Thông tin đáng chú ý với các thành viên thị trường chứng khoán chính là buổi làm việc của Bộ Tài chính với Tập đoàn FPT trong chiều qua (9/3) do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì để àn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.
Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định, giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Tại buổi làm việc, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, thông tin này lại không tác động nhiều tới tâm lý nhà đầu tư khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.
Thị trường mở cửa phiên với thanh khoản 15 triệu đơn vị, giá trị hơn 320 tỷ đồng, thị trường khá cân bằng và VN-Index chỉ nhích nhẹ. Thanh khoản sau đó tăng lên nhanh, nhưng VN-Index và các mã trụ lại lình xình trong biên độ hẹp.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, lực bán diễn ra mạnh hơn khiến nhiều mã quay đầu, số mã giảm nhiều dần lên, trong khi số mã tăng ít đi. Càng giao dịch, độ rộng của thị trường nghiên hẳn về số mã giảm khi sắc đỏ gấp hơn 2 lần sắc xanh và VN-Index giảm hơn 6 điểm về vùng 1.155 điểm.
Tuy nhiên, trên thị trường cũng có một vài mã đáng chú ý, đặc biệt là NVT. Mở cửa với mức giảm rất mạnh 6,83% về sát giá sàn 9.550 đồng (giá sàn 9.540 đồng), nhưng rất nhanh chóng, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lượng dư bán đã được hấp thụ hết, kéo mã này tăng vụt lên mức trần 10.950 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Ngoài NVT, có thêm 9 mã khác tăng trần là CIG, NHA, SGR, VTB, HAP, EVG, MIG, BFC và đặc biệt là tân binh VCA của Công ty cổ phần Thép Vicasa - VNSteel khi tăng kịch biên độ 20% lên trần 15.700 đồng trong phiên chào sàn hôm nay. Tổng khớp hơn 116.000 đơn vị và còn dư mua giá trần gần 453.000 đơn vị.
Nhờ dòng tiền chảy mạnh giúp nhiều mã hồi phục trở lại và kéo VN-Index cũng lấy lại sắc xanh.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 4,39 điểm (+0,38%), lên 1.166,36 điểm với 232 mã tăng và 217 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 502,2 triệu đơn vị, giá trị 12.411,2 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 87 triệu đơn vị, giá trị 2.861 tỷ đồng, đặc biệt là khối ngoại giao dịch nội khối theo phương thức thỏa thuận lên tới 77,9 triệu cổ phiếu ACB, giá trị 2.492 tỷ đồng.
Nhóm bluechip có sự phân hóa, nhưng biên độ dao động không lớn. Trong đó, tăng mạnh nhất là OCB với mức tăng 5,23% lên 24.150 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị. Tiếp đến là ACB tăng 2,03% lên 32.700 đồng, khớp 9,1 triệu đơn vị. FPT tăng 2% lên 76.500 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị.
Trên một số diễn đàn, một số nhà đầu tư cho biết, họ đăng mua FPT để bày tỏ sự ủng hộ với việc tập đoàn này tham gia giải quyết sự cố kỹ thuật nghẽn lệnh của sàn HOSE.
Trong khi đó, sau khi FPT lên tiếng sẽ khắc phục tình trạng lỗi kỹ thuật trên HOSE trong 3 - 4 tháng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI đã viết dòng trạng thái trên facebook cá nhân rằng: “Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Ủy ban chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?”.
Nhiều nhà đầu tư đã phản ứng với dòng trạng thái này của ông Hưng và nhiều người cho rằng, việc cổ phiếu SSI bị bán mạnh đầu giờ sáng nay là do nhà đầu tư phản ứng với tút này của ông Hưng. Đầu phiên, lực bán mạnh khiến SSI có lúc giảm hơn 2%, nhưng nhờ lực cầu hoạt động tốt sau đó giúp mã này dần hồi phục, đóng cửa phiên sáng nay chỉ giảm nhẹ 0,61% xuống 32.850 đồng, khớp 8,47 triệu đơn vị.
Vì sao câu hỏi "trách nhiệm" của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI dậy sóng thị trường chứng khoán?
Các mã còn lại chỉ trên dưới 1%, chủ yếu tăng dưới 1%. Trong khi các mã giảm cũng chỉ chủ yếu trên dưới 1%.
Có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay là HNG và POW đều hơn 18 triệu đơn vị và cùng đóng cửa tăng giá. Trong đó, HNG tăng mạnh 3,4% lên 12.100 đồng, còn POW hồi phục nhẹ 0,7% lên 13.700 đồng.
Tiếp theo là MBB và STB với hơn 15,2 triệu đơn vị và 14,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng lần lượt 1,8% lên 27.800 đồng và 1,1% lên 18.750 đồng.
Trên HNX, chỉ số chính của sàn này cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu giống như đồ thị biến động giá của TDH, trước khi có mức tăng nhẹ khi đóng cửa phiên theo như mức tăng của cổ phiếu có vốn hóa chi phối trên sàn này.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,59 điểm (+0,22%), lên 265,41 điểm với 85 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,3 triệu đơn vị, giá trị 1.380 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 103 tỷ đồng.
THD tăng 0,4% lên 201.800 đồng, thanh khoản thấp, chỉ hơn 215.000 đơn vị. Trong khi các mã bluechip khác có sự phân hóa. Trong đó, PVS giảm 1,3% xuống 23.700 đồng, khớp 10,7 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. Trong khi SHB tăng nhẹ 0,6% lên 15.800 đồng, khớp 8,85 triệu đơn vị. NVB tăng 2% lên 15.400 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có diễn biến giằng co nhẹ trong phiên sáng nay và đóng cửa UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,56%), lên 79,98 điểm với 117 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 576,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 7,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 15.700 đồng.
Ngài BSR, 2 mã ngân hàng trên thị trường này sáng nay có thanh khoản khá tốt là BVB với 2,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3% lên 13.700 đồng và ABB khớp 1,65 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,5% lên 13.900 đồng.