Giao dịch chứng khoán sáng 1/2: Nhà đầu tư chốt sớm, thị trường đảo chiều

Giao dịch chứng khoán sáng 1/2: Nhà đầu tư chốt sớm, thị trường đảo chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay (1/2) sau phiên đảo chiều ngoạn mục chiều qua (31/1), nhưng lực cung gia tăng mạnh nửa cuối phiên khiến sắc đỏ chiếm ưu thế, VN-Index đảo chiều.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, thị trường đã có phiên giao dịch đầy cảm xúc khi giảm mạnh trong phiên sáng với nhóm ngân hàng chìm trong sắc đỏ, nhưng đã bất ngờ “quay xe” ngoạn mục trong phiên chiều, leo thẳng lên mức cao nhất ngày, cũng nhờ nhóm ngân hàng đồng loạt “thay áo”.

Quan sát diễn biến trong phiên chiều cho thấy, dòng tiền tham lam của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã được kích hoạt, chính là một trong những nguyên nhân giúp thị trường có phiên đảo chiều tăng mạnh. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ chốt lời sau chuỗi 6 phiên mua ròng liên tục trước đó, còn tự doanh cũng chỉ mua ròng nhẹ trở lại sau phiên bán ra mạnh ngày 30/1.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, cũng với phiên đảo chiều tích cực chiều qua, nhà đầu tư trong nước có thêm sự tự tin khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh đêm hôm qua với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt diều hâu hơn trong cuộc họp chính sách kết thúc vào chiều thứ Tư (1/2) theo giờ Mỹ. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, thậm chí nếu vượt kỳ vọng hơn là không tăng lãi suất trong cuộc họp lần này không chỉ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Mỹ, mà còn tới thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu, vì chính sách của Fed có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Ở trong nước, sóng đầu tư công đã nhen nhóm từ cuối năm 2022 với nhiều cổ phiếu ngành xây lắp, bất động sản hồi phục mạnh, vẫn tiếp tục duy trì trong các phiên sau Tết Nguyên đán sau chuyến công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải từ Nam ra Bắc với các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường không.

Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là động lực cho tăng trưởng kinh tế, cũng như có tác động lan tỏa tới nhiều ngành nghề khác, không chỉ nhóm xây dựng, mà cả vật liệu xây dựng, khai khoáng và ngân hàng, bất động sản.

Trong phiên chiều qua, nhóm ngân hàng đã đồng loạt đảo chiều dẫn dắt đà hồi phục của thị trường, nhưng cũng không thể không kể đến nhóm thép. Dù không thăng hoa về giá như nhóm khai khoáng, xây lắp, nhưng nhóm thép lại có sức hút lớn với dòng tiền khi các mã lớn trong nhóm này đều nằm trong Top thanh khoản tốt nhất thị trường và phiên sáng nay cũng không phải ngoại lệ.

Ngoài cổ phiếu “quốc dân” HPG vẫn có sức hút như trước, nhóm dòng tiền còn chảy mạnh vào các cổ phiếu thép khác như HSG, NKG, giúp các mã này có giao dịch sôi động và đang giữ sắc xanh. Thậm chí, các mã báo lỗ lớn như TLH, SMC cũng đang có sắc xanh.

Với riêng cổ phiếu "quốc dân" HPG, sau khi về dưới ngưỡng 12.000 đồng giữa tháng 11/2022, cổ phiếu này đã có chuỗi hồi phục ấn tượng với mức tăng hơn 66% trong 1 tháng sau đó. Sau giai đoạn điều chỉnh về vùng 17.000 đồng cuối tháng 12, HPG đã bước vào chu kỳ tăng mới từ đó cho đến nay, trong đó có chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp sau Tết Nguyên đán và tiếp tục giữ sắc xanh trong phiên sáng nay, lên vùng 22.500 đồng. Tuy nhiên, lực bán chốt lời gia tăng cuối phiên khiến HPG hạ nhiệt, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,2% lên 22.150 đồng, thanh khoản 22,8 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường.

HSG cũng có thanh khoản tốt với 13,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 15.700 đồng. Trong khi đó, NKG quay đầu giảm 1,6% xuống 15.650 đồng, khớp 8,6 triệu đơn vị. Các mã còn giữ được sắc xanh trong nhóm này ngoài HSG, chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Nhóm ngân hàng sau phiên đảo chiều hôm qua, đã chịu áp lực chốt sớm sáng nay khi sắc đỏ chiếm ưu thế, chỉ còn 3 mã còn duy trì sắc xanh. Trong đó, HDB là mã có mức tăng tốt nhất nhóm với 2,7% lên 19.150 đồng, tiếp đến là VIB tăng 2,1% lên 24.050 đồng và BID tăng 0,4% lên 45.300 đồng. Trong khi đó, CTG đang là mã giảm mạnh nhất khi mất 2% xuống 29.900 đồng, tiếp đến là TPB giảm 1,6% xuống 24.600 đồng, TCB giảm 1,5% xuống 28.950 đồng, STB giảm 1,5% xuống 26.700 đồng. Các mã giảm hơn 1% có VPB, ACB, LPB, còn “anh cả” VCB giảm 0,5% xuống 91.400 đồng. Trong đó, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 11,2 triệu đơn vị.

Sự yếu đà của nhóm ngân hàng, cùng với đà giảm mạnh của nhóm Vingroup khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,75 điểm (-0,43%), xuống 1.106,43 điểm với 178 mã tăng, ít hơn khoảng 50 mã so với nửa đầu phiên sáng, trong khi số mã giảm nâng lên thành 205 mã, nhiều hơn khoảng 100 mã so với nửa đầu phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 377,7 triệu đơn vị, giá trị 6.434,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,9 triệu đơn vị, giá trị 275 tỷ đồng.

Ngoài các nhóm thép và ngân hàng, sáng nay nhóm bất động sản cũng ít nhiều gây chú ý. Nửa đầu phiên, chỉ còn KHG giữ được sắc tím, trong khi nhiều mã quay đầu giảm do áp lực chốt sớm, thì trong nửa cuối phiên, HPX đã bùng lên mạnh mẽ khi bất ngờ nhận được lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên kịch trần 5.630 đồng với thanh khoản chỉ đứng sau HPG, đạt 15,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Không lên kịch trần như HPX, nhưng NVL cũng là điểm nhấn khi thanh khoản đứng sau HPX với 14,5 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,5% lên 14.700 đồng. PDR cũng bùng lên cuối phiên khi tăng 3,6% lên 14.350 đồng, khớp 10,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA đang bị chốt lời sau chuỗi tăng mạnh từ tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết, vượt ra ngoài phía trên dải bollinger. Đóng cửa, ITA giảm 4,6% xuống 4.610 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác của nhóm này cũng giảm như DXG, VCG, KBC, DRH, NLG… Tuy nhiên, điều đáng quan tâm chính là đà giảm mạnh của nhóm Vingroup, trong đó VHM giảm mạnh nhất khi mất 3,1% xuống 49.350 đồng, VIC cũng giảm 1,1% xuống 56.500 đồng, VRE giảm 1,7% xuống 29.200 đồng.

Ngoài ra, còn phải kể đến tác động ngược của một số mã bluechip khác như MSN giảm 2,6% xuống 98.600 đồng, VJC giảm 3,3% xuống 112.500 đồng. Riêng nhóm Vingroup, cùng MSN, VJC và các mã ngân hàng lớn như CTG, VCB, VPB, TCB đã lấy đi của VN-Index 6 điểm sáng nay.

Tuy nhiên, nhờ sự đối trọng của một số mã ngân hàng như HDB, VIB, BID, cùng NVL, DCG, SBT (tăng trần), BVH, đặc biệt là GAS đã giúp VN-Index không bị giảm sâu. Trong đó, GAS tăng 2,3% lên 108.700 đồng, SBT tăng trần lên 15.750 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Nhóm chứng khoán cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, trong đó VND giảm mạnh nhất 2,1% xuống 16.200 đồng, khớp 13,2 triệu đơn vị. Các mã lớn khác có SSI giảm 1,2% xuống 21.350 đồng, khớp 9,1 triệu đơn vị, HCM giảm 1,4% xuống 24.850 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị, VCI giảm 0,2% xuống 29.850 đồng, khớp 2,75 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX dù cũng lình xình trong biên độ hẹp, nhưng không một lần xuống dưới tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,22%), lên 222,93 điểm với 70 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,1 triệu đơn vị, giá trị 665,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay SHS có thanh khoản vượt trội so với phần còn lại trên sàn HNX với gần 10,7 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa cũng chỉ giữ được mức tham chiếu 10.000 đồng. CEO là mã có thanh khoản tốt thứ 2, nhưng chỉ với gần 3,9 triệu đơn vị và cũng đóng cửa ở tham chiếu 24.600 đồng. Có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là NRC, TNG và đều đóng cửa tăng mạnh.

UPCoM-Index cũng giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay khi đóng cửa tăng 0,31 điểm (+0,4%), lên 76,14 điểm với 145 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,2 triệu đơn vị, giá trị 232,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR, SBS và VHG. Trong đó, BSR dẫn đầu với 4,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 16.900 đồng. Tiếp đến là SBS khớp 1,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 5.900 đồng. VHG khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,8% lên 2.700 đồng.

Tin bài liên quan