Thị trường vừa có tuần giao dịch đầu tiền của năm 2021 khá ấn tượng. Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường và liên tiếp xác lập mức thanh khoản khủng, đã dẫn dắt đà tăng mạnh của các chỉ số.
Cả 2 chỉ số chính đều ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó VN-Index tăng gần 64 điểm, tương ứng tăng 5,8% và kết thúc tuần tại mức giá 1.167,69 điểm, còn HNX-Index tăng hơn 14 điểm, tương ứng tăng 7% và đóng cửa phiên cuối tuần tại 217,4 điểm.
Theo giới phân tích, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới lập kỷ lục mới trong tháng 12, giá trị khớp lệnh cũng liên tục lập kỷ lục là minh chứng rõ nét cho việc dòng tiền ngắn hạn vẫn đang liên tục đổ vào thị trường bất chấp những cảnh báo rủi ro, điều đó cho thấy sức hút lớn từ hiệu quả đầu cơ trong thời gian qua. Với đà này, khó có thể “dập nguội” sức nóng này chỉ trong một vài phiên.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, rõ ràng khi thị trường tăng quá nóng thì rủi ro tương ứng sẽ đi kèm là chỉ số đảo chiều hoặc điều chỉnh mạnh. Do đó, ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư chỉ nên giữ lại danh mục đang nắm giữ, có thể chốt lời một phần nếu đạt kỳ vọng giá. Không nên mua đuổi đặc biệt tại các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, kiên nhẫn đợi các nhịp điều chỉnh cần thiết để có thể giải ngân trở lại.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 11/1, thị trường không có dấu hiệu hạ nhiệt. Dòng tiền mạnh vẫn cuồn cuộn đổ vào thị trường với tâm thế lo sợ biến cố lại xẩy ra trong phiên giao dịch chiều khiến thanh khoản tăng vọt và VN-Index tiếp tục được kéo lên vùng đỉnh mới.
Nhóm VN30 đóng vai trò là trụ đỡ chính với bộ tứ lớn gồm VHM, VIC, SAB và VNM dẫn dắt cho đà tăng mạnh của thị trường. Chỉ số VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.180 điểm ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu lớn, các mã vừa và nhỏ cũng giao dịch ấn tượng. Đặc biệt là các cổ phiếu họ FLC với ROS, HAI, FLC, AMD, KLF, ART đều khoe sắc tím.
Dòng tiền mạnh vẫn ổn định và lan tỏa thị trường giúp VN-Index tăng vọt lên mốc 1.185 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 284 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index tăng 17,32 điểm (+1,48%), lên 1.185,01 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên kỷ lục sáng cuối tuần trước ngày 8/1, với tổng khối lượng giao dịch đạt 616,77 triệu đơn vị, giá trị 12.997,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,72 triệu đơn vị, giá trị 753,96 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, dòng bank đang giao dịch yếu thế bởi chịu áp lực bán chốt lời. Các mã BID, TCB, EIB, HDB, VPB kết phiên trong sắc đỏ dù chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%; ngược lại các mã VCB, CTG, MBB cũng chỉ nhích nhẹ trong khoảng 0,5%.
Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup đã có phiên giao dịch sáng ấn tượng, với tâm điểm là VHM bùng nổ cả giao dịch và giá khi chốt phiên tại mức giá trần 103.100 đồng/CP, khớp gần 4,2 triệu đơn vị; còn VIC tăng 1,88% lên 113.900 đồng/CP, VRE tăng 2,11% lên 36.250 đồng/CP.
Ngoài ra, một số trụ cột lớn cũng có đóng góp tích cực vào chỉ số chung như VNM tăng 2,95% lên 115.300 đồng/CP, SAB tăng 3,18% lên 204.500 đồng/CP, PLX tăng 3,73% lên 58.300 đồng/CP, GAS và FPT cũng tăng trên 1%...
Một mã giao dịch ấn tượng khác trong nhóm VN30 là cổ phiếu TCH khi xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản sôi động. Tạm chốt phiên sáng nay, TCH tăng 6,9% lên 24.100 đồng/CP và khớp 12,28 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, những mã nóng như FLC, ROS, AMD, HAI vẫn duy trì sắc tím. Trong đó, FLC có khối lượng khớp lệnh lên tới gần 30 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường; còn ROS khớp 20,69 triệu đơn vị và dư mua trần gần 4,3 triệu đơn vị. Các mã khác như HAG, HQC, DXG, HHS… không có được sắc tím nhưng tăng khá tốt cả về giá và thanh khoản.
Trên sàn HNX, sau khi thử thách vùng giá mới 220 điểm, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường hạ độ cao.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 71 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 1,69 điểm (+0,78%), lên 219,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 92,68 triệu đơn vị, giá trị 1.304,21 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15,62 triệu đơn vị, giá trị 284,17 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận 14,97 triệu đơn vị ở mức giá tham chiếu, tương ứng tổng giá trị hơn 277,22 tỷ đồng.
Trong khi dòng bank cũng kém tích cực với SHB điều chỉnh nhẹ, còn NVB đứng giá tham chiếu, thì các cổ phiếu trong nhóm dầu khí có phần tích cực hơn.
Cụ thể, PVB có thời điểm được kéo lên kịch trần và tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 21.200 đồng/CP, tăng 8,72%; PVS tăng 3,9% lên 21.300 đồng/CP, PVC tăng 4,4% lên 9.500 đồng/CP…
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã chứng khoán cũng chịu áp lực bán ra khi các mã SHS, MBS, hay trên HOSE có SSI, HCM, VND, BSI, VCI… cùng điều chỉnh giảm.
Tô điểm cho thị trường cũng là những mà nhỏ với KLF, ART, VIG, ACM, DST… đều tạm dừng tại mức giá trần, trong đó KLF khớp 11,15 triệu đơn vị, chỉ thua SHB dẫn đầu thanh khoản với 14,89 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau khi bị đẩy về sát mốc tham chiếu trong nửa đầu phiên, thị trường đã bật ngược đi lên nới rộng đà tăng điểm.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,72%), lên 76,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,54 triệu đơn vị, giá trị 508,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 63,25 tỷ đồng.
Cũng như trên sàn niêm yết, các mã dầu khí trên UPCoM cũng giao dịch khởi sắc với BSR tăng 8% lên 12.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu, đạt 8,97 triệu đơn vị; OIL tăng 2,42% lên 12.700 đồng/CP.
Ngoài ra các cổ phiếu lớn khác cũng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như MSR tăng 9% lên 25.400 đồng/CP, VGI tăng 11,17% lên 40.800 đồng/CP, VEA tăng 3,47% lên 47.700 đồng/CP, ACV tăng 2,1% lên 82.600 đồng/CP…