Giao dịch chứng khoán sáng 10/11: Thị trường điều chỉnh, dòng tiền chảy mạnh sang cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán sáng 10/11: Thị trường điều chỉnh, dòng tiền chảy mạnh sang cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng gia tăng sức ép khiến thị trường mất điểm, thì dòng tiền sôi động đang hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Phiên bùng nổ theo đà ngày 8/11 đã không mấy thành công khi thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc và may mắn giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng chưa tới 0,5 điểm trong phiên 9/11, tuy nhiên nhà đầu tư được an ủi phần nào khi thị trường tiếp nhận dòng tiền tham gia khá sôi động với mức thanh khoản đạt cao nhất trong 10 phiên gần đây.

Dù thoát hiểm thành công nhưng về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã hình thành nến dạng Inverted hammer và 2 chỉ báo MACD cùng RSI đang ở vùng giá cao, do đó xác suất thị trường xuất hiện điều chỉnh ngắn hạn đã gia tăng.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 10/11, áp lực bán dâng cao ngay từ đầu phiên đã khiến VN-Index mất 10 điểm ngay khi mở cửa.

Tia sáng nhỏ của thị trường chính là lực cầu vẫn tham gia khá tích cực giúp các cổ phiếu không giảm quá sâu. Cụ thể, sau khoảng 90 phút giao dịch, dù số mã giảm gấp gần 4 lần số mã tăng nhưng không có mã nào giảm sàn.

Gánh nặng chính của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu VN30 khi hầu hết đều mất điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm giảm mạnh nhất của thị trường với sắc đỏ bao phủ toàn ngành. Đáng kể là anh cả VCB đang giảm gần 2%, là lực cản lớn nhất của thị trường khi lấy đi gần 2,5 điểm của chỉ số chung.

Trong khi đó, dòng tiền đang hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Điểm nhấn là HAG đang biến động quanh mức giá trần với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất, đạt gần 25 triệu đơn vị; các mã VIX, GEX, PDR đều khởi sắc và thuộc top dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Thị trường khó tránh khỏi phiên giảm điểm trước sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, tuy nhiên đà giảm điểm thu hẹp đôi chút về cuối phiên nhờ sắc xanh được cải thiện trên bảng điện tử.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 121 mã tăng và 378 mã giảm, VN-Index giảm 8,45 điểm (-0,76%) xuống 1.105,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 367 triệu đơn vị, giá trị 7.148,79 tỷ đồng, giảm 35,11% về khối lượng và 37,2% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,38 triệu đơn vị, giá trị 317,43 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 2 mã thoát hiểm thành công là POW tăng 2,6% và SSI tăng 0,6%.

Trong khi có tới 28 mã giảm với biên độ giảm chỉ trên dưới 1%, trong đó SAB và VCB giảm mạnh nhất đều mất 1,7%. Về tác động thị trường, cổ phiếu VCB vẫn là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số chung.

Trái với diễn biến không mấy khả quan của nhóm bluechip, nhiều mã trong nhóm vừa và nhỏ giao dịch sôi động và khởi sắc, như HAG, VIX, GEX, DXG…

Xét về nhóm ngành, ngân hàng tiếp tục giảm mạnh nhất thị trường khi không có mã nào thoát hiểm thành công. Tất cả dòng bank đều chủ yếu giảm trên dưới 1% và giao dịch kém sôi động, đây là nhân tố chính khiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Trong đó, SHB dẫn đầu ngành khi chỉ đạt 6,72 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,3% xuống 11.100 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn le lói sắc xanh, với VIX tiếp tục tỏa sáng và kéo dài chuỗi ngày khởi sắc, chốt phiên tăng 1,9% và khối lượng khớp lệnh đạt 24,68 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu nông lâm ngư đang dẫn đầu xu hướng tăng của thị trường. Dù HAG không giữ được sắc tím nhưng chốt phiên tăng khá tốt 6,47% và thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường với 33,77 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, SSC tăng kịch trần, HNG tăng 4,42%, NSC tăng 1,14%, BAF tăng 1,17%...

Trên sàn HNX, nỗ lực cũng bất thành về cuối phiên khiến thị trường tạm dừng trong sắc đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX có 47 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,41%) xuống 227,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,22 triệu đơn vị, giá trị 839 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị 56,85 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn sôi động nhất thị trường với hơn 14,37 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tiếp tục tăng 1,2% lên mức 17.500 đồng/CP.

Trong khi đó, CEO đảo chiều giảm cùng thị trường khi để mất 1,2% xuống mức 23.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt hơn 7,33 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu nông nghiệp – nhóm gạo – TAR khi có thời điểm áp sát mức giá trần và chốt phiên tăng 6,7% lên mức 9.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,48%) xuống 85,81 điểm với 107 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,34 triệu đơn vị, giá trị 192,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,59 triệu đơn vị, giá trị 2,23 tỷ đồng.

Chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn dẫn đầu với 2,33 triệu đơn vị, chốt phiên đảo chiều giảm 1,1% xuống 18.800 đồng/CP và PVX khớp 1,16 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu.

Tin bài liên quan