Trong phiên hôm qua, lực bán có thời điểm gia tăng khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi sau giờ nghỉ trưa, khi lực cầu đột ngột gia tăng mạnh vào nhóm thép.
Bảng điện tử sau đó được cải thiện, với nhiều nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán đảo chiều và VN-Index cũng bứt vượt qua đường MA20, lên sát 1.080 điểm.
Mặc dù vậy, lực cung chực chờ bán ở mức giá cao vẫn khá lớn, khiến nhiều mã bị chặn đà tăng, hạ nhiệt và VN-Index theo đó cũng hạ dần độ cao về 1.072 điểm khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 9/2, thị trường sớm chịu sức ép từ một số bluechip và giảm điểm ngay khi mở cửa, trước khi trở lại cân bằng hơn và bảng điện tử bớt tiêu cực, giúp VN-Index trồi nhẹ lên trên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tâm điểm sáng nay là ở một số cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản, với IDI, CMX, ANV, FIT, TSC, ACL đã sớm tăng kịch trần, thanh khoản khớp lệnh phần lớn cũng đang thuộc top cao nhất sàn HOSE, các cổ phiếu cùng ngành khác như VHC, FMC, GIL cũng đang có mức tăng cao hơn 4%.
Phần còn lại phân hóa và đa số biến động nhẹ, như các ngân hàng, thép, công ty chứng khoán, trong đó, hai cổ phiếu ngân hàng STB và TPB đang hút giao dịch nhất trên toàn thị trường.
Vượt lên trên tham chiếu vào giữa phiên, nhưng VN-Index không thể đi xa hơn mà còn đảo chiều giảm trở lại do nhóm bluechip yếu đà, cộng thêm việc thanh khoản “teo tóp”, giao dịch ảm đạm, thiếu sức hút, dòng tiền không mấy mặn mà tham gia vào thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 150 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index có 150 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index giảm 3,82 điểm (-0,36%), xuống 1.068,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 219,5 triệu đơn vị, giá trị 4.040 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,1 triệu đơn vị, giá trị 924 tỷ đồng.
Nhóm các trụ cột bluechip phân hóa mạnh và đa số chỉ biến động nhẹ, như sắc xanh nhạt tại VPB, SSI, TPB, GVR, GAS với mức tăng từ 0,2% đến 1,4% và nổi bật chỉ có PLX khi +3% lên 38.300 đồng.
Ở chiều ngược lại là HPG, VCB, MWG, NVL, TCB, VNM, VIB, VJC, STB…với mức giảm từ 0,2% đến 1,9%, giảm mạnh hơn cũng chỉ còn VHM -2,5% xuống 45.450 đồng và VIC -2,6% xuống 53.000 đồng, với STB phiên này thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 24,7 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là TPB với chỉ hơn 6,8 triệu đơn vị.
Ở các mã vừa và nhỏ, nhóm một số cổ phiếu thủy sản, nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng tốt, với các cổ phiếu ANV, CMX, TSC, FIT, ACL đều giữ vững sắc tím. Trong đó, FIT khớp hơn 5,8 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,8 triệu đơn vị, CMX khớp 4,6 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị, TSC khớp 3,1 triệu đơn vị, ANV khớp 2,1 triệu đơn vị…
Các mã khác trong những nhóm trên tăng tốt còn có IDI +5,8% lên 12.750 đồng, VHC +3,8% lên 67.900 đồng, FMC +3,2% lên 37.500 đồng, GIL +3,1% lên 19.950 đồng…
Phần còn lại gần như chỉ biến động nhẹ, trong đó, các mã thanh khoản cao phân hóa mạnh, với những cái tên TTF, KBC, HHV, PVD, VND, ASM, HSG nhích lên, với ASM là cổ phiếu tăng tốt nhất +4,1% lên 9.910 đồng, còn sắc đỏ bao trùm BCG, VCG, VCI, HCM, VIX, NKG, LCG, DXG và các mã HQC, ORS, LPB, HAG, SHB, DIG đứng tham chiếu, khớp lệnh các mã trên từ gần 1 triệu đến hơn 3,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, bảng điện tử cũng phân hóa mạnh, chỉ số HNX-Index dù phần lớn ở trên tham chiếu nhờ các mã lớn tăng điểm nhẹ, nhưng cũng chịu sức ép nhất định ở cuối phiên và đảo chiều giảm nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 73 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,06%), xuống 210,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,84 triệu đơn vị, giá trị 332 tỷ đồng.
Một vài cái tên nổi bật có TNG +6,6% lên 16.200 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với 3,43 triệu đơn vị, TC6 +8,6% lên 8.800 đồng, DL1 +5,4% lên 3.900 đồng, PVC +3,7% lên 14.000 đồng.
Còn lại, các mã PVS, TAR, IDC, TVD, VC3, NBC, VC7 còn tăng điểm trên dưới 2% và trái lại là CEO, TIG, LIG, BII, IDJ với mức giảm nhẹ, trong khi SHS, NAG, AMV, MBS đứng giá tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm và nới đà đi lên, nhưng sau đó cũng hạ dần độ cao, kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%), lên 76,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,29 triệu đơn vị, giá trị 223,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,65 triệu đơn vị, giá trị 17,1 tỷ đồng.
Dù đa số các mã thanh khoản cao nhất đều tăng, nhưng đa phần chỉ nhích nhẹ, với BSR vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 1,9% lên 16.400 đồng.
Ngay phía sau là DFF của Tập đoàn Đua Fat với 1 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm mạnh 11,9% xuống 14.000 đồng.