Giao dịch chứng khoán sáng 10/2: Cổ phiếu khoáng sản "ngược dòng" tiếp tục tỏa sáng

Giao dịch chứng khoán sáng 10/2: Cổ phiếu khoáng sản "ngược dòng" tiếp tục tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chung đảo chiều giảm sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, thì nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn "lội ngược dòng" tiếp tục tỏa sáng.

Mặc dù không thuận lợi trong phiên khai Xuân Ất Tỵ (ngày 3/2), nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và liên tục hồi phục để khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2/2025 khởi sắc trong bối cảnh thanh khoản cải thiện.

Diễn biến chung đang có những tín hiệu khá tích cực, nhưng việc VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.270 – 1.280 điểm khi đà tăng đã có phần chững lại ở những phiên cuối tuần qua, khiến thị trường không loại trừ áp lực rung lắc có thể sẽ gia tăng, đặc biệt là khi chỉ số chung đã trải qua 4 phiên tăng điểm liên tiếp.

Về xu hướng kỹ thuật, phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/2 cho thấy, chỉ số chung vận động bám sát đường biên trên dải Bollinger band, chỉ báo CMF tiếp tục hướng lên trên cho thấy cung-cầu vẫn cân bằng giúp điểm số chung ổn định tại khu vực đỉnh cũ, nhưng đường +DI neo trên mốc 25 trong khi đường ADX ở dưới mốc này, do đó, khả năng thị trường tiếp tục rung lắc trong các phiên tiếp theo là điều khó tránh.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 10/2, không nằm ngoài dự báo trên, thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ và VN-Index đã đảo chiều giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip cùng nhóm trụ cột ngân hàng là những gánh nặng chính của thị trường.

Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch kém lạc quan và có thời điểm VN-Index giảm hơn 10 điểm, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh, đã giúp thị trường bật hồi. Chỉ số VN-Index tiến gần về mốc tham chiếu khi nhóm VN30 trở nên cân bằng hơn và có lúc tăng nhẹ.

Dù chỉ số chung vẫn lấy lại đà tăng điểm, nhưng việc đảo chiều hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi sắc xanh đang ngày càng lan rộng hơn trong nhóm ngành này, đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm lấy cân bằng nếu diễn biến tích cực này được duy trì.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khoáng sản sau tuần bùng nổ đầu tháng 2, tiếp tục ngược dòng thị trường chung và là nhóm tích cực nhất thị trường. Cụ thể, trên sàn HOSE có BMC, LBM, FCM tiếp tục giữ đà tăng trần; trong khi trên HNX có BKC, KSV cũng tăng trần hoặc sát trần…

Mặc dù dòng tiền tham gia sôi động, nhưng áp lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường chung vẫn chìm trong sắc đỏ và nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa thể bứt tốc.

Chốt phiên, sàn HOSE có 132 mã tăng và 314 mã giảm, VN-Index giảm 5,32 điểm (-0,42%) xuống 1.269,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 432,65 triệu đơn vị, giá trị 10.484,3 tỷ đồng, tăng mạnh 76% về khối lượng và 88,66% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 7/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 999 tỷ đồng.

Dòng bank vẫn là tâm điểm của thị trường với các mã STB, TCB, MBB, ACB, SHB đều thuộc top có thanh khoản cao và chốt phiên cùng khởi sắc. Trong đó, STB tăng 2,7% và khớp lệnh đạt gần 15,5 triệu đơn vị, còn TCB, MBB, ACB tăng trên dưới 1% và thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dòng bank không đạt được kỳ vọng của thị trường khi chỉ giữ được đà tăng nhẹ, bởi sự thiếu đồng thuận của mã lớn như VCB và CTG đều giảm nhẹ gần 0,5%, ngoài ra, HDB, VPB, HDB, SSB, OCB cũng điều chỉnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép đều giảm. Cụ thể, ở nhóm thép, cổ phiếu HPG giảm 2,4% và thanh khoản sôi động nhất thị trường đạt 26,15 triệu đơn vị; HSG giảm 3,4% và khớp hơn 8 triệu đơn vị, NKG giảm 3,2%...

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VIX giảm 1,4% với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 10,5 triệu đơn vị, tiếp theo là SSI giảm nhẹ 0,6% và khớp 7,5 triệu đơn vị, VND giảm 1,6%, HCM giảm 0,9%...

Nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông vẫn là nhóm giảm mạnh nhất, trong đó riêng FPT giảm gần 2%, đã lấy đi gần 1 điểm của chỉ số chung; VGI giảm 4,77%, FOX giảm 3,24%, CTR giảm 3,4%, các mã ELC, CMG, FOC, SGT đều giảm hơn 1%...

Trái lại, nhóm khoáng sản vẫn giữ đà tăng mạnh, trong đó BMC để mất sắc tím sau 2 phiên tăng trần nhưng vẫn tăng 6,2%; FCM tiếp tục khoác áo tím, LBM tăng 5,9%...

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng ở nhóm HNX30 đã khiến thị trường đảo chiều giảm trong phiên sáng nay sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 77 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,35%) xuống 228,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,69 triệu đơn vị, giá trị 450,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có giao dịch vượt trội trên thị trường, đạt gần 5,7 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên giảm 1,5% xuống mức 13.400 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh chung của ngành với MBS, APS, EVS, BVS đều giảm hơn 1%.

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu nhóm P giao dịch khởi sắc, với PVS tăng nhẹ 0,3% và khớp 1,56 triệu đơn vị, PVC tăng 3,7% và khớp 1,35 triệu đơn vị, PVB tăng 3% và khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Cổ phiếu khoáng sản trên HNX cũng giữ đà tăng tốt, với BKC vẫn khoe sắc tím, HGM tăng 8,2%, KSV tăng 5,4%, MVB tăng 5,2%...

Ngoài ra, các mã nhỏ như NRC, GKM, DDG vẫn là điểm sáng thị trường khi chốt phiên đều tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh trong khoảng 1-2 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch rung lắc và cũng tạm khép lại phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,08%) xuống 97,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,52 triệu đơn vị, giá trị 451,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,08 triệu đơn vị, giá trị 12,34 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSR tiếp tục nóng hơn và xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp với thanh khoản bùng nổ. Cụ thể, chốt phiên sáng nay, MSR tăng 8,9% lên mức giá 15.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt gần 5,5 triệu đơn vị, gấp 5,5 lần so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây.

Bên cạnh đó, một số mã khởi sắc khác là BVB tăng 1,4% và khớp 2,64 triệu đơn vị, AAH tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 2 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2,6 triệu đơn vị, OIL tăng 2,4% và khớp 1,73 triệu đơn vị…

Tin bài liên quan