Trong phiên hôm qua, áp lực chốt lời từ khá sớm quanh vùng đỉnh mới 1.535 điểm khiến VN-Index rung lắc, nhưng dòng tiền chảy mạnh sau đó đã có thời điểm kéo VN-Index trở lại, trước khi thêm một lần lùi về dưới tham chiếu khi đóng cửa do lực bán chốt lời gia tăng.
Tuy nhiên, cú trượt dốc của VN-Index này xuất phát chính từ nhóm VN30 khi nhiều mã trong nhóm quay đầu giảm mạnh khiến VN30-Index cũng có cú rơi mạnh và đóng cửa ở mức đáy của ngày. Đáng chú ý là cặp đôi VIC và VHM sau phiên khởi sắc đầu năm, đã bị chốt nên quay đầu điều chỉnh. Bên cạnh đó, VCB sau khi được kéo tăng trong phiên sáng cũng bị bán mạnh phiên chiều, góp phần khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 6/1, sau khi tạo gánh nặng cho thị trường phiên hôm qua, cặp đôi VIC - VHM bất ngờ trở lại mạnh mẽ, cùng với "người em" VRE duy trì sóng lớn, đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho thị trường. Nhờ nhóm cổ phiếu nhà Vingroup nên VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và vẫn giữ được sắc xanh dù số mã giảm chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Trong khi đó, MSN và nhóm ngân hàng tiếp tục gây sức ép với thị trường. MSN sau phiên lao dốc hôm qua, xuống đóng cửa dưới đường MA20 lần đầu tiên sau 18 phiên đã tiếp tục giảm mạnh sáng nay, xuống đường MA50 (155,8). Tuy nhiên, đường MA50 đang trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt, giúp chặn đà giảm của MSN.
Trong khi đó, giao dịch vẫn rất sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với tâm điểm vẫn là dòng bất động sản. Tuy nhiên, chỉ một số duy trì được mức tăng tốt như ở nhóm thanh khoản cao nhất sàn là LDG, FLC, ROS, FIT, khi có thời điểm đã tăng hết biên độ.
Sau phần lớn thời gian của phiên sáng giằng co nhẹ trên tham chiếu, VN-Index đã có nhịp bật tăng mạnh mẽ và lên trên 1.530 điểm khi kết phiên nhờ nhóm bluechip trở nên cân bằng hơn sau khi chịu sức ép tương đối lớn về độ rộng ở đầu phiên.
Đặc biệt phải kể đến nhóm nhà Vin, với VIC và VRE bùng nổ là điểm tựa chính cho thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 216 mã tăng và 219 mã giảm, VN-Index tăng 9,20 điểm (+0,60%), lên 1.531,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 647 triệu đơn vị, giá trị 19.504,8 tỷ đồng, tăng 6% và hơn 1% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,2 triệu đơn vị, giá trị 863 tỷ đồng.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu Vingroup với VIC và VRE thực sự là trụ đỡ chính khi có mức tăng cao nhất trong nhóm bluechip.
Trong đó, VRE dù không bảo toàn được sắc tím, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng mạnh +6,8% lên 35.550 đồng, khớp hơn 19 triệu đơn vị, VIC tăng mạnh 5,8% lên 105.800 đồng, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, còn VHM nhích 1,3% lên 85.100 đồng. Cả ba mã này đóng góp tổng cộng tới gần 9 điểm tích cực cho VN-Index.
Cùng với đó, một số bluechip khác cũng hỗ trợ thêm, đáng kể như ở một số cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, TPB, ACB, STB, với BID là điểm nhấn đáng chú ý, khi đảo chiều tăng mạnh 3,8% lên 38.450 đồng, còn STB là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất rổ VN30 và đứng thứ hai trên HOSE với 27 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,6% lên 33.400 đồng.
Ở chiều ngược lại, phần lớn đã thu hẹp đà giảm, với MSN giảm sâu nhất cũng chỉ -2,3% xuống 156.800 đồng, các mã còn lại như PDR, NVL, GAS, HPG, TCB, MBB, VPB chỉ mất trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch vẫn rất sôi động, với họ FLC phiên này vượt trội khi FLC, AMD, HAI đều đã tăng kịch trần, còn ROS cũng tăng mạnh 5,7% lên 15.750 đồng. Trong đó, FLC khớp lệnh cao nhất thị trường với 29,3 triệu đơn vị khớp lệnh, ROS khớp 23,2 triệu đơn vị, AMD khớp 12,6 triệu đơn vị, HAI khớp 9,7 triệu đơn vị.
Khởi sắc không kém vẫn là ở nhóm bất động sản, xây dựng với HHS, KHG, HAR, HTN, NHA, QCG, VPH, NVT, OGC, MCG, khi cũng đã tăng hết biên độ.
Các cổ phiếu khác như LDG, HQC, GEX, ITA, FIT, CII, TCH, SCR, DLG, HBC, DXG, KBC, IJC cũng kết phiên tăng điểm, khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn khi có từ 3,9 triệu đến 22,3 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu nhóm ngành khác như dầu khí, nông nghiệp, y tế cũng có mức tăng vượt trội như JVC, BAF, PXS, PET, HAP, HSL, khi đều chạm giá trần, còn TTF +6%, DQC +5,8%, TSC +5,2%, SJF +4,6%...
Ở chiều ngược lại, ngoài một số cổ phiếu ngân hàng như trong rổ VN30 như đã nêu trên thì SHB, LPB là những đại diện giảm giá đáng chú ý, khi khớp lệnh cao với khối lượng khớp lệnh SHB có 12 triệu đơn vị, LPB khớp 5,9 triệu đơn vị, dù mức giảm chỉ dưới 1%.
Cùng với đó, giảm khá sâu đáng kể như PTC -5,4%, VIS -5%, FRT -4,3%, NKG -3%...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng từ sớm và dù rung lắc trên vùng giá cao trong phần lớn thời gian, nhưng cũng như HOSE, khi có nhịp nhảy vọt về cuối phiên nhờ một số cổ phiếu lớn nới đà tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 83 mã tăng và 123 mã giảm, HNX-Index tăng 4,79 điểm (+1,00%), lên 485,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,6 triệu đơn vị, giá trị 2.316,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,21 triệu đơn vị, giá trị 39,5 tỷ đồng.
Phiên này, hai cổ phiếu lớn nâng đỡ chỉ số lớn nhất là KSF và NVB, khi cả hai tăng kịch trần lên 87.500 đồng và 39.900 đồng.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao lại phân hóa với CEO, ART, PVS, PVL, MBG, DL1, KVC nhích lên với MBG và PVL tăng hơn 7%. Ngoài ra là KLF, khi tăng kịch trần +9,3% lên 9.400 đồng, khớp lệnh vượt trội với 18,7 triệu đơn vị.
Trái lại SHS, APS, TVC, IDC, LIG, TAR, IDJ chìm trong sắc đỏ và nhóm AMV, TNG, HUT, VIG đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nửa đầu phiên giằng co, rung lắc quanh tham chiếu, trước khi bật hẳn lên tích cực vào cuối phiên.
Phần lớn các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều tăng với biên độ thấp, trừ VHG +11,1% lên 11.000 đồng, OIL +4,4% lên 18.900 đồng, MSR +8,7% lên 29.900 đồng.
Hai cổ phiếu BSR và HHV chỉ có được mức tăng khiêm tốn +0,4% và +1,4%, trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 9 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,39%), lên 114,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, giá trị 1.464,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,77 triệu đơn vị, giá trị 81,5 tỷ đồng.