Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/11: Mong manh phục hồi, nhiều mã bất động sản vẫn nằm sàn

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/11: Mong manh phục hồi, nhiều mã bất động sản vẫn nằm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán chưa dứt ở nhóm bất động sản đang là nguồn cơn khiến tâm lý nhà đầu tư dao động và bất an, đặc biệt là đà giảm chưa thấy đáy tại hai cổ phiếu lớn đầu ngành là NVL và PDR.

Trong phiên hôm qua, khi lực cung gia tăng mạnh khiến VN-Index lao dốc từ sớm, với tâm điểm là nhóm bất động sản, chứng khoán và đã lan thêm sang các nhóm ngành khác như thép, bán lẻ… với nhiều mã về mức giá sàn với dư bán khá lớn.

Dù sự khởi sắc của một số mã lớn như VNM, GAS, SAB đã trở thành những “má phanh”, nhưng VN-Index vẫn kết phiên giảm khá sâu khi để mất hơn 20 điểm.

VN-Index mặc dù chưa xuống dưới mức 962 điểm, mức thấp nhất trong phiên 25/10, tuy nhiên nếu tính số điểm đóng cửa thì hôm nay, chỉ số này đã xuyên thủng đáy cũ về mức thấp nhất hơn 2 năm gần đây.

Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn nằm trong trend giảm giá ngắn hạn trong xu hướng tiêu cực hình thành từ tháng 4/2022, do vậy, những nhịp phục hồi trong phiên chỉ có ý nghĩa chặn bớt đà rơi chứ chưa thể tạo kỳ vọng để hút dòng tiền quay lại thị trường.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index

Đồ thị kỹ thuật VN-Index

Chi tiết phiên giao dịch sáng nay 8/11, thị trường tiếp tục giảm sâu ngay từ khi mở cửa, VN-Index nhanh chóng cắm đầu đi xuống và thủng vùng đáy quanh 960 điểm, và may mắn đã thu hẹp đà giảm để trở lại lên trên mốc điểm này và nhích thêm đôi chút lên trên 965 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Dù vậy, bảng điện tử vẫn khá tiêu cực với hơn 300 mã giảm, trong đó gần 50 mã giảm sàn và chưa đầy 100 cổ phiếu tăng điểm.

Đáng chú ý vẫn là ở nhóm cổ phiếu bất động sản với lực bán tháo chưa dứt với nhiều cổ phiếu nằm sàn. Trong đó, các bluechip NVL và PDR tiếp tục mất thanh khoản với khối lượng dư bán giá sàn đã ở mức hơn 21 triệu đơn vị.

Đáng chú ý còn có VIC, khi cũng có thời điểm giảm sàn và hiện vẫn giảm khá mạnh, khớp lệnh chưa đến 1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm như CTD, HPX, ITC, DRH, DXS, DIG, DXG, KBC, LDG, QCG, TDC cũng đã giảm về mức giá sàn, với khối lượng dư bán sàn tại DIG là hơn 27 triệu đơn vị, KBC dư bán sàn hơn 12 triệu đơn vị…

Vào nửa cuối phiên, một số bluechip nhận sức mua tốt và đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường như ở một số cổ phiếu ngân hàng là STB, BID, CTG, TCB, ACB với mức tăng từ 2% đến hơn 4%, trong khi các cổ phiếu lớn MSN, GAS, MWG cũng đảo chiều tăng thành công, dù chỉ đang giữ sắc xanh nhạt.

Thị trường bất ngờ có nhịp hồi phục mạnh lên gần tới tham chiếu nhờ lực cung được tiết giảm cùng một số mã ngân hàng như BID, CTG, TCB nới thêm chút đà tăng và bảng điện tử bớt tiêu cực hơn.

Tuy nhiên, sức ép đã nhanh chóng quanh trở lại, đặc biệt tại một số mã lớn, nhóm bất động sản và cuối phiên có thêm nhóm thép đã khiến VN-Index trở lại với vùng thấp 962 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 294 mã giảm (30 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,17 điểm (-1,35%), xuống 962,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 337 triệu đơn vị, giá trị 4.662,9 tỷ đồng, tăng hơn 15% về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49,2 triệu đơn vị, giá trị 747,8 tỷ đồng.

Nhóm VN30 dù khá cân bằng, với 13 mã tăng, 14 mã giảm cùng GAS, VPB, FPT đứng tham chiếu, nhưng VN30-Index vẫn giảm hơn 12 điểm. Tác nhân do lực bán dâng cao ở những mã lớn, trong khi các cổ phiếu tăng phần lớn đã hạ nhiệt.

Theo đó, cổ phiếu tăng tốt nhất là POW +3,2% lên 10.100 đồng, STB dù có thời điểm tăng trần cũng chỉ còn +3,2% lên 16.000 đồng, tương tự là các mã đã không giữ được mức giá cao nhất trong phiên như BID +2,4% lên 34.100 đồng, ACB +2,2% lên 21.100 đồng, TCB +2,1% lên 24.250 đồng, MWG +2%, CTG +1,9%, BCH +1,5%...

Trái lại, các cổ phiếu bất động sản giảm sâu, với cặp đôi NVL và PDR nằm sàn tại 51.900 đồng và 32.500 đồng, thanh khoản bị tắc trầm trọng, khớp lệnh chỉ hơn 22.000 đơn vị, trong khi dư bán sàn NVL là hơn 21,1 triệu đơn vị, PDR dư bán sàn hơn 23,3 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu nhà Vin là VIC và VHM cũng giảm sâu, thậm chí VIC có thời điểm giảm sàn, trước khi hồi nhẹ không đáng kể, kết phiên giảm mạnh 6,7% xuống 49.800 đồng, còn VHM -5,2% xuống 41.600 đồng.

Giảm đáng kể còn có HDB -4,9% xuống 13.650 đồng, HPG -4,7% xuống 13.050 đồng, KDH -3,8% xuống 19.200 đồng, MSN -3% xuống 82.000 đồng, VNM -2,9% xuống 79.800 đồng. Trong đó, HPG phiên này vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất, đồng thời cũng là mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất thị trường với 24,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu được mua bắt đáy tương đối mạnh và có mức tăng khá như HNG +4,6%, PHR +4,5%, LPB +4,2%, PVD +3,7%, KPF +3%, FRT +2,9%...

Sắc xanh khác với mức tăng trên dưới 2% đi kèm thanh khoản tốt còn ở nhóm cổ phiếu tài chính như SHB, VIX, HCM, VCI, khớp từ 3 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, nhóm xây dựng, bất động sản với CTD, ITC, DRH, DXG, DXS, NHA, EVG, KBC, TDC, TLD, HPX, ACC, DIG giảm sàn, các mã HBC, FCN, HTN, VPH, CKG ở sát mức giá sàn.

Trong đó, lực bán tháo mạnh nhất tại DIG khi còn dư bán sàn hơn 25 triệu đơn vị, KBC dư bán sàn hơn 11,1 triệu đơn vị.

Không chỉ nhóm bất động sản, các cổ phiếu nguyên vật liệu, nông nghiệp cũng giảm rất sâu, như ở hai cổ phiếu thép HSG và NKG, các mã ANV, AAM, DHM, GTA, BAF, GIL, TPC, tất cả đều giảm sàn.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chủ yếu rung lắc mạnh dưới vùng giá thấp, dù có thời điểm cũng đã vượt lên trên tham chiếu, nhưng sự thiếu ổn định đã khiến chỉ số này kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 106 mã giảm (19 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,7%), xuống 197,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,5 triệu đơn vị, giá trị 387 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,94 triệu đơn vị, giá trị gần 48 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu còn tăng như BII vọt lên giá trần +5,6% lên 1.900 đồng, PVS +4,6% lên 22.600 đồng, NDN +3,3% lên 6.300 đồng, còn IDC, TNG, MBS, PVC chỉ tăng nhẹ.

Phần còn lại vẫn còn giảm như CEO -3,6% xuống 10.700 đồng, HUT -6,3% xuống 13.500 đồng, IDJ -6,3%, TIG -4,6%, L14 -9,3%, AMV -2,8%, PVL -5%, API -5,5%, khớp từ 0,25 triệu đến 2,28 triệu đơn vị, riêng CEO khớp hơn 5,1 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Đáng chú ý là tất cả các mã này đều có thời điểm đã lùi về giá sàn.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở cửa tăng nhẹ, nhưng sau đó cũng dần đuối sức và kết phiên dưới tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,43%), xuống 71,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,1 triệu đơn vị, giá trị 148,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 22,4 tỷ đồng.

Lác đác một vài mã tăng là BOT +5,4%, ABB +1,3%, VGI +0,9%, OIL may mắn về tham chiếu.

Còn lại đều giảm, với FTM và CMM giảm sàn, SIP -12,6%, DDV -7,3%, VGT -6,9%, các mã SBS, VGT, NED, C4G, VHG, TCI, PAS giảm từ hơn 2% đến hơn 5%.

Trong khi đó, BSR-1,2% xuống 17.000 đồng và vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất với hơn 2,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan