Trong phiên hôm qua, sau khi có chút ngập ngừng thời điểm đầu phiên do do áp lực bán chốt lời, thị trường đã bật tăng nhờ sự tự tin của dòng tiền giúp VN-Index có thời điểm tiệm cận mốc 1.100 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh khiến chỉ số giằng co và rung lắc và đóng cửa gần 1.095 điểm.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện. Đây là phiên giao dịch thứ 2 trong tháng 12 và cũng là phiên thứ 2 trong khoảng 8 tháng gần đây có mức thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 6/12, thông tin dự báo sẽ có tác động tích cực nhất đến thị trường là vào chiều tối hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống, tức đưa tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay được tăng lên thành 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.
Điều này có nghĩa là dư địa cấp tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, đây dường như là cái cớ không thể tốt hơn để xả hàng, cộng thêm tín hiệu lưỡng lự của thị trường quanh ngưỡng 1.100 điểm trong phiên hôm qua đã khiến áp lực bán xuất hiện ngay từ sớm.
Bảng điện tử đảo chiều xu hướng gần đây, khi có khoảng 350 mã giảm và chưa đến mã tăng sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index từng bước lùi dần về gần 1.075 điểm.
Giao dịch đáng chú ý nhất là tại hai cổ phiếu bất động sản được giải cứu gần đây là NVL và HPX, khi đã “quay xe” về lại giá sàn tại 20.600 đồng và 7.850 đồng sau liên tiếp những phiên tăng trần, trong đó, NVL đang khớp hơn 36 triệu đơn vị và dư bán sàn dần tăng mạnh lên hơn 4 triệu đơn vị.
Thị trường có thời điểm rơi khá sâu, mất gần 25 điểm về 1.070 điểm, nhưng bên nắm giữ tiền mặt kỳ vọng vào con sóng lớn cuối năm nên mạnh dạn gom hàng chốt lời, giúp thanh khoản tăng vọt và đà giảm của VN-Index cũng được hãm lại.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 133 mã tăng (30 mã tăng trần) và 307 mã giảm, VN-Index giảm 16,08 điểm (-1,47%), xuống 1.077,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 693 triệu đơn vị, giá trị 11.029,7 tỷ đồng, tăng gần 60% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,5 triệu đơn vị, giá trị 456 tỷ đồng.
Các bluechip dù đa số giảm, chỉ còn HDB nhích nhẹ 1,5% và SAB đứng tham chiếu, nhưng các mã giảm cũng đã có phần tích cực hơn khi thoát được mức giá thấp nhất phiên.
Điển hình nhất là VHM, khi có thời điểm giảm sàn, đã về còn -2,7% xuống 56.700 đồng.
Tương tự là nhiều cổ phiếu khác, dù mức giảm đáng kể hơn như VRE -4,9% xuống 30.000 đồng, TCB -4,7% xuống 27.650 đồng, BID -3,8% xuống 39.700 đồng, PDR -3,6% xuống 16.050 đồng, STB -3,6% xuống 21.500 đồng, GVR -3,2% xuống 15.100 đồng, HPG -3% xuống 19.400 đồng.
Các cổ phiếu VIB, GAS, MBB, TPB, MWG, CTG giảm từ 2,3% đến 2,6%.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là NVL, khi dư bán giá sàn chất đống cũng đã được hấp thụ, giá cổ phiếu tuy thoát mức sàn, nhưng vẫn còn giảm mạnh -6,8% xuống 20.650 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 50 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có khá nhiều mã vẫn ngược dòng chỉ số và tăng mạnh, với ngành nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu đáng kể như HAG, HNG VHC, ABS, ABT, CMX, FMC, GIL, ANV, DBC, IDI, TSC, ACL, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, thanh khoản tương đối cao, với HAG là cổ phiếu tâm điểm khi khớp lệnh hơn 17,3 triệu đơn vị.
Một vài cổ phiếu riêng lẻ khác như HAH, DRH, POM, TGG, TDC, CTS cũng kết phiên ở mức giá trần.
Tăng mạnh khác còn có các cổ phiếu hóa chất CSV +6,7% lên 35.100 đồng, DCM +6,3% lên 30.600 đồng, DPM +5,4% lên 43.250 đồng, BFC +5,3% lên 19.000 đồng, DGC +3,1% lên 66.000 đồng.
Các cổ phiếu bất động HHS, DIG, ITC, NHA, FIT tăng từ 3,1% đến hơn 4%, cổ phiếu logistics với HAH tăng trần nêu trên thì VOS +6,5% lên 12.250 đồng, VNL 6,1% lên 21.600 đồng…
Trái lại, giảm sâu nhất vẫn là cái tên IBC, khi vẫn nằm sàn -7% xuống 7.600 đồng, khớp chỉ hơn 18.000 đơn vị và còn dư bán sàn hơn 3,58 triệu đơn vị.
Cổ phiếu HPX tương tự NVL, khi thoát giá sàn nhưng vẫn còn giảm khá sâu -6,8% xuống 7.870 đồng, khớp gần 25 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ bị chốt lời và giảm mạnh có QCG, SCR, KPF, SGR, EVG, DXG, HTN, DXS với mức giảm từ gần 4% đến 6,7%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co khá mạnh quanh tham chiếu suốt từ đầu phiên cho đến giờ nghỉ trưa và tạm kết ở sắc xanh.
Các cổ phiếu nhỏ như BII, KVC, HHG, LAS, FID hoạt động tốt nhất khi đều kết phiên ở giá trần, khớp từ 0,5 triệu đến 2,1 triệu đơn vị.
Tăng điểm khác còn tại CEO +9,1% lên 26.400 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với 9,23 triệu đơn vị, HUT +7,3% lên 19.000 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, TNG +4,7% lên 15.700 đồng, TAR +7%, PVL +5,6% và VKC +5%.
Ở chiều ngược lại, SHS -2% xuống 9.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 15 triệu đơn vị, các cổ phiếu khác như IDJ -5,2%, AMV -4,5%, MST -7,3%, API -6,4%, TVC -4,5%...trong khi đó, PVS lùi về tham chiếu tại 23.400 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,17%), lên 220,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75 triệu đơn vị, giá trị 1.048,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị 21,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút đầu phiên tăng điểm cũng đảo chiều xuống dưới tham chiếu và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Lác đác một vài cổ phiếu còn tăng trong những mã thanh khoản cao nhất là DDV, FTM, VGT và QTP. Trong khi ABB, BVB, CEN đứng tham chiếu.
Còn lại giảm, với BSR -3,2% xuống 15.200 đồng, khớp lệnh dẫn đầu UpCoM với 5,55 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,85%), xuống 72,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,7 triệu đơn vị, giá trị 288 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 15,85 tỷ đồng.