Trong phiên hôm qua, nhiều lệnh bán không thể thực hiện được trong đợt ATC trước đó đã được nhà đầu tư thực hiện đẩy VN-Index giảm mạnh xuống 890 điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, với dòng tiền chảy mạnh, VN-Index đã nảy trở lại lên trên tham chiếu.
Giao dịch thị trường sao đó chủ đạo là diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc 900 điểm cho đến khi đóng cửa.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh trong những phiên còn lại của tuần khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 11/6, thị trường rung lắc nhẹ ngay khi mở cửa nhưng với biên độ không đáng kể, sau đó, dòng tiền dần dần nhập cuộc kéo chỉ số VN-Index từng bước nhích lên.
Nhưng với sự phân hóa mạnh của nhóm bluechip, và ngưỡng cản quanh 900 điểm đang khá mạnh nên chỉ số đã nhanh chóng hạ nhiệt xuống tham chiếu và thêm một nhịp nảy trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch.
Trên bảng điện tử, mặc dù độ rộng thị trường khá cân bằng nhưng nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ vẫn chiếm phần lớn các lệnh mua và đua nhau tăng kịch trần với gần 40 mã trên HOSE như ITA, DLG, HBC, KBC, HQC, SJF, HHS, SCR, JVC, LMH, FTM, QBS… Trong đó, không ít cổ phiếu còn dưa mua giá trần với khối lượng lớn như HQC đã dư mua tới hơn 25 triệu đơn vị, ITA dư mua hơn 10 triệu đơn vị, các mã khác cũng trong tình trạng trắng bên bán, tích lũy lệnh mua giá trần không thể khớp.
Trong các bluechip, bất ngờ nhất là STB, khi được quan tâm hơn cả, với thanh khoản dẫn đầu HOSE, có thời điểm mã này tăng kịch trần lên 12.300 đồng.
Ở chiều ngược lại, đáng chú ý nhất là DBC. Nhờ hiệu ứng giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng, giúp doanh nghiệp này có biên lợi nhuận tăng vọt, kéo giá cổ phiếu tăng phi mã hơn 250% từ mức 16.150 đồng trong phiên 24/3 lên 57.500 đồng trong phiên 8/6, trước khi đóng cửa ở mức 56.600 đồng.
Tuy nhiên, sau dấu hiệu chốt lời trong phiên 8/6, lực chốt lời đã diễn ra mạnh mẽ trong phiên 9/6, đặc biệt là trong phiên 10/6, kéo DBC xuống mức sàn 51.400 đồng.
Bước vào phiên sáng nay, lực chốt lời tiếp tục diễn ra mạnh, đẩy DBC xuống mức sàn 47.850 đồng, chỉ khớp được 0,5 triệu đơn vị, trong khi dư bán giá sàn gần 7 triệu đơn vị.
Sau khi tăng trở lại vào giữa phiên và chứng khiến lực co kéo mạnh khiến chỉ số VN-Index chững lại tại 903 điểm, thì bất ngờ lực bán gia tăng tại các bluechip, và khiến hơn 20 mã trong rổ VN30 giảm điểm đã đẩy VN-Index xuống và thủng tham chiếu khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 152 mã tăng và 193 mã giảm, VN-Index giảm 1,32 điểm (-0,15%), xuống 898,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 307,9 triệu đơn vị, giá trị 4.060 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,5 triệu đơn vị, giá trị 357,9 tỷ đồng.
Rổ bluechip VN30 chỉ còn 5 mã tăng với VIC +0,1%; VHM+0,4%; MSN +0,2% và VNM +1,4% lên 124.700 đồng, cùng điểm sáng lớn nhất là STB +5,2% lên 12.100 đồng, khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE với hơn 26,2 triệu đơn vị.
Có 21 mã giảm, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%, có thể kể đến như TCB -1,1% xuống 21.600 đồng; HPG -1,1% xuống 26.700 đồng; VRE -1,1% xuống 27.650 đồng; VJC -1,3% xuống 116.300 đồng; MWG -1,3% xuống 88.300 đồng; BVH -1,3% xuống 52.100 đồng.
Nhóm còn lại như VCB, CTG, VBP, SSI, NVL, FPT, POW giảm từ 0,3% đến 0,7%.
Giao dịch vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, kéo hàng loạt mã tăng kịch trần (36 mã), trong đó, thanh khoả thuộc top cao nhất HOSE như ITA, DLG, HBC, KBC, SCR, HQC, TSC, JVC, TGG, LMH, DAH, QBS, DIC, FTM…
Trong đó, HQC vẫn dư mua giá trần 25,2 triệu đơn vị, ITA dư mua 11 triệu đơn vị.
Tạm kết phiên trong sắc xanh có FLC, SJF, LDG, HHS, DXG, DCM, DPM, CII, HAI, NKG, khớp từ 1,9 triệu đến 8,8 triệu đơn vị.
Trái lại, 3 mã đại điện giảm giá đáng chú ý là ROS, khi giảm 4,3% xuống 3.320 đồng, khớp lệnh hơn 18,25 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB.
TNI sau 2 phiên gần đây tăng khá mạnh trở lại đã tiếp tục giảm sâu xuống mức giá sàn -7% xuống 8.150 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị.
Đặc biệt là DBC, khi áp lực chốt lời mạnh diễn ra, giảm sàn -6,9% xuống 47.850 đồng, khớp chỉ hơn 0,46 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 4,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, bảng điện tử cũng phân hóa, nhưng với đà tăng tốt của SHB đã giữ cho HNX-Index kết phiên trong sắc xanh khá vững vàng.
Theo đó, SHB là điểm sáng nhất trong nhóm các mã lớn, khi tăng 2,5% lên 16.600 đồng. Bên cạnh đó, sự tích cực từ dòng tiền khi đổ mạnh vào nhiều mã nhỏ, được kéo lên kịch trần như HUT, MST, ACM, KVC, SPI, LAS, TTH, VE9, VIX…
Trong khi đó, ACB, PVS, NVB, KLF, ART dừng lại ở tham chiếu.
Mất điểm có SHS -0,8% xuống 12.900 đồng; CEO -3,9% xuống 9.900 đồng; VCG -0,8% xuống 25.000 đồng; DGC -3,8% xuống 38.500 đồng; VCS -0,4% xuống 67.500 đồng.
Thanh khoản HUT cao nhất sàn với hơn 7,6 triệu đơn vị khớp lệnh; SHB có 6,18 triệu đơn vị; PVS có 4,2 triệu đơn vị; ACB có 3,83 triệu đơn vị; KLF có 3,7 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,41%), lên 121,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,6 triệu đơn vị, giá trị 564,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,27 triệu đơn vị, giá trị 29,4 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, nhưng sau đó cũng bật trở lại, mặc dù vậy, tới giữa phiên chỉ số lại bị đẩy trở lại và về dưới tham chiếu khi kết phiên.
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là LPB với hơn 5,09 triệu đơn vị khớp lệnh đã giảm 1,1% xuống 9.200 đồng. Tiếp theo là BSR, nhưng chỉ có 1,9 triệu cổ phiếu được sang tay, kết phiên đứng tham chiếu 7.600 đồng.
Đáng chú ý, MSR tăng kịch trần +14,6% lên 18.000 đồng, khớp lệnh gần 400.000 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu nhỏ trên UpCoM cũng nổi sóng, khi tăng hết biên độ như PVV, SBS, PFL, PPI, VHG, ORS.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,02%), xuống 57,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,22 triệu đơn vị, giá trị 188,72 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,44 triệu đơn vị, giá trị 44,2 tỷ đồng.