Giao dịch chứng khoán sáng 11/8: VIC "bay" cao sau tin Vinfast lên sàn Mỹ, nhưng không gánh được thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 11/8: VIC "bay" cao sau tin Vinfast lên sàn Mỹ, nhưng không gánh được thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian ngắn đầu phiên tăng mạnh, thị trường đang xuất hiện những tín hiệu không mấy lạc quan khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Trong khi đó, VIC bay cao sau thông tin Vinfast chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Thị trường tiếp tục hình thành nến đỏ giảm điểm trong phiên 10/8, củng cố thêm tín hiệu mẫu hình nến Evening star trước đó. Điều đáng nói là áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều đã khiến nhóm cổ phiếu tăng nóng – bất động sản đồng loạt “quay xe”, cùng áp lực bán lan rộng trên thị trường, đã đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất ngày, cho thấy đà bán đang chiếm ưu thế tuyệt đối.

Tuy nhiên, khả năng chỉ số sẽ phục hồi sau nhịp điều chỉnh vẫn có xác suất cao, bởi dư địa để VN-Index có thể vận động đến ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm còn khá lớn và nội lực của uptrend đã thể hiện khá tốt trong thời gian qua.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 11/8, sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip, đặc biệt là mã lớn VIC trở lại đường đua khi mở cửa trong sắc tím, đã giúp VN-Index tăng vọt và lấy lại mốc 1.230 điểm.

Trong tối qua theo giờ Việt Nam, thông tin về kế hoạch hợp nhất của Vinfast và Black Spade được thông qua với tỷ lệ 99,99% tán thành đã gây chú ý lớn với nhà đầu tư cả trong nước và thị trường quốc tế.

Cụ thể, VinFast Auto Pte. Ltd. (VinFast) và Black Spade Acquisition Co (Black Spade) – một công ty đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) với mã chứng khoán BSAQ vừa công bố kết quả họp Đại hội cổ đông đặc biệt (EGM) diễn ra ngày 10/8/2023.

Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Trước đó, có thông tin SEC đã tuyên bố hiệu lực hồ sơ đăng ký theo mẫu F-4 của VinFast liên quan đến giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade.

Việc sáp nhập với Black Spade là một trong những bước tiến quan trọng trong kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ của VinFast. VinFast được định giá với giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu 23 tỷ USD.

Giao dịch hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/08/2023. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq) vào khoảng ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.

Thông tin này nhanh chóng hâm nóng thị trường ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Vừa bước vào phiên giao dịch, dòng tiền tới tấp hướng tới VIC giúp mã này tăng trần ngay khi mở cửa. Dù áp lực bán mạnh đôi lúc khiến VIC hạ nhiệt, nhưng lực cầu lớn giúp cổ phiếu này giữ được sắc tím với thanh khoản vượt trội so với thường nhật.

Đà tăng trần của VIC đóng góp cho VN-Index tới hơn 4 điểm, giúp chỉ số này đầu phiên đã trở lại mốc 1.230 điểm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của thị trường chung trước áp lực chốt lời ở nhiều nhóm ngành khác khiến VN-Index dần hạ độ cao khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục và xuất hiện những dấu hiệu không mấy khả quan sau khoảng 90 phút mở cửa.

Ngoại trừ VIC, đại đa số mã bluechip và các mã đầu ngành khác đều chịu áp lực chốt lời lớn và đang điều chỉnh, thậm chí cả nhóm bất động sản.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng kém khả quan khi sắc đỏ đang lan rộng toàn ngành. Chỉ còn AGR nhích nhẹ với mức tăng chưa đến 0,5%, còn lại đều đảo chiều giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu.

Mặc dù lực cầu gia tăng cùng sự dẫn dắt của VIC nhưng áp lực bán trên diện rộng đã khiến VN-Index không thể lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 351 mã giảm, gấp hơn 3 lần số mã tăng (105 mã), VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,15%), xuống 1.218,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên sáng qua với 399,21 triệu đơn vị, giá trị 8.633,59 tỷ đồng, tăng 8% so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,22 triệu đơn vị, giá trị 160,53 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC không giữ được sắc tím nhưng thông tin hỗ trợ tích cực giúp mã này duy trì đà tăng mạnh và là điểm tựa chính giúp thị trường không giảm sâu. Tạm dừng phiên sáng, cổ phiếu VIC tăng 6,6% lên 72.400 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 14,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu khác trong ngành đều lùi sâu hơn, với NVL giảm 1,2% xuống mức 20.350 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 18 triệu đơn vị khớp lệnh; cặp VHM và VRE cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh nhẹ, VCG giảm 2,29%, HQC giảm 2,25%...

Ngoài nhóm bất động sản giữ đà tăng nhờ sự đóng góp lớn của anh cả VIC, nhóm sản xuất phụ trợ đã may mắn thoát trạng thái điều chỉnh với mức tăng nhẹ, còn lại các nhóm ngành đều mất điểm.

Nhóm trụ cột ngân hàng ngoại trừ VCB nhích nhẹ 0,11% và STB là điểm sáng ngành khi chốt phiên tăng 1,64% với thanh khoản thuộc top 3 thị trường, đạt 14,13 triệu đơn vị, còn lại đều giảm nhẹ.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu AGR cũng không thắng nổi thị trường và đã lùi về mốc tham chiếu trong trạng thái toàn ngành chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VND giảm nhẹ 0,5% và thanh khoản dẫn đầu ngành với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là VIX giảm 1,9% và khớp gần 7,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm trong 30 phút cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm gần 1 điểm xuống lên 243,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,22 triệu đơn vị, giá trị 817,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 16,85 tỷ đồng.

Trong top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường, chỉ có duy nhất HUT có được sắc xanh với mức tăng khá hạn chế chỉ 0,4% và khớp 1,93 triệu đơn vị; còn lại SHS, PVS, DDG, CEO đều giảm trên dưới 1% và khớp lệnh vài triệu đơn vị.

Ngoài ra, phần lớn các cổ phiếu khác trong rổ HNX30 cũng đảo chiều giảm, ngoại trừ HUT và VC3, trong đó, VCS, TAR, VIG, DXG, BCC là các mã dẫn đầu với mức giảm đều hơn 2%.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến thị trường trở lại giao dịch trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ xuống 93,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,26 triệu đơn vị, giá trị 514,03 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,93 triệu đơn vị, giá trị 34,95 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR sau nhịp tăng khá tốt đầu phiên cũng đã đảo chiều giảm nhẹ 0,5%, tạm đứng tại mức giá 20.700 đồng/CP, với thanh khoản vẫn sôi động nhất, đạt 5,64 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã nhỏ KSH, DCS, GTT là tâm điểm đáng chú ý khi cùng chốt phiên sáng ở mức giá trần với khối lượng giao dịch đạt một đến vài triệu đơn vị.

Tin bài liên quan