Giao dịch chứng khoán sáng 1/11: Dòng tiền đổ vào thị trường cuồn cuộn

Giao dịch chứng khoán sáng 1/11: Dòng tiền đổ vào thị trường cuồn cuộn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền mạnh vẫn ồ ạt chảy vào thị trường giúp VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng điểm và hướng tới đỉnh mới tại 1.450 điểm. Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt tăng mạnh.

Thị trường vừa khép lại 1 tuần giao dịch ấn tượng khi dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index vượt qua vùng đỉnh lịch sử và lập các mức cao mới. Đồng thời, khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng hơn 300 tỷ đồng sau chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp cũng là một điểm tích cực hỗ trợ xu hướng thị trường.

Khi thị trường vượt đỉnh thì câu chuyện đoán đỉnh thường được đặt ra dù không có nhiều ý nghĩa. Trên thực tế chuỗi sóng tăng tạo ra từ tháng 8 năm ngoái cho thấy, khi dòng tiền mới còn đổ vào thị trường thì VN-Index còn tăng, cổ phiếu rẻ và đắt chỉ là khái niệm có tính thời điểm.

Dù vậy, về mặt ngắn hạn thì bài toán đoán đỉnh để tối ưu hóa lợi suất đầu tư với thị trường chung và với từng nhóm ngành, từng mã cụ thể vẫn nên đặt ra. Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường hiện đang nằm trong sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới. Do đó, dư địa tăng là vẫn còn nên trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức đỉnh cao mới, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 1/11, rung lắc đã xảy ra sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Nhưng sự rung lắc này có thể là tạm thời bởi dòng tiền đổ vào thị trường suýt lập kỷ lục mọi thời đại cho 1 phiên giao dịch sáng. Nếu tính về giá trị giao dịch đạt hơn 19.400 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay thì chỉ kém phiên ngày 1/6/2021 (đạt 21.726 tỷ đồng), nhưng về khối lượng thì đã xác nhận kỷ lục với hơn 665 triệu cổ phiếu được sang tay.

Dòng tiền đổ vào quá mạnh khiến việc điều chỉnh chỉ xảy ra với biên độ rất hẹp, và VN-Index không thể giảm dưới mốc tham chiếu. Tất nhiên, nhiều mã đã tăng nóng giai đoạn trước thì không được may mắn như vậy, có tới 227 mã giảm điểm trong phiên sáng nay.

Sự vận động của dòng tiền vẫn rất nhanh nhưng tâm điểm nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm bất động sản vốn không tăng giá nhiều trong giai đoạn từ đáy tháng 7 trở lại đây như HBC, ITA, HQC, FLC...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên tăng điểm để giữ nhịp thị trường. Trong khi nhóm ngành ngân hàng phân hóa, nhóm ngành thép điều chỉnh giảm thì tín hiệu tích cực được phát đi từ nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các mã chính của nhóm này như SSI, HCM, VND đều có sắc xanh tốt ngay từ đầu phiên và duy trì đà tăng đến hết phiên sáng.

Về tổng thể thị trường khi mà lực mua tăng lên quá mạnh, và đặc biệt là lan tỏa đều các mã thì khả năng về một đợt bùng nổ tiếp theo cũng đang rất gần. Đợt này có thể sẽ khác với giai đoạn nửa đầu năm khi dòng tiền chủ yếu hướng tới nhóm "bank, chứng khoán, thép" mà sẽ lan rộng hơn, việc nắm giữa các cổ phiếu chưa tăng điểm mạnh có thể sẽ là lợi thế khi dòng tiền lưỡng lự với nhóm cổ phiếu lớn.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 228 mã tăng và 227 mã giảm, VN-Index tăng 2,44 điểm (+0,17%), lên 1.446,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 682,9 triệu đơn vị, giá trị 19.422,58 tỷ đồng, tăng 13,21% về khối lượng và 10,92% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 29/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,84 triệu đơn vị, giá trị 1.078,91 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng gia tăng sức ép lên thị trường khi sắc đỏ chiếm ưu thế hơn với 15 mã giảm và 12 mã tăng, chỉ số VN30-Index để mất 6,48 điểm.

Trong đó, cổ phiếu POW đã có phiên giao dịch đột biến khi tăng 4,3% và tạm chốt phiên sáng nay tại vùng giá cao nhất 13.200 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt, lên vị trí dẫn đầu thị trường, đạt 23,81 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đóng góp tích cực giúp chỉ số chung duy trì đà tăng điểm phải kể đến một số mã như CTG tăng 1,9%, SSI tăng 1,7%, SAB tăng 1,2%, BVH tăng gần 1%.

Trái lại, cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ VN30 là thuộc nhóm bất động sản – KDH, khi bị chốt lời sau chuỗi dài tăng nóng. Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu KDH giảm 3,2%, xuống mức 49.350 đồng/CP; tiếp theo là cặp MSN và TPB cùng giảm 2,2%.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tạo sức hút lớn trên thị trường. Bên cạnh đột biến POW, các mã khác giao dịch mạnh như HQC tăng sát trần và khớp lệnh 23,46 triệu đơn vị, ITA khớp hơn 19 triệu đơn vị…

Cặp đôi nhà FLC cũng giao dịch khởi sắc với FLC tăng 2,9% lên mức 12.450 đồng/CP và thanh khoản cũng sôi động với gần 15,5 triệu đơn vị khớp lệnh; ROS tăng 3,2% lên 5.780 đồng/CP và khớp 11,87 triệu đơn vị.

Hay nhiều mã khác như LDG, SJFF, IDI, TBC, TNI, TLD… kết phiên trong sắc tím.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu vua vẫn chưa bình phục khi sự phân hóa tiếp tục diễn ra.

Trong khi BID, TCB, HDB, STB, SHB nhích nhẹ trên dưới 0,5%; CTG duy trì mức tăng 1,9%; đặc biệt các mã top sau tăng mạnh như EIB tăng 4%; MSB và LPB đều tăng hơn 2%; thì VCB, VPB, VIB vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm nhẹ trên dưới 0,5%, ACB và SSB cùng mất hơn 1%, TPB là mã giảm mạnh nhất của ngành khi để mất 2,23% và chốt phiên sáng đứng tại mức giá 43.850 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục có thêm phiên mất điểm khi đồng loạt HPG, HSG, TLH, NKG, POM, SMC đều giảm trên dưới 2%.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm nóng trong phiên sáng nay. Không còn mã chứng khoán nào giao dịch dưới mốc tham chiếu, sắc xanh đã lan tỏa và đặc biệt 3 mã VIX, TVC, IVS vẫn giữ vững sắc tím.

Hầu hết các cổ phiếu chứng khoán đều tạm dừng phiên sáng tại vùng giá cao nhất ngày, trong đó, các mã lớn đầu ngành như SSI tăng 1,7% lên 41.200 đồng/CP, HCM tăng 2,4% lên 39.100 đồng/CP, VCI tăng 5,6% lên 67.700 đồng/CP, VND tăng 3% lên 58.700 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn duy trì sắc nóng, với nhiều mã như DC4, HBC, SGR tăng trần; HQC, ITA, PHC tăng sát trần…

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục tăng tốc và hướng đến mốc 420 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 123 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index tăng 6,48 điểm (+1,57%), lên 418,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,87 triệu đơn vị, giá trị 2.274,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,12 triệu đơn vị, giá trị 33,36 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng trên HNX cũng đua nhau dậy sóng, trong đó, SHS tăng 3,4% lên 39.800 đồng/CP; MBS tăng 3,7%, BVS tăng 2,7%, APS tăng 8,33%, ART tăng hơn 3%, VIG tăng 7,37%, TVC tăng 8,29%…

Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của nhóm chứng khoán cũng dẫn đầu thị trường với SHS khớp hơn 6,6 triệu đơn vị, ngoài ra, nhiều mã khác cũng giao dịch thành công một vài triệu đơn vị như TVC, APS, ART, MBS, VIG…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều mã trong ngành thuộc nhóm HNX30 tăng mạnh như NRC tăng 9,9% lên mức giá trần 24.400 đồng/CP, L14 tiếp tục bốc đầu khi tăng 9,2% lên 217.400 đồng/CP VC3 tăng 7,7% lên 36.500 đồng/CP…

Tuy nhiên, đã có một số mã trong nhóm này chịu áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh như NDN giảm 2,1% xuống 23.800 đồng/CP, HUT giảm 1,5% xuống 12.800 đồng/CP, DTD và IDC điều chỉnh nhẹ chưa tới 0,5%...

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,38%), lên 105,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,68 triệu đơn vị, giá trị 1.477,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị 24,86 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí OIL và BSR là tâm điểm giao dịch của thị trường UPCoM. Trong đó, OIL tăng đột biến 6,9% lên mức 17.000 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 6,7 triệu đơn vị; còn BSR tiếp tục xác lập đỉnh mới khi có thời điểm leo lên 25.500 đồng/CP và chốt phiên tăng 1,2% lên mức 24.900 đồng/CP, thanh khoản đạt 6,56 triệu đơn vị.

Các mã giao dịch sôi động khác như HHV khớp 5,52 triệu đơn vị, KSH khớp 5,47 triệu đơn vị, VHG khớp 4,59 triệu đơn vị, VGT khớp 3,98 triệu đơn vị… Chốt phiên sáng, các mã này đều có được sắc xanh.

Tin bài liên quan