Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/4: Nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời, VN-Index giảm hơn 8 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/4: Nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời, VN-Index giảm hơn 8 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dòng tiền vẫn chực chờ hàng giá thấp, nhưng áp lực bán mạnh đã khiến VN-Index điều chỉnh hơn 8 điểm, lùi về sát ngưỡng 1.230 điểm trong phiên sáng nay và đang đứng trước phiên điều chỉnh sau 8 phiên tăng liên tiếp.

Trong phiên hôm qua, áp lực bán chốt lời từ sớm đã khiến thị trường có thời điểm bị đẩy xuống sát 1.230 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy tích cực sau đó đã giúp VN-Index hồi phục.

Với thanh khoản tăng mạnh trong phiên sáng thì phiên chiều cũng không có gì khác lạ so với những gần đây. Theo đó, lực cầu túc tắc vào những phút cuối đã giúp VN-Index tiếp tục phá đỉnh, vượt qua mốc 1.240 điểm đóng cửa.

Theo nhận định của CTCK Kiến Thiết Việt Nam, thì thị trường đang trong một giai đoạn thăng hoa, nhưng biên độ của những phiên tăng điểm gần đây đang ngày càng thu hẹp lại. Điều này cho thấy lực cầu đang có sự chững lại, trong khi lực cung từ dòng tiền chốt lời vẫn đang hiện hữu có thể khiến VN-Index tiếp tục rung lắc và thậm chí là điều chỉnh.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 8/4, bất ngờ đã nhanh chóng diễn ra, chỉ sau 20 phút mở cửa với sắc xanh duy trì tích cực, áp lực bán đã đột ngột dâng cao và lan rộng, khiến VN-Index nhanh chóng thêm một nhịp giảm mạnh gần 10 điểm về 1.230 điểm như phiên sáng hôm qua, trước khi có tín hiệu bật mạnh trở lại và thu hẹp đà giảm đáng kể sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tại các bluechip, hàng loạt các mã lớn đang chìm trong sắc đỏ như VIC, VCB, MSN, VHM, TCB, HPG, CTG, VRE…Đáng kể nhất là TCH, khi có thời điểm giảm mạnh nhất rổ VN30 với biên độ 3,4%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã đã giảm nhanh về mức giá sàn như VOS, QBS, EVG, SJF, DAH, SVD, LGL, RIC...

Họ cổ phiếu FLC cũng không tránh khỏi sức ép chung và đều giảm sâu, trong đó FLC và HAI có thời điểm còn chạm mức giá sàn, trong khi ROS và AMD cũng giảm từ 4% đến hơn 5%, với FLC đang khớp lệnh cao nhất HOSE, hơn 24,5 triệu đơn vị.

Tưởng chừng đà hồi phục sẽ tiếp diễn khi VN-Index tiến rất nhanh về 1.240 điểm, tuy nhiên, áp lực bán lại gia tăng khiến chỉ số thêm một lần thoái lui về gần cuối phiên.

Nhà đầu tư thêm một lần ngóng chờ lực mua quay trở lại như những nhịp giảm sâu nhanh chóng được kéo lên gần đây, nhưng trong nửa giờ còn lại của phiên sáng, thị trường đã nghẽn lệnh, không còn phải cần “đợi” đến phiên chiều, khiến VN-Index chỉ bò ngang quanh vùng giá thấp cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 152 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index giảm 8,42 điểm (-0,68%), xuống 1/233,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 598,7 triệu đơn vị, giá trị 12.927,5 tỷ đồng, giảm hơn 9% về giá trị và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,1 triệu đơn vị, giá trị 405,3 tỷ đồng.

Các bluechip đa số giảm, như tại VN30 thì chỉ còn 6 mã tăng, 4 cổ phiếu đứng tham chiếu là VRE, PLX, PNJ và STB, còn lại đều giảm.

Tích cực nhất có lẽ là KDH, khi +2,8% lên 31.700 đồng, khớp hơn 2,74 triệu đơn vị, và nhích nhẹ là NVL +1% HDB +0,7%, FPT, VPB và TPB tăng dưới 0,5%

Ở chiều ngược lại, TCH thu hẹp đáng kể đà giảm, từ mức -3,4% đã kết phiên chỉ còn -1,5% xuống 26.000 đồng.

Trong khi đó, BID là cổ phiếu giảm sâu nhất, mất 1,8% xuống 44.750 đồng, MBB -1,7% xuống 31.250 đồng, VIC -1,7% xuống 125.500 đồng, BVH -1,6% xuống 62.400 đồng. Các cổ phiếu REE, POW, MSN đều giảm 1,1%.

Nhóm VNM, SSI, SBT, VHM, HPG, MWG, CTG, TCB giảm nhẹ từ 0,3% đến 0,8%.

Thanh khoản STB dẫn đầu nhóm với hơn 25,8 triệu đơn vị khớp lệnh, MBB khớp được hơn 21,83 triệu đơn vị, POW khớp 12,9 triệu đơn vị, HPG khớp 11,8 triệu đơn vị, CTG khớp 10,8 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số nổi bật hiếm hoi như DLG, CKG, PXT khi đều tăng kịch trần, trong đó, DLG thuộc top thanh khoản cao nhất sàn với hơn 21,3 triệu đơn vị khớp lệnh. Cùng với đó là các mã tăng tốt như DIG +5,6%, GEX +4,2%, TTF +2,5%, ASM +4,1%, FTM +2,9%...

Trong khi VOS, JVC, SVD, LGL đều lùi về mức giá sàn, sắc đỏ khác còn có tại FLC -4,3% xuống 11.000 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HOSE với hơn 30 triệu đơn vị.

Đáng kể khác là ROS -2,6% xuống 4.900 đồng, AMD -4,4% xuống 4.560 đồng, HAI -5,6% xuống 4.240 đồng, HQC -3,2% xuống 3.600 đồng, SJF -5,9% xuống 3.650 đồng.

Cổ phiếu RIC sau chuỗi 9 phiên gần nhất hồi phục, đóng cửa ở mức giá trần, thì phiên sáng nay đã trở lại mức giá sàn -7% xuống 26.650 đồng, khớp hơn 300.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã biến động mạnh, khi tăng khá ngay khi mở cửa, nhưng với áp lực chung từ thị trường đã nhanh chóng về dưới sắc đỏ, và hồi phục về trở lại gần tham chiếu và giằng co nhẹ cho đến khi kết phiên.

Bảng điện tử phân hóa mạnh với các điểm nhấn tích cực là VND +5,6% lên 35.900 đồng, NVB +2,9% lên 17.700 đồng, SHS +1,9% lên 31.800 đồng, TNG +2,1% lên 24.100 đồng, IDC +1,7% lên 40.800 đồng.

Đáng kể nhất là cổ phiếu nhỏ ACM, khi tăng kịch trần +10% lên 3.300 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 13,58 triệu đơn vị.

Các mã giảm như SHB, CEO, PVS, THD, BAB, PLC, NDN, nhưng đều chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 73 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,04%), xuống 292,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 116,8 triệu đơn vị, giá trị 1.882,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 37,6 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index có nhịp tăng mạnh ngay khi mở cửa, sau đó đuối dần, thậm chí xuống sắc đỏ, trước khi bật trở lại và đi ngang quanh tham chiếu đến khi kết phiên.

Trong nhóm các cổ phiếu có giao dịch tốt nhất thì đa số nhích lên như VHG, ABB, BVB, PAS, SBS, CDO, thậm chí PVV và ATB còn tăng kịch trần.

Nhưng BSR lại giảm 1,6% xuống 17.900 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 10,81 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 82,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,78 triệu đơn vị, giá trị 751,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,37 triệu đơn vị, giá trị 239,2 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 13,97 triệu cổ phiếu PGB, trị giá 230,5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan