Phiên hôm qua (10/8) là một phiên giao dịch kiểu như vậy, nhìn trên đồ thị nến thì có một cây nến đỏ, nhưng thực tế VN-Index vẫn tăng so với phiên trước. Trong chuỗi phục hồi của VN-Index hơn 2 tuần qua, chỉ có 1 phiên duy nhất ngày 6/8 là điểm số đóng cửa thấp hơn mức đóng cửa phiên hôm trước, còn lại là một chuỗi tăng đầy ấn tượng. Những nhịp điều chỉnh chỉ kịp thực hiện trong phiên.
Phiên giao dịch sáng nay cũng diễn ra trong một kịch bản tương tự, thị trường tăng sau khi mở cửa rồi về trở về thận trọng khi VN-Index lình xình sát trên của tham chiếu với sự cân bằng trên bảng điện tử.
Sau 30 phút giao dịch, dòng tiền nhập cuộc mạnh đã kéo VN-Index tăng lên thử thách lại ngưỡng kháng cự 1.370 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh nằm ở mép trên của mây Ichimoku trên đồ thị kỹ thuật, khi chạm mốc này, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại.
Nhìn nhận chuỗi tăng hơn 10 phiên vừa qua có thể thấy thị trường đang hưng phấn bất chấp chuỗi tăng điểm này rất hiếm gặp trong quá khứ, và hàm chứa trong đó khả năng điều chỉnh giảm để thị trường về mức cân bằng hơn.
Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế thị trường đang cho thấy một sự vận động tinh tế hơn nhiều giai đoạn trước. Dòng tiền dẫn dắt chuyển liên tục qua các nhóm ngành giúp đa số cổ phiếu đều có mức tăng điểm nhất định từ vùng đáy. Đây là cách giúp dòng tiền lan tỏa, khiến bất kỳ nhà đầu tư nhỏ lẻ nào đều nhìn thấy cơ hội vào hàng, và nếu không mua thì cảm giác "lỡ tàu" ngày một lớn. Cách dẫn dắt đó khiến dòng tiền mới liên tục được bổ sung giúp thanh khoản tăng dần đều, và khi có "máu mới" thì chỉ số chỉ có thể điều chỉnh rất ngắn.
Diễn biến giao dịch trong phiên sáng nay, dòng tiền cũng vận động khá tốt, nên VN-Index một lần nữa được kéo lên hẳn qua ngưỡng 1.370 điểm trước khi hạ nhiệt nhẹ cuối phiên, nhưng vẫn chốt phiên sáng trên ngưỡng cản này.
Chốt phiên, VN-Index tăng 8,14 điểm (+0,60%), lên 1.370,57 điểm với 209 mã tăng và 155 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 423,7 triệu đơn vị, giá trị 13.257,3 tỷ đồng, giảm rất nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 304,7 tỷ đồng.
Các nhóm ngành dẫn dắt trước đây như ngân hàng, chứng khoán và thép vẫn có sự phân hóa rõ nét, thì nhóm vận tải biển vẫn bứt tốc mạnh với sắc xanh tràn ngập, trong đó có nhiều mã duy trì đà tăng trần STG, VNL, TCO, VOS, GSP, MHC, VTO, các mã lớn như TCL, SFI, HAH… dù không có sắc tím, nhưng vẫn đang duy trì đà tăng mạnh, trong đó HAH tăng 5,6% lên 62.700 đồng, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị. Ngoại trừ GMD không giữ được đà tăng, quay đầu về tham chiếu 50.500 đồng, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm hóa chất cũng tiếp tục khởi sắc với SFG tăng trần lên 11.700 đồng. Các mã lớn trong ngành như DMP tăng 2,8% lên 33.500 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị; BFC tăng 5,3% lên 38.900 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, DCM lại đi ngược xu hướng khi giảm nhẹ 0,2% xuống 22.800 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Trong nhóm VN30, sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 21 mã tăng, trong khi chỉ có 7 mã giảm, 2 mã đứng giá. Trong đó, TPB là mã tăng mạnh nhất với 3,5% lên 37.250 đồng, khớp 11 triệu đơn vị. Tiếp đến là POW tăng 2,7% lên 11.550 đồng, khớp 10,7 triệu đơn vị. “Anh cả” của nhóm ngân hàng là VCB cũng tăng mạnh 2,4% lên 101.400 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị. VNM cũng có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 2% lên 91.200 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể tới các mã ngân hàng TCB, MBB, BID, VPB, HDB, CTG, STB, ACB, hay các mã lớn khác như MSN, BVH, VHM, NVL, MWG, GAS. Trong khi đó, các mã giảm có VIC, GVR, FPT, SSI, VRE, KDH, nhưng mức giảm chỉ khiêm tốn, trên dưới 0,5%.
STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 15,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 30.700 đồng. Tiếp đó là TCB khớp 12,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,1% lên 52.900 đồng.
Trên sàn HNX, thị trường cũng có giao dịch tích cực sáng nay khi HNX-Index chỉ gặp chút khó khăn nhẹ khi qua vùng 337,5 điểm.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,21 điểm (+0,66%), lên 337,28 điểm với 129 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,4 triệu đơn vị, giá trị 2.013,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 29,3 tỷ đồng.
Nhóm cảng, vận tải biển và hóa chất cũng là nhóm nổi bật nhất về mức tăng trên sàn HNX trong phiên sáng nay với hàng loạt mã tăng trần như HMH, PCE, CAG, PHP, MAC, VSA, PSE, DXP. Tuy nhiên, thanh khoản của các mã này không lớn, chỉ có PHP là khớp trên 1 triệu đơn vị, DXP khớp hơn nửa triệu đơn vị, còn lại dưới 100.000 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa, nhưng biến động giá không lớn. Trong đó, THD và SHB chỉ tăng nhẹ 1 bước giá, PVS cũng chỉ giảm 1 bước giá. Hai mã ngân hàng còn lại trên sàn HNX là BAB và NVB tăng tốt với 1,3% lên 23.300 đồng và 4,96% lên 29.600 đồng.
Về thanh khoản SHB và PVS khớp trên 7,6 triệu và 7,2 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này cũng chỉ dao động trong sắc xanh với đà tăng nới rộng dần từ và có đà tăng tốt hơn hẳn so với 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,71 điểm (+1,89%), lên 92,24 điểm với 195 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,7 triệu đơn vị, giá trị 1.087 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 71,3 tỷ đồng.
Hai mã dầu khí BSR và OIL tăng tốt 2% và 3,1% lên 20.500 đồng và 13.500 đồng, trong đó BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 5,47 triệu đơn vị, còn OIL chỉ hơn 1,2 triệu đơn vị.
Các mã ngân hàng trên thị trường này đều tăng giá, trong đó VAB tăng mạnh nhất 8,7% lên 18.700 đồng, thanh khoản 1,1 triệu đơn vị. VBB tăng 4,6% lên 18.300 đồng, thanh khoản chỉ chưa tới 150.000 đơn vị.