Giao dịch chứng khoán sáng 10/6: Đe dọa mốc 1.300 điểm, nhóm cổ phiếu than nóng trở lại

Giao dịch chứng khoán sáng 10/6: Đe dọa mốc 1.300 điểm, nhóm cổ phiếu than nóng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sắc xanh chỉ kịp le lói và nhanh chóng dập tắt trước áp lực bán dâng cao về cuối phiên khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.300 điểm. Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu than nóng trở lại.

Đối với góc nhìn kỹ thuật và ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.300 điểm là mục tiêu đầu tiên của sóng hồi b, đồng thời cũng là ngưỡng cản tâm lý của thị trường.

Tuy nhiên, phiên bùng nổ vượt mốc 1.300 điểm vào ngày 8/6 diễn ra với khối lượng chưa thực sự thuyết phục và VN-Index cũng suy yếu dần về cuối phiên, cho thấy khả năng bứt thoát hẳn tạo ra một giai đoạn tăng mới của thị trường là chưa thực sự rõ ràng và VN-Index có thể test lại ngưỡng kháng cự này.

Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã retest ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, đồng thời thanh khoản giảm mạnh không phải là tín hiệu xấu khi biên độ dao động của VN-Index cũng khá hẹp, bên cạnh đó độ rộng thị trường cũng ở mức cân bằng.

Theo KBSV, mặc dù VN-Index có thể còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh rung lắc trong phiên kế tiếp, nhưng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục sau đó vẫn tiếp tục được đánh giá cao.

Tại buổi Talkshow CHỌN DANH MỤC kỳ 7 với chủ đề “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều 9/6, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ, thị trường đã trải qua giai đoạn giảm khốc liệt tháng 4-5 và hiện đang hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sau thời gian dài giảm sâu, lượng nhà đầu tư thua lỗ lớn chỉ mong muốn được về bờ, điều này khiến thị trường hồi phục sẽ trở nên khó khăn hơn.

"Tôi dự đoán về xu hướng thị trường trong tháng 6 sẽ tăng, nhưng với biên độ không quá lớn. Chỉ số VN-Index sẽ biến động ở vùng giá 1.300 - 1.328 điểm, hoặc cao hơn có thể vượt 1.400 điểm", ông Minh nhận định.

Bên cạnh đó, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) chia sẻ trong phiên thảo luận với chủ đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vượt ghềnh” diễn ra ngày 8-9/6 rằng: “Mặt bằng giá hiện nay rẻ, thậm chí là rất rẻ”.

Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn không mấy tích cực khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/6. Lực bán dâng cao ngay khi mở cửa khiến VN-Index nhanh chóng mất mốc 1.300 điểm trong bối cảnh sắc đỏ bao phủ trên diện rộng thị trường.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hồi phục của một số mã bluechip như TCB, BVH, GVR, đã giúp VN-Index bật nhẹ lên trên vùng giá 1.300 điểm và biến động lình xình dưới mốc tham chiếu.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, trong khi thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ khi số mã giảm trên sàn HOSE vẫn gấp đôi số mã tăng, nhưng sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là đà tăng tốc của TCB, đã giúp VN-Index lấy lại thăng bằng và le lói sắc xanh.

Sắc xanh chỉ kịp le lói trong thời gian ngắn và nhanh chóng quay đầu điều chỉnh do lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán thường trực lớn và lan rộng thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 116 mã tăng và 309 mã giảm, VN-Index giảm 6,49 điểm (-0,5%), xuống 1.301,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 294,66 triệu đơn vị, giá trị 8.355,11 tỷ đồng, tăng 7,89% về khối lượng và 8,54% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,77 triệu đơn vị, giá trị 719,72 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng đuối sức về cuối phiên sau nhịp hồi nhẹ khi để mất hơn 4 điểm, với sự ghi nhận 17 mã giảm. Trong đó, một số mã để mất sắc xanh như POW, PDR, ACB, MWG, ACB, hay PNJ và SSI lùi sâu hơn về vùng giá thấp nhất trong phiên khi cùng để mất 1,9%. Các mã lớn khác như GAS, CTG, FPT, BID, PLX cũng giảm hơn 1%.

Đáng chú ý là POW sau 4 phiên tăng mạnh đã gặp áp lực chốt lời khá lớn về cuối phiên và quay đầu giảm 2,83%, tạm dừng phiên sáng nay ở vùng giá thấp 15.450 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn sôi động với 14,62 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là ITA bất ngờ giao dịch bùng nổ và có thời điểm kéo trần. Tạm chốt phiên sáng nay, ITA tăng 4,6% lên mức 12.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 15,39 triệu đơn vị.

Cũng lội ngược dòng ngoạn mục khi mở cửa ở mức giá đỏ và dần hồi phục mạnh với thanh khoản tăng vọt là GEX. Chốt phiên sáng, GEX tăng 4% lên mức 24.450 đồng/CP và khớp hơn 14,8 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank là nhân tố chính khiến thị trường giật lùi khi sắc đỏ có phần chiếm áp đảo hơn, trong đó BID và CTG giảm trên dưới 1,5%, các mã khác là MBB, ACB, VIC, SSB, MSN, SHB, OCB, LPB đều giảm trên dưới 0,5%. Cổ phiếu TCB vẫn là điểm sáng ngành dù biên độ tăng thu hẹp khi chốt phiên tăng 2,54% lên 38.350 đồng/CP, cùng VCB, HDB, EIB nhích nhẹ.

Nhóm chứng khoán có phần tiêu cực hơn khi chỉ còn VIX nhích nhẹ chưa tới 1 bước giá, còn lại đều phủ kín sắc đỏ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép trở lại lình xình với HPG và NKG xanh nhạt, trong khi HSG và SMC cũng giảm nhẹ trên dưới 1%, còn POM và TLH đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm bất động sản, điểm sáng vẫn là các mã bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ITA tăng vọt, cổ phiếu KBC cũng khởi sắc khi tăng 2,68% lên 46.000 đồng/CP, SZL tăng 3,66% lên 59.400 đồng/CP, D2D tăng nhẹ…

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giao dịch giằng co, lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường về vùng giá thấp nhất.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 57 mã tăng và 140 mã giảm, HNX-Index giảm 2,83 điểm (-0,91%) xuống 309,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,95 triệu đơn vị, giá trị 1.053,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,48 triệu đơn vị, giá trị 472,52 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là gánh nặng chính của thị trường khi chỉ còn 7 mã giữ được sắc xanh, trong đó BCC tăng 2,9%, VC3 tăng 1,1%, HUT tăng 1%, còn VNR, NVB, PLC, THD nhích nhẹ chưa tới 0,5%.

Trái lại có tới 22 mã trong rổ này giảm điểm, đáng kể là LAS giảm 4,9%, TAR giảm 3,8%, PVS giảm 3,4%, CEO giảm 3,2%, SHS giảm 2,7%...

Trong đó, PVS là mã giao dịch sôi động nhất của sàn HNX với hơn 8,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo đó là SHS khớp 4,15 triệu đơn vị và HUT khớp 3,54 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF rung lắc và chốt phiên ở mốc tham chiếu 3.700 đồng/CP với thanh khoản vẫn nằm trong top 5 khi đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Điểm sáng trên sàn HNX thuộc về nhóm cổ phiếu than, trong đó NBC tăng 7%, TVD tăng 1,6%, TC6 tăng 7,5%, TDN tăng 3,2%, MDC tăng 2,4%...

Trên UPCoM, thị trường cũng không giữ được sắc xanh mà quay đầu giảm nhẹ trước áp lực bán gia tăng về cuối phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,27%), xuống 94,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,3 triệu đơn vị, giá trị 814,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,35 triệu đơn vị, giá trị 8,18 tỷ đồng.

Cũng như các cổ phiếu khác trong ngành dầu khí, BSR chốt phiên sáng nay giảm 3,4% xuống 31.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 15,32 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, cổ phiếu SBS và KHB đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản với khối lượng khớp lệnh hơn 2,3 triệu đơn vị. Chốt phiên, SBS tăng 1,8% lên 11.600 đồng/CP, KHB tăng 14,3% lên mức giá trần 3.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần gần 210.000 đơn vị.

Tin bài liên quan