tượng. Cụ thể, BSR tăng 5,2% lên mức 22.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch lên tới 13,32 triệu đơn vị; còn OIL tăng 4,6% lên 11.300 đồng/CP và khớp 2,24 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như C4G tăng 4,4%, SBS tăng 4,2%, AAS tăng 4,7%, G36 tăng 5,4%, TCI tăng 7,7% với thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị.

Tin bài liên quan