Giao dịch chứng khoán sáng 10/5: Thị trường chìm trong sắc đỏ, nhiều mã công nghệ vẫn "khỏe"

Giao dịch chứng khoán sáng 10/5: Thị trường chìm trong sắc đỏ, nhiều mã công nghệ vẫn "khỏe"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng ở nhóm VN30 đã lan rộng ra thị trường khiến VN-Index nới rộng đà giảm điểu. Trong bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi, nhiều cổ phiếu công nghệ vẫn đua nhau tăng tốt.

Thị trường đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ trong phiên 9/5 sau chuỗi 6 phiên khởi sắc liên tiếp. Chỉ số VN-Index kết phiên hình thành mẫu nến “Spinning” thân dài và biên độ nến tương đối rộng cho thấy sự giằng co dữ dội giữa bên mua vào bên bán. Diễn biến này khá bình thường và không quá tiêu cực khi trên thị trường vẫn có những cổ phiếu của những nhóm ngành vượt đỉnh tăng giá và nhịp điều chỉnh có thể là cú lấy đà để tiếp tục đi lên.

Theo TVSI, với việc đã có phiên bùng nổ xác nhận đáy, chỉ số đang trong xu hướng tăng giá ngắn hạn và đang có dấu hiệu tích cực dần với thanh khoản cao trong phiên tăng điểm và thấp trong phiên điều chỉnh. Thị trường vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng và VN-Index có thể có nhịp kiểm tra lại vùng đỉnh thiết lập trong tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, VN-Index sẽ sớm gặp phải thử thách kế tiếp tại vùng cản quanh 1.260 (+/-10) điểm, vốn được xem là chốt chặn quan trọng cần vượt qua để có thể củng cố thêm cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 10/5, VN-Index đã sớm lấy lại sắc xanh ngay khi mở cửa nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip.

Nhưng trong bối cảnh lực đỡ khá yếu và dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát, đã khiến VN-Index khó tiến xa và chỉ số này nhanh chóng quay đầu. Chỉ số VN-Index dần chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu dưới sự phân hóa của thị trường chung.

Các nhóm ngành cũng đều biến động tăng giảm trong biên độ dưới 1%, trong đó nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán đang trong xu hướng điều chỉnh nhẹ.

Điểm sáng thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu công nghệ. Bên cạnh cổ phiếu ELC sớm khoe sắc tím và sau gần 90 phút giao dịch đang dư mua trần 0,7 triệu đơn vị với khối lượng khớp hơn 2,5 triệu đơn vị, một mã khác trong ngành là SGT cũng trong trạng thái dư mua trần cùng thanh khoản sôi động hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, CMG có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng hơn 5%, FOX tăng 1,3%, mã lớn của ngành là FPT cũng giữ được sắc xanh trong bối cảnh hầu hết các mã trong rổ VN30 đều đảo chiều giảm.

Áp lực bán gia tăng và lan rộng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index tạm dừng tại mốc 1.240 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 98 mã tăng và có tới 324 mã giảm, VN-Index giảm 8,63 điểm (-0,69%), xuống 1.2440,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 274,36 triệu đơn vị, giá trị 6.745,78 tỷ đồng, giảm 22,67% về khối lượng và 28,37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 26,1 triệu đơn vị, giá trị 604,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ khi toàn bộ đều mất điểm, dù biên độ giảm không quá lớn với MWG và VRE giảm mạnh nhất là hơn 2%, chốt phiên nhóm này giảm hơn 10 điểm và về sát mốc 1.270 điểm.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu TCH cũng hạ độ cao nhưng vẫn là điểm sáng của thị trường khi chốt phiên tăng 2,5% lên mức 18.650 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu với 10,55 triệu đơn vị khớp lệnh. Một mã sáng khác của nhóm bất động sản là PDR, chốt phiên tăng 3,3% lên mức 25.050 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với hơn 5,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, trong nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu APH cũng ghi nhận phiên khởi sắc dù không giữ được sắc tím. Chốt phiên, APH tăng 6,8% lên sát trần 9.060 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng ở vị trí thứ 5 toàn thị trường, đạt gần 6 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm đều chuyển đỏ, trong đó với đà giảm khá mạnh của MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ trở thành nhóm giảm mạnh nhất đạt gần 2%.

Các nhóm sản phẩm cao su, chế biến thủy sản, sản xuất hàng gia dụng, dịch vụ tư vấn hỗ trợ, vật liệu xây dựng, khai khoáng, nông lâm ngư đều giảm hơn 1%. Nhóm lớn ngân hàng và chứng khoán cũng nới rộng biên độ nhưng mức giảm chỉ trong khoảng 0,5-1%.

Toàn thị trường chỉ còn vài ba nhóm ngành giữ được sắc xanh. Trong nhóm, nhóm công nghệ chớm chuyển đỏ do sự điều chỉnh của mã lớn FPT giảm 0,7%, trong khi ELC và SGT vẫn giữ sắc tím và dư mua trần, CMG vẫn tăng khá tốt hơn 4,1%, TTN tăng gần 7%...

Trên sàn HNX, sau diễn biến nửa đầu phiên rung lắc, thị trường cũng giật lùi và nới rộng biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 49 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,51%) xuống 233,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,58 triệu đơn vị, giá trị 635,7 tỷ đồng, giảm 15,76% về lượng và hơn 29% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thoả thuận có thêm 3,83 triệu đơn vị, giá trị 126,1 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng là nhân tố chính khiến thị trường mất điểm. Trong đó, SHS chốt phiên giảm 1,1% và khớp lệnh dẫn đầu thị trường với 6,98 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS giảm 0,7%, HUT và MBS cùng giảm 1,1%, IDC giảm 2,2%...

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu TAR đã hồi phục nhờ lực cầu sôi động, thậm chí có thời điểm kéo trần thành công. Chốt phiên, TAR tăng 3,8% lên mức 5.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, với gần 5,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, cặp đôi nhỏ AMV và MST cũng có phiên ngược dòng thị trường chung, chốt phiên lần lượt tăng 2,9% và 3,8%.

Trên UPCoM, thị trường cũng “đi” giật lùi.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,65%) xuống 91,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,72 triệu đơn vị, giá trị 249,71 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 4,32 triệu đơn vị, giá trị 63,13 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH vẫn là tâm điểm của thị trường dù không giữ được sắc tím. Chốt phiên, AAH tăng 4,5% lên mức 4.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 3,68 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR và DDV lần lượt giảm 2,1% và 3,7%, với khối lượng giao dịch đạt trên dưới 2 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan