Thị trường có tuần giảm thứ 6 liên tiếp và VN-Index đã mất gần 31% kể từ đầu năm, đặc biệt trong tuần đầu tiên của tháng 10 vừa diễn ra, chỉ số này đã “bay hơi” gần 100 điểm, tương ứng giảm gần 10% và đang tiệm cận về mốc 1.000 điểm.
Việc thị trường liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ, trong đó phiên đầu tuần trước 3/10, chỉ số VN-Index đã xác nhận gãy kênh giá sideway down khi không thể giữ được ngưỡng 1.120 điểm, tương ứng với trendline nối các đáy tháng 5 và tháng 7 với nhau.
Bloomberg: Force Sell khiến Việt Nam thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới
Việc gẫy kênh giá này đã khiến cho bức tranh kỹ thuật của VN-Index chuyển biến xấu đi và nếu đo đúng theo target của mẫu hình kể trên thì chỉ số có thể lùi về quanh ngưỡng 950 điểm trong đợt điểm chỉnh này.
Mặc dù thanh khoản trong 2 phiên cuối tuần trước gia tăng, cho thấy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, nhưng diễn biến chưa có sự cải thiện đáng kể và áp lực cung vẫn còn chi phối thị trường.
Theo đánh giá của giới phân tích, hiện thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh và có thể sẽ có sự hồi phục. Tuy nhiên, sự phục hồi chỉ là tạm thời trong ngắn hạn khi mà xu hướng trung hạn vẫn còn xấu bởi áp lực từ những yếu tố như lãi suất, lạm phát, TTCK thế giới vẫn đang xấu, chỉ số đồng USD đang trong xu hướng tăng.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, sau báo cáo việc làm vững chắc trong tháng 9 làm tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục mạnh tăng trong việc tăng lãi suất, gây ra lo ngại sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, đã nhấn chìm phố Wall trong phiên thứ Sáu.
Với những diễn biến không mấy khả quan trên, thị trường chứng khoán trong nước vẫn mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 10/10 trong trạng thái đỏ lửa.
Áp lực bán vẫn khá lớn, đặc biệt là gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip, khiến VN-Index giảm gần 15 điểm ngay khi mở cửa và biến động giằng co quanh mốc 1.020 điểm trong đợt khớp lệnh liên tục.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là gánh nặng chính của thị trường, bị tác động bởi những thông tin tiêu cực trên thị trường cuối tuần trước. Trong đó, cổ phiếu TPB mở cửa nằm sàn và thu hẹp chút ít biên độ, với mức giảm 5,6%, TCB giảm 4,8%, STB, VPB, HDB giảm hơn 2,5%; BID, VIB, VCB… giảm hơn 1%.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giảm sâu như VHM giảm 3%, VNM giảm 2,6%, VIC giảm 1,7%, NVL giảm 3,8%...
Tuy nhiên, điểm sáng đang ngược dòng tích cực là nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong đó, GAS có thời điểm tăng gần 5% và hiện còn tăng 2,3%; PVD tăng 3%, PVS tăng 3,5%, PVC tăng 6,3%, PVB tăng 4,6%, BSR tăng 3,1%...
Nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép khiến VN-Index có thời điểm lùi về sát ngưỡng 1.010 điểm trước khi bật hồi mạnh, tới hơn 20 điểm và tạm dừng phiên sáng nay ở vùng giá 1.030 điểm.
Như vậy, phiên giao dịch sáng nay khá thành công khi chỉ số VN-Index chỉ còn điều chỉnh nhẹ sau pha lao dốc đầu phiên và thanh khoản thị trường vẫn giữ khá tốt với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 7.200 tỷ đồng. Điều này giúp giới đầu tư kỳ vọng hơn vào những nhịp hồi phục sẽ sớm xuất hiện.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 167 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index giảm 5,36 điểm (-0,52%), xuống 1.030,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 372,56 triệu đơn vị, giá trị 7.177 tỷ đồng, giảm 17,94% về khối lượng và 12,34% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 7/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,35 triệu đơn vị, giá trị 1.415,72 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính khi để mất hơn 10 điểm với sự ghi nhận 16 mã giảm và 13 mã tăng.
Trong đó, ở chiều giảm, dù các cổ phiếu ngân hàng đã thoát được mức giá thấp nhất trong phiên, hoặc nhiều mã như TCB, TPB, VPB thoát nằm sàn, nhưng đây vẫn là nhóm giảm mạnh của thị trường. Cụ thể như TCB giảm 5,3%, TPB giảm 4,9%, HDB và VPB cùng giảm 4,6%, STB giảm 3,9%, BID giảm 2,1%, VCB giảm 1,9%...
Bên cạnh đó phải kể đến cặp đôi lớn nhà Vingroup, trong đó VIC giảm 3,2% xuống mức 58.300 đồng/CP, còn VHM giảm 1,9% xuống 52.800 đồng/CP.
Trái lại, cổ phiếu lớn nhóm dầu khí là GAS tiếp tục củng cố đà tăng và lấy lại mức giá cao nhất trong phiên. Chốt phiên, GAS tăng 4,9% lên mức 107.000 đồng/CP. Các mã khác trong nhóm cũng nới rộng biên độ như PLX tăng gần 1%, PVD tăng 4,8% lên 20.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,16 triệu đơn vị.
Ngoài GAS, một số mã lớn cũng đóng góp tích cực giúp thị trường hãm đà rơi như MSN tăng 4%, MWG tăng 3,3%, HPG tăng 2,6%, BVH tăng 1,5%, VNM tăng 1%...
Xét về nhóm ngành, ngoài nhóm dầu khí, một số nhóm ngành cũng ngược dòng thành công như bán lẻ với DGW tăng trần, FRT tăng 4,6%, PET tăng 3,2%, cùng các mã tăng tốt trong nhóm VN30 như MWG, MSN; ở nhóm thủy sản có IDI tăng trần, VHC tăng 5,2%, ACL và ANV cùng tăng 1,7%...
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng đảo chiều hồi phục tích cực. Đáng kể có VCI tăng 6,6% lên sát trần 25.900 đồng/CP, FTS tăng 5% lên 28.600 đồng/CP, HCM tăng 4,1% lên 20.100 đồng/CP, CTS tăng 2,3% lên 13.600 đồng/CP, SSI tăng 2,1% lên 17.150 đồng/CP, BSI tăng 1,5% lên 23.000 đồng/CP…
Nhóm thép cũng giao dịch khởi sắc, trong đó HPG tăng 2,6% lên 18.050 đồng/CP và thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 14,85 triệu đơn vị; HSG có thời điểm tăng trần và chốt phiên tăng 5,5% lên 12.450 đồng/CP; NKG tăng 4,3% lên 15.750 đồng/CP.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 50 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 1,17 điểm (-0,52%), xuống 224,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 585 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giằng co và chốt phiên trong sắc xanh nhạt khi ghi nhận 14 mã tăng, 8 mã giảm và 7 mã đứng giá. Trong đó, cổ phiếu dệt may TNG không giữ được sắc tím nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất +7,9% và chốt phiên đứng tại mức giá 16.300 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh cũng sôi động với xấp xỉ 1,65 triệu đơn vị, đứng thứ 6 về thanh khoản cao trên sàn HNX.
Các mã đáng chú ý khác như HUT tăng 3,5% lên 20.700 đồng/CP, IDC tăng 1,9% lên 44.000 đồng/CP, CEO đứng giá tham chiếu…
Trái lại, NRC thoát nằm sàn nhưng vẫn là mã giảm mạnh nhất -9,2% xuống mức 11.800 đồng/CP; tiếp theo là VCS giảm 7,2% xuống 57.100 đồng/CP, NVB giảm 7,1% xuống 15.700 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu nhóm P trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc, với PVC tăng 6,9% lên 18.600 đồng/CP, PVS tăng 4,8% lên 23.900 đồng/CP, PLC tăng 2,7% lên 22.900 đồng/CP, PVB tăng 5,1% lên 18.400 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hồi phục cuối phiên với MBS tăng 2,6%, APS tăng 1%, SHS tăng 1,2%, VIG tăng 1,9%, BVS tăng 2,3%... Trong đó, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 7,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã giao dịch sôi động khác cũng đều thuộc nhóm HNX30 như PVS khớp 4,65 triệu đơn vị, IDC khớp 2,7 triệu đơn vị, CEO khớp 2,3 triệu đơn vị, HUT khớp 1,8 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng bật ngược đi lên và tiến gần hơn với mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,58%), xuống 79,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15 triệu đơn vị, giá trị 211,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 38,43 tỷ đồng.
Cùng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu dầu khí BSR chốt phiên tăng 3,6% lên mức 20.000 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu với 3,89 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, OIL chốt phiên tăng 1% lên 10.100 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác có thanh khoản tốt trên thị trường là ABB và VHG cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên ABB giảm 3,4% xuống 8.500 đồng/CP, còn VHG đứng giá tham chiếu.