Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/7: Test lại đáy cũ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/7: Test lại đáy cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán trên diện rộng khiến thị trường nhuộm trong sắc đỏ, VN-Index bị đẩy về vùng đáy cũ 1.160 điểm.

Trong phiên hôm qua, một lần nữa mốc 1.200 điểm trở thành ngưỡng kháng cự mạnh với thị trường trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp. Ngay khi được kéo lên ngưỡng điểm này đầu phiên chiều, lực bán mạnh ở các mã đầu ngành, trong đó đáng kể lực cung từ nhà đầu tư nước ngoài khiến VN-Index lao mạnh cuối phiên về 1.180 điểm, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 317 tỷ đồng. Đây là phiên 17 liên tiếp VN-Index đóng cửa dưới đường MA20.

Bước vào phiên sáng nay (6/7), lực bán phiên chiều qua tiếp tục được duy trì, đẩy VN-Index giảm sâu hơn, về test lại vùng đáy cũng 1.160 điểm. Dù dòng tiền vẫn dè dặt, nhưng điều may mắn là đây vẫn đang là vùng hỗ trợ tốt cho thị trường, nên VN-Index bật trở lại thu hẹp đà tăng khi về gần ngưỡng 1.160 điểm.

Các mã bluechip tác nhân khiến VN-Index giảm mạnh chiều qua tiếp tục là các mã lấy đi nhiều điểm số nhất của chỉ số này hôm nay như GAS, VHM, VCB, ngoài ra còn có thêm sự góp mặt của VIC, hay mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho thị trường hôm qua là BID cũng đảo chiều và nằm trong top mã lấy đi nhiều điểm số nhất của thị trường.

Ngược lại, MSN và SAB lại đảo chiều tích cực, đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index sáng nay, nhưng không thể bù đắp được đà giảm của các mã bluechip khác, đặc biệt là GAS khi mã này giảm tới 5,7% xuống 97.100 đồng. So với mức đỉnh xác lập hôm 17/6, GAS đã mất đi hơn 25,5% giá trị sau hơn 2 tuần.

Nhóm ngân hàng là nhóm hỗ trợ cho thị trường trong các phiên vừa qua cũng đã đồng loạt đảo chiều giảm, chỉ còn TCB giữ sắc xanh nhạt và VIB đứng giá tham chiếu. Trong đó, HDB giảm mạnh nhất 3,8% xuống 23.800 đồng, tiếp đến là EIB giảm 3,1% xuống 31.500 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất HCM có sắc xanh với mức tăng nhẹ, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó APG giảm mạnh nhất 3,3% xuống 6.380 đồng. Các mã lớn có VND giảm 2,4% xuống 18.150 đồng, SSI giảm 1,5% xuống 19.400 đồng, VCI giảm 0,8% xuống 36.000 đồng.

Nhóm cổ phiếu thép có sự phân hóa, trong đó HSG lấy lại đà tăng tốt 2,3% lên 17.600 đồng, NKG tăng nhẹ 0,5% lên 18.800 đồng, còn HPG vẫn rất ỳ khi đứng tham chiếu 21.900 đồng. Ở chiều ngược lại, các mã giảm cũng không lớn với POM và TLH giảm dưới 1%.

Nhóm phân bón cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ với DCM giảm 3% xuống 27.550 đồng, DPM giảm 3,9% xuống 44.550 đồng.

Các mã lớn khác cũng giảm mạnh là bộ 3 nhà Vingroup VRE – VHM – VIC giảm lần lượt 3,8% - 3,3% - 1,9%. Bên cạnh đó, PNJ giảm 3% xuống 115.000 đồng. FPT giảm 1,1% xuống 84.500 đồng…

Rất may, MSN đảo chiều tăng mạnh 3,9% lên 106.000 đồng, cùng với BVH tăng 1,5% lên 53.600 đồng, SAB đảo chiều tăng 1,3% lên 152.800 đồng và phong độ ổn định của GVR với mức tăng 0,7% lên 21.750 đồng, đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 12,74 điểm (-1,08%), xuống 1.168,55 điểm với 117 mã tăng, trong khi có tới 307 mã giảm, trong đó có 6 mã giảm sàn, chủ yếu là các mã không gây nhiều chú ý. Tổng khối lượng giao dịch đạt 272,9 triệu đơn vị, giá trị 6.080,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,8 triệu đơn vị, giá trị 535,4 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG sau phiên nổi sóng hôm qua tiếp tục duy trì đà tăng tốt sáng nay, dù lực cung khá lớn. Đóng cửa, HAG tăng 4% lên 9.800 đồng, khớp lớn nhất sàn 15,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, người anh em cũ HNG lại giảm 4% xuống 5.090 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản sau VND với 13,7 triệu đơn vị.

DIG cũng lấy lại đà tăng sau phiên giảm hôm qua, lấy lại được gần hết những gì đã mất với mức tăng 3,7% lên 36.200 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự sàn HOSE khi sắc đỏ chiếm ưu thế, HNX-Index giảm ngay đầu phiên và bị đẩy xuống 273 điểm rồi bật lại thu hẹp đà giảm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,89 điểm (-1,04%), xuống 275,05 điểm với 48 mã tăng, trong khi có 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,3 triệu đơn vị, giá trị 609,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong các mã đáng chú ý, chỉ có CEO và TNG có sắc xanh, trong đó CEO tăng 3,8% lên 27.200 đồng, TNG tăng 1,8% lên 28.000 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị và 1,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVS giảm 4,6% xuống 22.900 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị, cao nhất sàn. SHS giảm 0,7% xuống 14.400 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị. HUT giảm 2,6% xuống 25.900 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị. PVC cũng giảm 4,8% xuống 16.000 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.

Trong 10 mã lớn nhất sàn, chỉ có IDC, VCS và DTK đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Các cổ phiếu thị trường họ FLC và Louis cũng giảm với mức giảm hơn 2% trở lên.

Trên UPCoM, diễn biến cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi bị đẩy giảm sâu trong nửa đầu phiên, sau đó bật lên thu hẹp đà giảm trong những phút cuối phiên với sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,36%), xuống 86,88 điểm với 90 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,3 triệu đơn vị, giá trị 674,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 30,5 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí trên thị trường này cũng đồng loạt giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là BSR khi mất 11,2% xuống 23.800 đồng, khớp 20 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại. OIL cũng giảm 4,7% xuống 12.100 đồng, khớp chưa tới nửa triệu đơn vị.

Ngoài BSR, chỉ có thêm 1 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là VHG với 1,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 3.600 đồng.

Tin bài liên quan