Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Áp lực chốt lời gia tăng cuối phiên, thị trường rung lắc

Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Áp lực chốt lời gia tăng cuối phiên, thị trường rung lắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi phiên tăng ấn tượng, áp lực chốt lời đã gia tăng trong phiên sáng nay, nhất là cuối phiên khiến thị trường rung lắc mạnh, nhưng VN-Index vẫn đứng vững nhờ sự hỗ trợ của các mã trụ.

Thị trường đã có nhịp tăng khá tốt kể từ 20/6 tới nay với 13 phiên tăng, chỉ có 3 phiên điều chỉnh, đưa VN-Index từ vùng 1.100 điểm lên 1.150 điểm, vượt qua đường MA200 trên đồ thị tuần, xác lập mức đỉnh của năm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (12/7), dù thị trường khá cân bằng giữa số mã tăng và giảm, thậm chí càng về cuối phiên, số mã giảm càng nhiều lên, chiếm ưu thế so với số mã tăng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đắc lực của bộ ba nhà Vingroup, cùng sự hưởng ứng của một số mã lớn khác như VCB, BVH, SSI, SAB, MSN, nên VN-Index vẫn duy trì đà tăng thiết lập đỉnh mới của năm.

Trong nhóm nhà Vin, cổ phiếu tăng tốt nhất là “em út” VRE khi tăng 3,3%, lên 28.200 đồng, phiên tăng thứ 2 liên tiếp với thanh khoản tốt khi khớp 10,67 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tận dụng đà tăng này, nhà đầu tư nước ngoài đã tranh thủ ra hàng khi bán ròng mạnh VRE. Trong phiên hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới gần 3 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 81,9 tỷ đồng, phiên sáng nay tiếp tục bán ròng gần 1,8 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 50,5 tỷ đồng.

Với các mã đáng chú ý khác, sau chuỗi tăng giá ấn tượng từ đầu tháng 6, cổ phiếu HPG đã có dấu hiệu bị chốt lời từ phiên hôm qua nên quay đầu điều chỉnh. Phiên sáng nay, dù lúc đầu mức điều chỉnh không lớn, nhưng lực bán cuối phiên khiến HPG đóng cửa giảm 1,8%, xuống 26.800 đồng, khớp 16,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau STB về thanh khoản. Sắc đỏ cũng là sắc màu chính của nhóm thép khi chỉ có duy nhất VCA có mức tăng nhẹ.

Trong khi đó, với nhóm ngân hàng, “anh cả” VCB sau phiên điều chỉnh đầu tuần, đã nhanh chóng lấy lại đà tăng để dẫn dắt thị trường. Cùng với VCB, nhóm ngân hàng chỉ có thêm LPB giữ được sắc xanh, còn lại chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng chỉ khiêm tốn. Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 17,5 triệu đơn vị và cũng là mã giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng khi giảm 1,7% xuống 29.500 đồng.

Nhóm chứng khoán có sự phân hóa rõ nét, trong đó VND và SSI có thanh khoản tốt với 15 triệu đơn vị và 11,8 triệu đơn vị được khớp. Hai mã này đại diện chính cho nhóm với VND giảm 1,7% xuống 17.600 đồng, còn SSI tăng 0,5% lên 28.200 đồng.

Áp lực bán mạnh trong ít phút cuối phiên khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử với 264 mã giảm, trong khi chỉ có 134 mã tăng, qua đó đẩy VN-Index thoái lui xuống dưới tham chiếu, nhưng đóng cửa gần như không đổi do nhận được sự hỗ trợ của bộ ba cổ phiếu nhà Vin với VRE tăng 3,3%, VIC tăng 1,2% và VHM tăng 1,7%. Cùng với đó là sự hưởng ứng của VCB, BVH, SAB, PLX, FPT, trong khi MSN lùi về tham chiếu.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,02 điểm đứng ở mức 1.151,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 380,6 triệu đơn vị, giá trị 7.988,5 tỷ đồng, giảm 15,7% về khối lượng và 13,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,8 triệu đơn vị, giá trị 630,6 tỷ đồng.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi bị bán mạnh cuối phiên khiến chỉ số chính của thị trường này không giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,18%), xuống 228,79 điểm với 73 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,6 triệu đơn vị, giá trị 855,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 49,7 tỷ đồng.

SHS và CEO vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, vượt trội so với các mã còn lại, trong đó SHS khớp 9,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,7% lên 14.300 đồng, còn CEO khớp 6,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,2% xuống 21.000 đồng.

Thị trường UPCoM cũng gặp rung lắc cuối phiên, nhưng may mắn hơn 2 sàn niêm yết khi chỉ số chính của thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%), lên 85,84 điểm với 105 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30 triệu đơn vị, giá trị 428,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Thị trường này có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó đứng đầu là SBS khớp 8,59 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,1% lên 8.200 đồng. Tiếp đến là BSR khớp 3,69 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 18.000 đồng. C4G khớp 1,71 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 14.200 đồng và QNS khớp 1,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 50.800 đồng.

Tin bài liên quan