Sau 4 phiên lao dốc và VN-Index giảm hơn 220 điểm, tương ứng giảm xấp xỉ 17%, thị trường đã có phiên giao dịch lịch sử ngày 10/4 trong không khí hứng khởi của chứng khoán toàn cầu sau thông tin tích cực về việc hoãn áp thuế quan đối ứng của Mỹ. Sắc tím tràn ngập bảng điện tử giúp VN-Index giữ vững đà tăng trên 70 điểm trong suốt cả phiên và đóng cửa lên sát mốc 1.170 điểm.
Về kỹ thuật, VN-Index đóng cửa vẫn giữ nguyên breakaway gap mở ra từ đầu phiên, hoàn thành mẫu hình đảo chiều inverted hammer và xác nhận tạo đáy ngắn hạn. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình 20 ngày. Xu hướng tăng được kỳ vọng quay trở lại sau phiên tăng kỷ lục này.
Bước vào phiên giao dịch sáng ngày 11/4, thị trường có chút chững lại sau phiên “bốc đầu” hôm qua. Trong bối cảnh bảng điện tử trở nên phân hóa và sắc tím chỉ còn rải rác, nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò là điểm tựa chính giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.
Nếu phiên hôm qua thanh khoản bị tắc bởi lượng hàng tung ra khá nhỏ giọt, thì trong phiên sáng nay đã trở nên sôi động hơn bởi lượng khớp lệnh tăng vọt. Sau khoảng gần 90 phút mở cửa, thanh khoản trên sàn HOSE đã đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần mức thanh khoản toàn phiên trước.
Hiện nhóm VN30 đang tăng gần 40 điểm khi có tới 26 mã tăng, trong đó, MWG và HPG đã sớm tìm lại sắc tím và hiện đang dư mua trần chất đống, với HPG tới hơn 15 triệu đơn vị dư mua trần và thanh khoản đạt hơn 55 triệu đơn vị, đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường chung.
Tuy nhiên, VN-Index đang gặp khó khăn khi thử thách lại vùng kháng cự mạnh 1.200 điểm. Trong đó, dường như thông tin hoãn áp thuế đã hấp thụ hết ngay trong phiên hôm qua, các nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản, hay cả bất động sản khu công nghiệp đều bị bán khá mạnh trong phiên sáng nay.
Hiện các mã MSH, TCM, hay SIP, BCM, SZC, PHR, GVR, KBC đang giao dịch tại mức giá sàn hoặc sát sàn; ngoài ra, các mã ABT, LHG, AGM, GIL, FMC giảm mạnh hơn 5-6%.
Bảng điện tử phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường khởi sắc. Tuy nhiên, diễn biến thiếu đồng thuận của toàn thị trường đã khiến VN-Index chưa thể có được mốc 1.200 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 245 mã tăng (13 mã tăng trần) và 237 mã giảm (10 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index tăng 26,75 điểm (+2,29%), lên 1.195,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, giá trị hơn 22.929 tỷ đồng, gấp gần 4 lần về lượng và 4,6 lần về giá trị so với phiên sáng hôm qua với hơn 1,03 tỷ đơn vị, giá trị hơn 20.528 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 13,5 triệu đơn vị, giá trị 215 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên tăng gần 35 điểm với 23 mã tăng và 6 mã giảm. Trong đó, HPG vẫn là tâm điểm của nhóm này nói riêng và của cả thị trường chung khi chốt phiên tại mức giá trần 24.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất, đạt 56,7 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 18,5 triệu đơn vị. Đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh mẽ, tới gần 15 triệu đơn vị.
Ngoài HPG, trong rổ bluechip còn có MWG và GAS cùng chốt phiên trong sắc tím; các mã tăng mạnh khác có VCB tăng 5,5% và VIC tăng 5,1%...
Ngược lại, bên cạnh một số mã như SSB, LPB, VPB, VRE giảm nhẹ trên dưới 1%, thì cặp đôi bất động sản khu công nghiệp lại giảm mạnh với BCM nằm sàn, GVR thoát sàn nhưng chốt phiên giảm 6,1%.
Xét về nhóm ngành, nhóm bán lẻ dẫn đầu thị trường với nhiều mã như MWG, PNJ, FRT chốt phiên tăng kịch trần; DGW tăng hơn 4%, PLX tăng 2,3%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có chút hạ độ cao nhưng vẫn là những nhóm ngành thuộc top tăng mạnh của thị trường bởi sắc xanh phủ trên diện rộng, đặc biệt là sự dẫn dắt của mã lớn VCB. Ngoại trừ một số mã như VPB, LPB, SSB, NAB; ORS, VDS điều chỉnh nhẹ, SHB lùi về mốc tham chiếu.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đang bị xả bán khá mạnh với hàng loạt mã như KBC, SZC, SIP, BCM giảm kịch sàn.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản cũng đồng loạt điều chỉnh sau phiên đua tăng cùng thị trường trước đó, với MSH giảm sàn, GIL giảm 5,6%, TCM giảm 5,1%..., hay thủy sản như FMC, AGM đều giảm hơn 5%, VHC giảm 4,6%, IDI và NAV cùng giảm 4%...
Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên giữ nhịp tăng khá tốt, thị trường đã rung lắc và khép lại phiên sáng với mức tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 88 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,26%), lên 208,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,7 triệu đơn vị, giá trị 1.290,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,5 triệu đơn vị, giá trị 52 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chốt phiên chỉ tăng nhẹ chưa tới 2 điểm, với 18 mã tăng và 11 mã giảm. Trong đó, cùng xu hướng chung của nhóm phân bón hóa chất, cổ phiếu LAS chốt phiên tăng kịch trần và khớp hơn 1 triệu đơn vị; ngoài ra L14 tăng 7,3%, CEO tăng 5,3%, PVC tăng 4,9%...
Trái lại, mã đại diện cho nhóm bất động sản khu công nghiệp IDC thoát nằm sàn và chốt phiên giảm mạnh 9,3% với khối lượng khớp hơn 7,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX đua nhau khởi sắc dù không bứt tốc như phiên trước, với SHS tăng 4,7% và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 15,3 triệu đơn vị; MBS tăng 3,3% và khớp 5,35 triệu đơn vị, BVS tăng 3,1% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, APS tăng 6,1%…
Trên UPCoM, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều giảm sau thời gian ngắn mở cửa tăng nhẹ.
Chốt phiên, với 158 mã tăng và 159 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,98 điểm (-1,05%) xuống 91,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51 triệu đơn vị, giá trị 498,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,17 triệu đơn vị, giá trị 114,4 tỷ đồng, trong đó VBB thỏa thuận hơn 10,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 104 tỷ đồng.
Cổ phiếu BVB có thanh khoản sôi động nhất thị trường UPCoM với 3,16 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,7%.
Tiếp theo đó là MSR tăng 2,5% và khớp 2,45 triệu đơn vị; AAH giảm 2,5% và khớp 2,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu phân bón DDV chốt phiên tăng 3,1% với thanh khoản thuộc top 5 trên thị trường, đạt gần 2,3 triệu đơn vị.