Giao dịch chứng khoán sáng 12/9: Thị trường lình xình, ấn tượng nhóm cổ phiếu bán lẻ

Giao dịch chứng khoán sáng 12/9: Thị trường lình xình, ấn tượng nhóm cổ phiếu bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn giữ được sắc xanh trong phiên sáng đầu tuần ngày 12/9, nhưng đà tăng khá hạn chế cùng thanh khoản thấp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép và bán lẻ đang là điểm nhấn trên thị trường.

Thị trường đã khép lại phiên cuối tuần ngày 9/9 khá tích cực khi chỉ số VN-Index nhanh chóng bật tăng sau khi test thành công đường SMA50. Tuy nhiên, rủi ro chỉ số tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn khi chỉ báo Relative Strength Index (RSI) nằm dưới mức 50 và chỉ báo MACD duy trì tín hiệu bán.

Nhưng trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu trong tuần tiếp theo là đủ tốt giúp chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự quanh 1.250 điểm (MA100 ngày) thì có thể kỳ vọng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng đến ngưỡng 1.270 điểm (MA20 ngày).

Theo ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), nếu như tâm lý nhà đầu tư ổn định lại, thông tin room tín dụng coi như được “xử lý” và VN-Index có thêm 1-2 phiên tích cực thì kỳ vọng mốc 1.300 điểm lại được nhen nhóm lên.

Quay lại với diễn biến phiên giao dịch sáng ngày 12/9, chỉ số VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.250 điểm ngay khi mở cửa với sắc xanh bao phủ trên diện rộng thị trường.

Tuy nhiên, lực cầu vẫn tham gia thận trọng khiến thị trường thiếu động lực để bật cao và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn lình xình dưới ngưỡng 1.260 điểm với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ hơn 3.700 tỷ đồng.

Trên thị trường, các cổ phiếu thép đang là tâm điểm thu hút dòng tiền, với HPG dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 15 triệu đơn vị; NKG đứng thứ 2 khi khớp 7,7 triệu đơn vị, HSG đứng thứ 6 về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 5 triệu đơn vị. Hiện các mã này chỉ có được đà tăng nhẹ 1-2%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng không mấy tích cực với trạng thái phân hóa nhẹ và giao dịch kém sôi động.

Điểm sáng thị trường là nhóm cổ phiếu bán lẻ đang nổi sóng khi đồng loạt bật cao như DGW có thời điểm áp sát giá trần và hiện đang tăng 6,1% lên 78.000 đồng/CP, FRT và PET cùng tăng hơn 4%, trong khi cổ phiếu trong rổ VN30 là MWG cũng có mức tăng khá tốt 2,1% lên 73.500 đồng/CP.

Thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình dưới ngưỡng 1.260 điểm trong suốt thời gian còn lại với mức thanh khoản khá thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 258 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index tăng 7,57 điểm (+0,61%), lên 1.256,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 227 triệu đơn vị, giá trị 5.949,5 tỷ đồng, giảm 2,58% về khối lượng nhưng tăng hơn 8,95% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 9/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 331 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho xu hướng thị trường khi ghi nhận 20 mã tăng, gấp hơn 2 lần số mã giảm (9 mã). Trong đó, các mã bán lẻ tăng khá tốt với MWG tiếp tục nới rộng biên độ về cuối phiên với mức tăng 3,5%, tạm đứng tại mức giá 74.500 đồng/CP, SAB tăng 2% lên mức 197.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó phải kể đến cặp đôi nhà Vingroup, với VRE dẫn đầu nhóm cổ phiếu này khi tăng 4%, chốt phiên đứng tại mức giá cao nhất 28.600 đồng/CP, và VHM chốt phiên tăng 2% lên 61.100 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, các mã VJC, SSI, NVL, MSN… tạm dừng phiên giao dịch sáng nay trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm không quá lớn, đều dưới 1%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bán lẻ dẫn đầu mức tăng trên thị trường. Bên cạnh cặp MWG và SAB, một số mã khác trong nhóm này cũng có được mức tăng tốt như DGW tăng 5,9% lên 77.800 đồng/CP, FRT tăng 3,9% lên 91.600 đồng/CP, PET tăng 3,3% lên 43.900 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền. Trong đó, HPG tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 19 triệu đơn vị; cổ phiếu NLG đứng thứ 2 về thanh khoản xấp xỉ 9,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Chốt phiên sáng, cổ phiếu HPG và NKG đều tăng hơn 1%. Các mã khác SMC, POM, HSG tăng nhẹ, TLH tăng 2,4%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ghi nhận phiên tăng khá tốt. Điển hình là PVD có thời điểm được kéo lên mức giá trần và chốt phiên tăng 3,9% lên mức 21.300 đồng/CP với thanh khoản khá tốt, đạt hơn 8 triệu đơn vị cùng lượng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng xấp xỉ 1,2 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn không có nhiều biến động, trong khi TCB, ACB, SSB, VIB, STB, TPB, EIB giảm nhẹ, thì VCB, BID, CTG, VPB, MBB cũng chỉ tăng chưa tới 1%, ngoại trừ duy nhất SHB tăng tốt nhất ngành, là hơn 1%.

Nhóm chứng khoán dù sắc xanh có phần ưu thế hơn nhưng hầu hết chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%, ngoại trừ đột biến tại DSC tiếp tục có thêm phiên tăng mạnh mẽ sau chuỗi ngày giảm sâu. Tạm chốt phiên sáng nay, DSC tăng kịch trần lên mức 23.500 đồng/CP, nhưng thanh khoản chỉ đạt 6.400 đơn vị, sau phiên bùng nổ ngày cuối tuần trước (9/9) lên tới 2,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cuối phiên tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 96 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,11%), xuống 284,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,12 triệu đơn vị, giá trị 610,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,8 triệu đơn vị, giá trị 58,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu tác động mạnh tới thị trường là NVB khi để mất 3,2% và chốt phiên sáng nay ở vùng giá gần thấp nhất phiên, tại mức giá 24.000 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã lớn khác như SHS, CEO, THD đảo chiều giảm nhẹ.

Trong nhóm HNX30, cổ phiếu TAR tăng tốt nhất với biên độ 2,4%, chốt phiên đứng tại mức giá 26.100 đồng/CP; tiếp theo là PVC và PVS cùng tăng hơn 2,2%, VCS tăng 1,6%... Trong đó, PVS dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp lệnh xấp xỉ 6,2 triệu đơn vị, còn PVC đứng ở vị trí thứ 3 khi khớp xấp xỉ 2 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như CEO kết phiên giảm nhẹ 0,7% xuống 29.800 đồng/CP, IDC nhích nhẹ 0,2% lên 58.900 đồng/CP, KLF tăng 4,3% lên 2.400 đồng/CP, với thanh khoản đều đạt trên 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên tăng nhẹ, thị trường cùng quay đầu giảm điểm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,1%) xuống 90,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,45 triệu đơn vị, giá trị 245,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 168,27 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR và OIL đều chốt phiên tăng hơn 1%, trong đó BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt 2,64 triệu đơn vị, còn OIL khớp gần 0,3 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là CEN khớp hơn 1 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 2% lên 10.200 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý trên thị trường như C4G chốt phiên tăng 3% lên 13.800 đồng/CP, trong khi LMH giảm 1,8% xuống 10.800 đồng/CP…

Tin bài liên quan