Theo thống kê, kể từ đầu tháng 4 khi thị trường chạm đáy và bắt đầu hồi phục đã không chứng kiến sự điều chỉnh nào quá mạnh. Hiện tương rung lắc và điều chỉnh chủ yếu chỉ diễn ra trong phiên với đặc điểm phần lớn trong giai đoạn này là trong phiên sáng có thể rung lắc và điều chỉnh, nhưng tới phiên chiều, chỉ số và cổ phiếu sẽ hồi phục.
Với điển nhấn là tới gần 100.000 tài khoản mở mới trong 3 tháng vừa qua, một lượng dòng tiền khá mạnh đã đổ vào thị trường, là động lực giúp nhiều cổ phiếu đã tìm lại mức thị giá trước đợt lao dốc mạnh hồi tháng 3, thậm chí có những mã đã có được tăng vượt trội, đồng thời, chỉ số VN-Index cũng đã tiếp cận với vùng giá 900 điểm.
Trong phiên hôm qua (11/6), thị trường diễn ra giằng co trong phiên sáng. Tuy nhiên, đột biến đã xẩy ra trong phiên chiều khi áp lực chốt lời diễn ra ồ ạt và lan rộng thị trường đã đẩy VN-Index về dưới mốc 870 điểm khi để mất hơn 30 điểm, tương ứng giảm 3,63%.
Giới đầu tư đã đặt ra câu hỏi, liệu thị trường đã phân phối đỉnh chưa hay chỉ là đợt rung lắc, điều chỉnh bình thường của thị trường?
Mặc dù một số tín hiệu cho thấy thị trường phân phối đỉnh như sóng cổ phiếu nhỏ hút dòng tiền, hay thanh khoản thị trường tăng nhưng chỉ số tăng không nhiều…, tuy nhiên, chưa thể khẳng định được điều gì.
Bởi thực tế, sau chuỗi tăng khá nóng, việc thị trường quay đầu điều chỉnh là khá hợp lý và do nhà đầu tư mới tâm lý chưa vững nên đã tạo ra hiện tượng bán mạnh cuối phiên. Thêm vào đó là sự đồng pha với diễn biến thị trường khu vực và thế giới, cũng như những dấu hiệu tích cực từ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định và mua ròng 260 tỷ đồng trong phiên 11/6.
Với những diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định phiên giao dịch cuối tuần vẫn tiếp diễn với xu hướng tương tự phiên 11/6. Theo BVSC, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh vào đầu phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, VN-Index vẫn có khả năng sẽ xuất hiện sự hồi phục tăng điểm để thử thách vùng kháng cự 883-891 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Bước vào phiên sáng 12/6, lực bán vẫn diễn ra ồ ạt khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm bluechip cũng gia tăng sức ép khi hầu hết đều giảm khá sâu, đã kéo VN-Index về sát mốc 840 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, khác với phiên chiều qua, bên mua đã không dễ dàng đầu hàng khi tung tiền vào hấp thụ lượng cung giá thấp, nhất là khi VN-Index về vùng giá 840 điểm, giúp nhiều mã thị trường từ mức sàn nhảy vọt lên mức trần, VN-Index cũng hồi phục dần.
Dù vậy, lực cung vẫn rất mạnh, khiến sắc tím ở nhiều mã không giữ được lâu. Trong khi VN-Index chưa kịp kéo lên mốc 860 điểm đã trở lại thoái lui.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE vẫn có tới hơn 300 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó nhóm VN30 cũng có tới 27-28 mã mất giá với điểm nhấn là trụ cột VNM giảm tới hơn 5%, còn VHM, VIC, VCB cũng giảm hơn 3%.
Trong nửa cuối phiên giao dịch sáng, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn nhờ dòng tiền chảy mạnh mẽ. Bên cạnh nhiều mã hồi phục sắc xanh, chỉ số VN-Index cũng đã thu hẹp biên độ đáng kể và chỉ còn giảm hơn 10 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 74 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index giảm 12,22 điểm (-1,41%), xuống 855,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 427,46 triệu đơn vị, giá trị 5.009,91 tỷ đồng, tăng 38,83% về khối lượng và 23,4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,46 triệu đơn vị, giá trị 312,21 tỷ đồng.
Dù đà tăng còn hạn chế nhưng sắc xanh le lói ở một số bluechip như BID, HPG, SAB, FPT, STB, MWG…, hay GAS, TCB, SSI tìm lại mốc tham chiếu, giúp thị trường bớt tiêu cực hơn.
Trong khi đó, dù có chút thu hẹp biên độ nhưng các mã lớn vẫn là gánh nặng chính như VNM -3,8% xuống 117.700 đồng/CP, VHM -2,1% xuống 74.900 đồng/CP, VIC -1,5% xuống 91.600 đồng/CP, VCB -2,8% xuống 85.500 đồng/CP, BVH -3% xuống 47.700 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, diễn biến cũng có phần tích cực hơn khi nhiều mã có thời điểm tìm về sắc tím dù không giữ được đến hết phiên. Điển hình, HQC +4,5% lên 2.080 đồng/CP và khớp tới 72,11 triệu đơn vị, ITA +2,7% lên 5.750 đồng/Cp và khớp hơn 27,7 triệu đơn vị.
Ngoài ra, HHS, AMD, SJF, DXG, JVC, HAI… cũng hồi xanh, hay EVG, TSC, FIT tăng trần trở lại.
Trên sàn HNX, đà giảm cũng được thu hẹp về cuối phiên nhưng lực bán khá lớn khiến HNX-Index chưa thể giữ được mốc 115 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 15 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index giảm 1,52 điểm (-1,31%), xuống 114,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,15 triệu đơn vị, giá trị 491,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,15 triệu đơn vị, giá trị 25,62 tỷ đồng.
Sau phiên lao dốc và giảm sàn hôm qua, SHS đã đi ngược xu hướng thị trường thành công khi hồi phục tích cực trong phiên sáng nay. Chốt phiên, SHS +4,3% lên 12.200 đồng/CP và khớp hơn 2,7 triệu đơn vị.
Điểm sáng trong nhóm HNX30 là NRC khi đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên giảm sàn hôm qua khi chốt phiên sáng nay tăng trần lên mức 10.200 đồng/CP.
Trong khi đó, phần lớn bluechip vẫn đóng vai trò là lực cản như ACB -2% xuống 24.000 đồng/CP, PVS -1,6% xuống 12.300 đồng/CP, PVI -1,3% xuống 31.000 đồng/CP, PVB -2% xuống 14.700 đồng/CP, SHB -0,6% xuống 15.400 đồng/CP, VCS -2,5% xuống 62.400 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều không mấy tích cực khi HUT và KLF đứng giá tham chiếu, còn PVS, ACB và NVB đều mất giá. Trong đó, HUT dẫn đầu khi khớp 9,68 triệu đơn vị; PVS và ACB khớp trên dưới 5,5 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, giao dịch cũng bớt tiêu cực chút ít.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,81%), xuống 55,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 208,34 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,2 triệu đơn vị, giá trị 55,11 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn như ACV, BSR, VGI, VGT, VEA đều giảm khá mạnh. Trong đó, BSR -6,76% xuống 6.900 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 5,26 triệu đơn vị được giao dịch.
Tiếp theo KSH khớp 4,82 triệu đơn vị và LPB khớp hơn 4 triệu đơn vị. Chốt phiên KSH đứng giá tham chiếu, còn LPB -5,5% xuống 8.600 đồng/CP.