Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/10: Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/10: Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa tìm thấy động lực và chất xúc tác nào mới trên thị trường, nên nhà đầu tư có phần chậm lại trong giao dịch khiến thị trường khá ảm đạm. Ngoại trừ phần nào đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi vẫn đang chiếm ưu thế về thanh khoản trên bảng điện tử.

Trong phiên hôm qua, thị trường có nhịp bật tăng tích cực ngay khi mở cửa, tuy nhiên dòng tiền tham gia khá yếu nên VN-Index chỉ tăng nhẹ với thanh khoản ở mức thấp.

Sau giờ nghỉ trưa, giao dịch vẫn ảm đạm và trước áp lực bán gia tăng đã khiến VN-Index giảm về vùng 1.265 điểm, trước khi đóng cửa về sát vạch xuất phát với thanh khoản giảm suy yếu, chạm về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua và thuộc top 10 phiên có giá trị giao dịch thấp của năm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 8/10, chỉ số VN-Index có nhịp tăng ngay đầu phiên, nhưng cũng tương tự khởi đầu phiên hôm qua khi sau đó nhanh chóng hạ nhiệt và lùi về gần tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Thanh khoản dù có tín hiệu khả quan hơn, nhưng bảng điện tử vẫn phân hoá mạnh và phần lớn nhà đầu tư chỉ mua bán dừng lại ở mức thăm dò. Biên độ giá cổ phiếu theo đó gần như ít thay đổi.

Giao dịch nhìn chung vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng, với nhiều cái tên như MBB, VIB, OCB, VPB, TCB, MSB, SHB, LPB và TPB đang là những cổ phiếu thanh khoản khớp lệnh cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, ngoài LPB đang cho thấy đà tăng tốt, nhích hơn 5% thì còn lại chia đôi ngả xanh, đỏ và chưa có nhiều biến động mạnh về giá.

Thanh khoản có tín hiệu trở lại khá mạnh mẽ ở nửa sau của phiên, nhưng lực cầu không đủ tích cực, trong khi áp lực bán thường trực, dù không quá lớn khiến VN-Index giằng co nhẹ và kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 128 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index giảm 0,70 điểm (-0,06%), xuống 1.269,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 325,1 triệu đơn vị, giá trị 7.498,6 tỷ đồng, tăng 43% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,5 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng.

Các bluechip phân hóa và gần như chỉ biến động nhẹ về giá. Trong đó, ở phía các mã tăng, HDB dẫn đầu nhưng cũng chỉ +2,2% lên 27.450 đồng, hai cổ phiếu TCB và VNM theo sau và chỉ tăng hơn 1%, còn MSN, ACB, HPG, PLX, GVR, TPB…chỉ tăng nhẹ.

Trái lại, các mã giảm đều không đáng kể, với SAB “giảm mạnh nhất” cũng chỉ đánh mất hơn 1%, các mã lớn như VJC, BID, CTG, VCB, VHM, SSI chỉ giảm nhẹ.

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy phân hóa hơn và thiếu động lực, nhưng vẫn là tâm điểm thanh khoản, khi chiếm phần lớn trong những mã thanh khoản cao nhất sàn.

Trong đó, TPB dẫn đầu sàn với hơn 20,9 triệu đơn vị, theo sau là LPB với 13 triệu đơn vị và là cổ phiếu tăng tốt nhất khi +5,4% lên 33.450 đồng. Các mã OCB, HDB, VIB, VPB, SHB, TCB, MSB khớp từ 6,1 triệu hơn 9,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nổi bật có hai cái tên ngành xây dựng, thi công là CTI và ACC khi đều chạm giá trần tại 16.150 đồng và 14.050 đồng, khớp lần lượt 0,78 triệu và 0,14 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KPF giảm sàn -6,7% xuống 1.960 đồng, PSH -6,5% xuống 4.160 đồng. Cả hai cổ phiếu này đều vừa nhận quyết định chuyển sang diện diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 11/10/2024.

Trên sàn HNX, sắc đỏ mở rộng khiến chỉ số HNX-Index lùi về dưới tham chiếu và giằng co nhẹ dưới vùng giá thấp cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-0,45%), xuống 231,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,6 triệu đơn vị, giá trị 784,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 9,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn, nhỏ hoặc thanh khoản sao nhất sàn, thì ngoài HUT nhích nhẹ, NRC, PVC, IDC, AAV đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm.

Trong đó, hai cổ phiếu AMV và SRA giảm sàn về 2.600 đồng và 3.200 đồng, khớp lần lượt 1,72 triệu và 1,14 triệu đơn vị. Đáng kể khác là GKM -8,5% xuống 8.600 đồng. Các mã MBS, DDG, MBG giảm hơn 3%.

Các mã lớn như SHS, PVS, CEO may mắn chỉ giảm nhẹ, khớp lệnh từ 2,23 triệu đến hơn 4,9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực gia tăng về cuối phiên cũng đã khiến UpCoM-Index chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%), xuống 92,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,6 triệu đơn vị, giá trị 272,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,74 triệu đơn vị, giá trị 33,8 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa, với BSR, HNG, BVB, ABB còn tăng điểm, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ. Còn VGT, HBC, VGI, TIS điều chỉnh nhẹ, trong khi loạt cổ phiếu BCR, OIL, KVC, GPC, AAH, DFF đứng giá tham chiếu.

Tin bài liên quan