Trong phiên hôm qua (9/4), mặc dù có những rung lắc, nhưng các mã bluechip đã làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, hỗ trợ tốt giúp các chỉ số lấy lại đà tăng và kéo dài chuỗi tăng giá lên 7 phiên liên tiếp.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài rút ròng hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên giao dịch. Chỉ tính riêng trong 6 phiên đầu tháng 4, khối ngoại đã rút ròng tới hơn 2.310 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt.
Một trong những thông tin đáng tích cực là việc Trung tâm Lưu ký (VSD) vừa công bố số liệu tài khoản nhà đầu trong nước mới mở tăng kỷ lục cùng số nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch vẫn không ngừng tăng trong tháng 3 vừa qua. Điều này cho thấy chứng khoản vẫn luôn là một lênh đầu tư hấp dẫn và kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đón nhận dòng tiền tham gia sôi động hơn.
Theo nhận định của BVSC, xu hướng hồi phục của VN-Index vẫn đang được duy trì với đích đến 780-820 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần và hiện đang tiệm cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này có thể khiến chỉ số gặp áp lực chốt lời mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp.
Đúng như nhận định trên, Với những diễn biến và phân tích trên, thị trường mở cửa phiên sáng 10/4 đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán chốt lời gia tăng. Hầu hết các bluechip chịu sức ép bán ra và rơi xuống dưới mốc tham chiếu, đã gia tăng gánh nặng, nhanh chóng đẩy VN-Index về sát mốc 750 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ sau khoảng 35 phút giao dịch, thị trường đã lấy lại sắc xanh. Trong đó, các mã bluechip như SAB, VCB, BVH, VRE, SSI… giao dịch khởi sắc, đặc biệt là cặp đôi cổ phiếu hàng không HVN và VJC tăng trần, đã tác động tích cực tới thị trường.
Với dòng tiền chưa đủ mạnh cùng diễn biến phân hóa của thị trường khiến chỉ số VN-Index trở lại trạng thái rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc 760 điểm.
Điểm nóng thị trường vẫn thuộc về ROS. Trong khi nhiều mã vừa và nhỏ quay đầu trước áp lực bán chốt lời thì ROS tiếp tục mở cửa trong sắc tím cùng lượng khớp lệnh đến hàng chục triệu đơn vị và dư mua trần chất đống.
Sau đó, lực bán có dấu hiệu gia tăng sau 2 phiên tăng trần cũng khiến ROS có nhịp rung lắc. Tại thời điểm 10h20, cổ phiếu ROS đứng giá tham chiếu 4.280 đồng/CP và đã khớp lệnh tới hơn 45 triệu đơn vị.
Một trong những thông tin đáng chú ý tại ROS là dù vẫn là cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ 51,31% vốn nhưng ông Trịnh Văn Quyết vừa được HĐQT Công ty thông qua đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty. Đồng thời, HĐQT Công ty cũng vừa chấp thuận chủ trương sáp nhập ROS vào GAB.
Mặc dù diễn biến thị trường khá phân hóa nhưng một số bluechip tăng tốt, đặc biệt là cổ phiếu ngành hàng không, đã hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường, giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua vùng giá 760 điểm trong phiên giao dịch sáng cuối tuần.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 168 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 2,16 điểm (+0,28%), lên 762,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 196 triệu đơn vị, giá trị 2.441,34 tỷ đồng, tăng 16,6% về khối lượng và 7,52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,66 triệu đơn vị, giá trị 642,22 tỷ đồng, trong đó đáng kể là SJS thỏa thuận 15,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 250 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu ngành hàng không đã được “chắp cánh” trong phiên sáng nay. Bên cạnh VJC +7% lên mức giá trần 109.100 đồng/CP, HVN cũng đã duy trì sắc tím và chốt tại mức giá 22.050 đồng/CP với khối lượng khớp 2,15 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,32 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số bluechip khác cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường như CTG, VCB, VRE, PLX tăng nhẹ trên dưới 0,5%, HPG +1,3% lên 18.800 đồng/CP, MSN +3,5% lên 61.500 đồng/CP, SAB +3% lên 144.200 đồng/CP.
Trái lại, nhiều mã lớn đã đảo chiều giảm sau nhiều phiên khởi sắc nhưng biên độ giảm khá hẹp chỉ trên dưới 1% như BID, BVH, VIC, VHM, VNM…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS khá rung lắc sau 2 phiên tăng trần và đã có thời điểm bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu do áp lực chốt lời gia tăng. Chốt phiên giao dịch, ROS tăng nhẹ chưa tới 1%, tạm đứng tại mức giá 4.320 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 55,74 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ khác như AMD, FLC, PVD, HAI, HAG, HQC… đều giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, AMD ngấp nghé giá sàn khi -6% xuống 2.800 đồng/CP, thanh khoản đứng thứ 2 trên sàn HOSE với khối lượng khớp gần 6,8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc trong nửa đầu phiên, thị trường đã bật tăng khá tốt nhờ sự dẫn dắt của một số bluechip.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HNX có 36 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 1,76 điểm (+1,68%), lên 106,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 259,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,43 triệu đơn vị, giá trị 7,38 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu SHB và SHS là điểm sáng của thị trường. Trong khi SHS xác lập giá trần 8.200 đồng/CP với khối lượng khớp 2,58 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,54 triệu đơn vị, thì SHB +8,5% lên mức giá cao nhất phiên và tiến sát trần, tạm đứng tại mức giá 17.800 đồng/CP, khớp lệnh 2,62 triệu đơn vị.
Trái lại, sau 6 phiên tăng vọt, cổ phiếu PVS đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm 1,6%, xuống mức 12.100 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, đạt 4,45 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là HUT khớp 3,28 triệu đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 1.500 đồng/CP.
Trên thị trường UPCoM, áp lực bán cũng gia tăng khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh sau phiên hồi phục hôm qua (9/4).
Chốt phiên giao dịch sáng, UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,31%), xuống 50,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 9,12 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu dầu khí là BSR và OIL dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM. Trong đó, BSR chuyển nhượng thành công 2,83 triệu đơn vị và tạm chốt phiên sáng tại mốc tham chiếu 5.800 đồng/CP, còn OIL +1,56% lên 6.500 đồng/CP.