Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Giao dịch đìu hiu, VN-Index tiếp tục giằng co nhẹ

Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Giao dịch đìu hiu, VN-Index tiếp tục giằng co nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng sau khoảng 1 giờ mở cửa đã khiến VN-Index trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Đáng chú ý là thanh khoản khá thấp bởi giao dịch trên thị trường chung "đìu hiu".

Sau 7 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index bước vào vùng đỉnh cũ 1.290 – 1.300 điểm, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường rung lắc và điều chỉnh nhẹ trong phiên 10-11/7.

Về yếu tố kỹ thuật, chỉ báo CMF đang hướng xuống ở vùng thấp cho tín hiệu về sự chững lại của dòng tiền. Tuy nhiên, chỉ báo MACD chưa hình thành đỉnh đầu tiên và dải Bollinger band đang dần bó hẹp lại, nên diễn biến của VN-Index vẫn ổn định và những nhịp điều chỉnh là cần thiết trong thời điểm này để tích lũy động lực cho mục tiêu cao hơn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 12/7, thị trường vẫn tiếp diễn kịch bản cũ khi VN-Index mở cửa trong sắc xanh với biên độ tăng hẹp bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán.

Trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu, các nhóm cổ phiếu trụ cột diễn biến kém khả quan đã khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu khi chưa tiếp cận lại được mốc 1.290 điểm.

Hiện cặp đôi lớn của ngành bất động sản và công nghệ thông tin là VIC và FPT đang khá nỗ lực để làm điểm tựa chính giúp thị trường giữ sắc xanh trước áp lực có dấu hiệu gia tăng hơn trên diện rộng. Sau khoảng hơn 80 phút mở cửa, chỉ số VN-Index dần chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là EVG. Lực cầu mạnh mẽ đã giúp EVG sớm tìm tới sắc tím. Hiện EVG tăng 6,93% lên mức giá trần 7.710 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên tới gần 5,5 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường và vượt xa thanh khoản của EVG trong nhiều phiên giao dịch gần đây.

Ngoài mã lớn VIC và mã nhỏ EVG, một số cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản và xây dựng cũng đang giao dịch khởi sắc như CCL,TDC đang tăng trần, CTD tăng hơn 1%...

Thị trường giao dịch khá ảm đạm trong thời gian còn lại của phiên giao dịch và VN-Index chỉ giảm nhẹ nhờ điểm tựa từ các mã lớn VIC, VCB và FPT.

Chốt phiên, sàn HOSE có 134 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,33 điểm (-0,03%) xuống 1.283,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 237,3 triệu đơn vị, giá trị 5.872,63 tỷ đồng, giảm 32,5% về khối lượng và 33,63% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,64 triệu đơn vị, giá trị 474,9 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, bộ 3 gồm VIC, FPT và VCB đã đóng góp hơn 2,1 điểm cho chỉ số chung, trong khi các cổ phiếu khác ảnh hưởng tăng giảm mạnh nhất chỉ trong khoảng 0,2 điểm trở xuống. Trong đó, VIC chốt phiên tăng 2,8% lên mức 42.250 đồng/CP, là cổ phiếu tăng tốt nhất của rổ VN30.

Bên cạnh diễn biến lình xình của nhóm cổ phiếu bluechip, ở nhóm vừa và nhỏ nổi lên một vài điểm sáng nhỏ. Trong đó, EVG đã không giữ được sắc tím nhưng chốt phiên vẫn tăng tốt 5,3% lên mức 7.590 đồng/CP và thanh khoản đột biến, đạt hơn 7,1 triệu đơn vị; cổ phiếu HAG cũng khởi sắc nhờ lực cầu hấp thụ mạnh, chốt phiên tăng 2,1% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 7,5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm công nghệ thông tin và bất động sản đều thuộc top tăng tốt của thị trường, nhưng biên độ đều chưa tới 1% bởi sự đóng góp chủ yếu đến từ các mã đầu ngành.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên nhờ mã lớn VCB hồi phục cùng các mã VIB, TPB, STB, SHB nên dòng bank may mắn nhích nhẹ. Trong đó, SHB chốt phiên tăng 0,4% với giao dịch sôi động nhất ngành, đạt 6,82 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau khoảng thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh, thị trường đã đảo chiều giảm trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng.

Chốt phiên, sàn HNX có 46 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,33%), xuống 244,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,68 triệu đơn vị, giá trị 429,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 53 tỷ đồng.

Giao dịch toàn thị trường cũng èo uột khi chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, MBS dẫn đầu với hơn 2,12 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,9%.

Tiếp theo là SHS và CEO khớp lệnh khoảng 1,6 triệu đơn vị, cùng chốt phiên giảm nhẹ trên dưới 1%; tích cực hơn là TNG chốt phiên tăng 1,6% và khớp 1,32 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số cũng quay đầu giảm cùng xu hướng chung của toàn thị trường.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,37%) xuống 97,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,55 triệu đơn vị, giá trị 292,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,57 triệu đơn vị, giá trị 37,33 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu nhỏ PVX khi chốt phiên tăng 14,3% lên mức giá trần 2.400 đồng/CP với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, mã nhỏ ACM và FTM cũng chốt phiên trong sắc tím với giao dịch khá sôi động.

Trong khi đó, BSR chốt phiên giảm nhẹ 0,4% xuống mức 23.400 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua PVX, đạt 2,25 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan