Giao dịch chứng khoán phiên sáng 5/9: Cổ phiếu NVL hút tiền

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 5/9: Cổ phiếu NVL hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường sớm bứt phá trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài và dù dòng tiền chưa thực sự tập trung cao ở nhóm ngành cụ thể nào, nhưng vẫn có những cái tên hút sự chú ý, đáng kể nhất là NVL khi đang có khối lượng khớp lệnh bỏ xa phần còn lại trên bảng điện tử.

Trong phiên trước ngày nghỉ Lễ, ngày 31/8, giao dịch khá sôi động từ sớm và đã đến gần hơn đến mốc 1.225 điểm. Tuy nhiên, lực cầu là không đủ mạnh, đặc biệt là nhóm bluehchip khiến khi chỉ số VN-Index hai lần áp sát mốc này đều bị đẩy nhẹ xuống và kết phiên tại 1.224,05 điểm.

Như vậy, kết thúc tháng 8, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ chưa đến 2 điểm từ mức 1.222,90 điểm cuối tháng 7.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 5/9, tâm lý hứng khởi sau kỳ nghỉ kéo dài giúp thị trường tăng tích cực và tiến đến thử thách ngưỡng 1.235 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tâm điểm đang thu hút nhà đầu tư là ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng với EVG, QCG, NVL, TDH, FCN, VPH khi đang tăng từ 4% đến hơn 6%, các nhóm ngành khác đang đón nhận lực cầu tăng cao như PSH, CNG ở nhóm dầu khí, khi cũng đã tăng trần, các mã vận tải, logistics với MHC, HAH, PJT có mức tăng hơn 3%.

Trong đó, cổ phiếu NVL đã khớp được hơn 30 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại trên bảng điện tử với mức tăng hơn 5%, mặc dù thông tin mới về báo cáo sau kiểm toán cho thấy tình hình tài chính của NVL có phần xấu hơn so với báo cáo tự lập.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của NVL trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 483,2 tỷ đồng so với báo cáo tài chính trước khi soát xét, tương đương lỗ ròng sau thuế 1.090 tỷ đồng.

"Nguyên nhân chủ yếu do NVL trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán", đại diện NVL cho biết. Năm nay, NVL cũng đã có lịch thu tiền đủ để ghi nhận tăng lại thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483,2 tỷ đồng nêu trên.

Dù đã có thời điểm vượt 1.235 điểm, nhưng sức cầu tại các bluechip không gia tăng, trong khi lực cầu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chững lại khiến VN-Index hạ độ cao vào cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 372 mã tăng và 115 mã giảm, VN-Index tăng 9,43 điểm (+0,77%), lên 1.233,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 517,4 triệu đơn vị, giá trị 11.275,3 tỷ đồng, tăng hơn 14% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng 31/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 545,7 tỷ đồng.

Nhóm bluechip trong rổ VN30 dù có tới 26 mã tăng, nhưng ngoài hai mã ngân hàng MBB và SHB tăng 2,7% và 2,4% thì còn lại đều chỉ nhích nhẹ, với VPB, MWG, BID, SAB, POW, GAS, ACB, CTG, TCB, VIB, PLX, VNM tăng 1% đến 1,9%. Trong đó, SHB khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 23,5 triệu đơn vị, MBB khớp 15,66 triệu đơn vị.

Ngược lại, chỉ còn ba mã giảm nhẹ là BCM, SSB và SSI cùng HPG đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là những cái tên đầu phiên sáng tăng mạnh duy trì lực cầu với CNG, PSH ở nhóm dầu khí giữ giá trần tại 31.550 đồng và 12.050 đồng, khớp 0,48 triệu và 1,33 triệu đơn vị, ASP +4,8% lên 6.340 đồng, PGD +3,3% lên 40.500 đồng, PMG +3,1% lên 9.900 đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng có EVG, DC4, QCG và TN1 khi cũng đã vươn lên giá trần, với EVG khớp được hơn 4,2 triệu đơn vị, QCG khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm này đáng kể còn NVL +4,4% lên 21.350 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 34,8 triệu đơn vị, FCN +3,4% lên 16.800 đồng, HCD +3,3% lên 8.230 đồng, TDH +3,3% lên 6.000 đồng, CTD +3% lên 65.000 đồng.

Nhóm cổ phiếu vận tải, logistics phiên này cũng đã có nhiều cổ phiếu tăng tốt, như MHC tăng trần lên 12.600 đồng, PJT +3,4% lên 10.750 đồng, CLL +3% lên 38.200 đồng, HAH +3% lên 35.750 đồng, VIP +3% lên 12.050 đồng…

Đáng kể khác là cổ phiếu ngân hàng MSB, khi bất ngờ tăng vọt +6,1% lên 14.850 đồng, khớp hơn 16,6 triệu đơn vị.

Trái lại, không nhiều cổ phiếu giảm sâu do lực cung giá thấp được tiết giảm, ngoại trừ vài cái tên như FIR -4,6% xuống 25.700 đồng, khớp 0,41 triệu đơn vị, DXS -2,2% xuống 11.100 đồng, CKG -2% xuống 30.000 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã chạm mức cao sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ trên tham chiếu và chỉ thu hẹp đôi chút đà đi lên ở những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 112 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 2,45 điểm (+0,98%), lên 252,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,7 triệu đơn vị, giá trị 1.192,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,84 triệu đơn vị, giá trị 93 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu nổi bật như SCI, C69, S99, CMS và AAV, khi đều đã tăng kịch trần, khớp từ 0,39 triệu đến hơn 1,26 triệu đơn vị.

Tăng tốt khác còn SRA +7% lên 4.600 đồng, LIG +5,5% lên 5.800 đồng, IDJ +5,3% lên 7.900 đồng, các cổ phiếu PVS, API, DDG, APS, IDC, MST, L14, NRC, TIG, VC2 tăng từ hơn 2% đến hơn 4%.

Đáng chú ý khác là CEO +4,2% lên 27.200 đồng, dù có thời điểm đã lùi về giá sàn, phiên này khớp lệnh CEO cũng cao nhất sàn với hơn 10,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS lại điều chỉnh, dù mức giảm thấp, -0,5% xuống 18.500 đồng, khớp hơn 8,5 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, lực cầu tích cực từ sớm cũng đã giúp UpCoM-Index tăng điểm và giữ được mức điểm cao nhất trong phiên vào những phút cuối.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,66 điểm (+0,71%), lên 93,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,44 triệu đơn vị, giá trị 442,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 13,3 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM đều kết phiên trong sắc xanh, với BSR +3,1% lên 20.000 đồng, khớp lệnh dẫn đầu khi có hơn 6,67 triệu đơn vị.

Tăng đáng kể có hai cổ phiếu nhỏ HHG +8% lên 2.700 đồng và KVC +7,1% lên 3.000 đồng, khớp lệnh đều hơn 0,6 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan