Giao dịch chứng khoán sáng 11/11: Cổ phiếu công nghệ và cảng biển nổi sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 11/11: Cổ phiếu công nghệ và cảng biển nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đang giao dịch kém tích cực và gia tăng sức ép lên thị trường chung, thì các cổ phiếu công nghệ và cảng biển nổi sóng lớn trong phiên sáng 11/11.

Mặc dù VN-Index đã “vá” thành công mốc 1.250 điểm trong tuần vừa qua nhưng diễn biến thị trường vẫn khá ảm đạm khi thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp và tín hiệu khóa đáy ngắn hạn chưa được xác nhận. Điểm tích cực là dù thị trường suy giảm nhưng vẫn có những dòng cổ phiếu thu hút lôi kéo dòng tiền, do đó trạng thái thị trường đang chuyển sang giai đoạn tích lũy và chờ tín hiệu khởi động.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS, thị trường có thể đã xác nhận phần nào việc tạo đáy khu vực 1.240 – 1.250 điểm. Nhóm cổ phiếu cơ bản tốt như công nghệ FPT, CMG, ITD hay viễn thông CTR, VTP hay cảng biển vận tải biển như HAH, PVT, PVP, các cổ phiếu dệt may TCM, TNG, MSH... là những nhóm cổ phiếu đáng chú ý.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 11/11, chỉ số VN-Index đảo chiều hồi phục nhẹ sau 2 phiên điều chỉnh giảm liên tiếp, nhưng trong bối cảnh áp lực bán thường trực, thị trường đã nhanh chóng lùi về dưới mốc tham chiếu.

Chỉ số VN-Index tiếp tục để tuột mốc 1.250 điểm khi nhóm cổ phiếu bluechip không ngừng gia tăng sức ép lên thị trường. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số chung để mất khoảng 6 điểm với số mã giảm gần gấp đôi số mã tăng, trong khi nhóm VN30 giảm gần 10 điểm với 22 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng.

Bên cạnh đó, xét về nhóm ngành, các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều la liệt sắc đỏ, trong khi nhóm công nghệ và vận tải biển đua nhau bùng nổ với CMG, ICT, hay VOS, VTO, VIP đồng loạt khoe sắc tím. Các mã khác trong ngành như VSC tăng 3,5%, GSP tăng 3,1%, PVP tăng 3%, HAH tăng 2,8%, VNL tăng 2,5%... hay công nghệ có ITD tăng 2,8%, ELC tăng 1,7%, FPT tăng 1,5%...

Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã khiến VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong nửa cuối phiên, thậm chí có thời điểm về sát mốc 1.240 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 119 mã tăng và 236 mã giảm, VN-Index giảm 7,51 điểm (-0,6%) xuống 1.245,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 371,75 triệu đơn vị, giá trị 9.233,2 tỷ đồng, tăng 84,3% về khối lượng và 80,1% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 8/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,5 triệu đơn vị, giá trị 602,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng lùi sâu hơn khi chốt phiên giảm điểm với mã tăng và mã giảm. Trong đó, cổ phiếu lớn nhà công nghệ là FPT dẫn đầu với mức tăng 1,5%, còn lại BVH, HPG, GVR, SAB, GAS tăng nhẹ dưới 1%. Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng giảm sâu nhất với STB giảm 4,2%, CTG giảm 2,9%, TPB giảm 2,7%...

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đóng vai trò lực cản lớn nhất khi toàn bộ đều mất điểm, trong đó VPB và TPB giảm hơn 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đều đạt hơn 14 triệu đơn vị; STB giảm 4,2% và khớp 12,89 triệu đơn vị; cổ phiếu tác động mạnh nhất là CTG đã lấy đi hơn 1,1 điểm của chỉ số chung, chốt phiên giảm 2,9% và khớp lệnh 9,1 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận mức giảm hơn 1,%, với sự “đóng góp” của các thành viên gồm SSI, HCM, VND, CTS, VDS cùng giảm hơn 1%, ORS giảm 2,5%, còn lại BSI, TS, VCI, VIX… đều giảm nhẹ.

Các nhóm phân phối bán lẻ, bất động sản, hàng tiêu dùng chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái lại, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn ngược dòng thị trường chung tăng mạnh. Bên cạnh mã lớn FPT tăng 1,5%, các mã khác như ICT tăng 6%, SGT tăng 5,4%, CMG tăng 5,2%, ITD tăng 2,5%...

Nhóm vận tải biển cũng duy trì diễn biến khởi sắc với VOS và VIP đều tăng trần, trong đó VOS khớp hơn 4,3 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,1 triệu đơn vị; VTO tăng 6,3%, VSC tăng 3,2%, HAH tăng 2,9%, PVP tăng 2,4%...

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 cũng giao dịch kém tích cực đã khiến thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 226,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,76triệu đơn vị, giá trị 446,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 56,9 tỷ đồng.

Cũng trong nhóm cảng biển, mã DXP có phiên giao dịch bùng nổ khi tạm dừng phiên sáng nay tăng 7,7% lên mức 12.600 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 với 1,83 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu dệt may TNH cũng ngược dòng thị trường chung khi chốt phiên tăng 1,6% và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 2,73 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu chứng khoán trên HNX chìm trong sắc đỏ, với SHS giảm 0,7% và khớp 2,45 triệu đơn vị, MBS giảm 1,7%, VFS giảm 2,7%...

Trên UPCoM, sau nỗ lực hồi phục nhẹ trong nửa đầu phiên, UPCoM-Index cũng đã quay đầu điều chỉnh cùng thị trường chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,15%), xuống 92,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,85 triệu đơn vị, giá trị 274 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,5 triệu đơn vị, giá trị 4,85 tỷ đồng.

Cũng như sàn HNX, các cổ phiếu dệt may và công nghệ cũng là điểm sáng trên UPCoM. Trong đó, VGT tăng 3,6% với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt gần 2,3 triệu đơn vị; còn VGI tăng 5% với khối lượng khớp 1,45 triệu đơn vị và TTN tăng 7,5% với khối lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR tiếp tục lùi sâu và chốt phiên giảm 1,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 20.900 đồng/CP và khớp gần 1,7 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan