Thị trường đã kiểm tra lại khu vực hỗ trợ quanh 1.250 điểm, tuy nhiên VN-Index vẫn vận động dưới đường MA20 và thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp trong những phiên gần đây với lượng giao dịch đều ghi nhận dưới trung bình 20 phiên giao dịch, cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Về kỹ thuật, VN-Index bám sát đường Kijun của mây Ichimoku, cùng với chỉ báo RSI tiếp tục tạo đáy nhỏ và hướng xuống cho thấy thị trường vẫn đang trong quá trình tìm lại điểm cân bằng.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 12/4, thị trường vẫn giao dịch khá chậm bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán.
Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giữ mức tăng nhẹ chưa tới 5 điểm với thanh khoản khá thấp. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận mức tăng giảm trong biên độ hẹp, chỉ đạt trên dưới 1%.
Trong bối cảnh thị trường chung khá ảm đạm, nhóm cổ phiếu bất động sản đang là tâm điểm của dòng tiền. Hiện bộ 3 cổ phiếu gồm NVL, DIG và VHM đang dẫn đầu thanh khoản thị trường và đều giao dịch trong sắc xanh.
Bên cạnh đó, PDR, DXG, TCH cũng thuộc top 10 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường; còn QCG nhanh chóng lấy lại sắc tím sau phiên “nghỉ ngơi” hôm qua. Hiện QCG là 1 trong 3 mã duy nhất trên sàn HOSE tăng kịch trần, tạm đứng tại mức giá 14.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 1,4 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,3 triệu đơn vị.
Lực cầu cải thiện và hướng tới nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank, đã giúp VN-Index bật hồi sau khi bị đẩy về sát mốc tham chiếu vào giữa phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 239 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index tăng 5,95 điểm (+0,47%) lên 1.264,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 328,8 triệu đơn vị, giá trị 7.761,3 tỷ đồng, tăng hơn 12% về khối lượng và 21,91% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 95,36 triệu đơn vị, giá trị 2.755,54 tỷ đồng, trong đó riêng ACB thỏa thuận hơn 80 triệu đơn vị, giá trị gần 2.331 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp thị trường giao dịch khởi sắc hơn. Trong đó, cặp đôi CTG và TCB chốt phiên đều tăng hơn 2%, lần lượt đóng góp hơn 1 điểm và gần 0,8 điểm cho chỉ số chung.
Ngoài ra, nhiều mã bank khác cũng đã tìm lại được sắc xanh hoặc nới nhẹ biên độ như MBB, ACB, STB, VIB, VPB, SSB… Trong nhóm chỉ còn một vài mã điều chỉnh nhẹ như EIB, HDB, VCB, TPB.
Nhóm chứng khoán cũng hồi phục nhẹ, trong đó VIX là mã có thanh khoản tốt nhất ngành, với gần 7 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,8%; SSI cũng tăng nhẹ…
Tuy nhiên, giao dịch sôi động nhất thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong đó, NVL và DIG có khối lượng khớp lệnh trên dưới 14 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt đứng giá tham chiếu và tăng 1,8%; tiếp theo là VHM tăng 0,9% với khối lượng khớp hơn 8,16 triệu đơn vị…
Cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành là QCG vẫn trong trạng thái khan hàng. Chốt phiên, QCG đứng tại mức giá trần với khối lượng khớp hơn 1,45 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,63 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, thị trường tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh nhạt với trạng thái phân hóa bởi số mã tăng giảm khá cân bằng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 62 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,15%) lên 239,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,93 triệu đơn vị, giá trị 520,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 59,2 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng khởi sắc hơn, với SHS đảo chiều thành công, chốt phiên tăng nhẹ 0,5% với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 4,95 triệu đơn vị; MBS tăng nhẹ 0,3%; các mã APS, VFS, TVC, EVS đứng giá tham chiếu…
Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm điểm, với PVS giảm 0,2%, PVC giảm 0,6%, PLC giảm 1,3%...
Cổ phiếu TAR bị xả bán ngay từ đầu phiên, tạm dừng phiên sáng nay giảm 9,2% xuống mức giá sàn 6.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 1,36 triệu đơn vị và dư bán sàn 2,94 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau chút điều chỉnh nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều khởi sắc.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,28%), lên 91,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 220 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,32 triệu đơn vị, giá trị 17,8 tỷ đồng.
Cặp đôi AAH và LMH sớm nằm sàn. Chốt phiên, AAH đứng tại mức giá 5.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 8,33 triệu đơn vị và dư bán sàn 10,58 triệu đơn vị; LMH cũng giảm kịch sàn với khối lượng khớp 1,14 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,22 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VAB vẫn chưa hạ nhiệt, chốt phiên tăng 2,1% lên mức 9.800 đồng/CP, khớp lệnh gần nửa triệu đơn vị.