Trong phiên hôm qua, tâm lý thận trọng từ sớm khiến thị trường quay đầu giảm điểm và khiến VN-Index lùi về 1.280 điểm với sắc đỏ ngày càng mở rộng trên bảng điện tử.
Sau giờ nghỉ trưa, dù lực cầu cố gắng trở lại, nhưng bên nắm giữ cổ phiếu đã không còn giữ được sự bình tĩnh và đã đẩy lệnh giá thấp khiến chỉ số lao dốc và giảm về gần 1.270 điểm khi đóng cửa, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ 18/3.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 4/4, dù đã liên tiếp hai phiên giảm mạnh lấy đi hơn 25 điểm của VN-Index, nhưng dòng tiền bắt đáy chưa thực sự xuất hiện.
Thay vào đó là sự thận trọng tiếp tục diễn ra trên thị trường khi thanh khoản xuống thấp, các nhóm ngành cổ phiếu hầu như chỉ biến động nhẹ về giá. Chỉ số theo đó giằng co, rung lắc nhẹ ở trên tham chiếu sau hơn 1 giờ mở cửa với chỉ hơn 7.000 tỷ đồng giao dịch trên HOSE.
Điểm nhấn có lẽ chỉ đến từ hai cái tên NVL và DBC, khi đang dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên sàn.
Đối với NVL, thông tin mới nhất là việc đã có thông báo về kết quả việc triển khai thỏa thuận dàn xếp để tái cấu trúc khoản nợ trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD thành cổ phần phổ thông của NVL.
Bên cạnh đó, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây cũng đã có quyết định cấp lại margin cho cổ phiếu NVL trong danh sách chứng khoán đủ điều kiện ký quỹ vào quý II/2024.
Trong khi đó, DBC thu hút nhà đầu tư bởi kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2023 và lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp hơn 29 lần so với con số lãi 25 tỷ đồng trong năm 2023.
Sau nửa đầu phiên khó nhọc, thị trường tiếp tục chịu sức ép tâm lý và đảo chiều về dưới tham chiếu khi sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử. Mặc dù vậy, đa phần nhà đầu tư không bán giá quá thấp đã giúp VN-Index chỉ mất điểm nhẹ khi kết phiên. Thanh khoản cũng sụt giảm phản ánh sự thận trọng gia tăng trên thị trường.
Chốt phiên, sàn HOSE có 84 mã tăng và 376 mã giảm, VN-Index giảm 4,39 điểm (-0,35%), xuống 1.267,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 472,8 triệu đơn vị, giá trị 11.642,3 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,1 triệu đơn vị, giá trị 300,2 tỷ đồng.
Các bluechip đa phần biến động nhẹ, với GVR và MWG dẫn đầu đà giảm, mất 2% xuống 33.500 đồng và 49.200 đồng. Các sắc đỏ khác chỉ giảm nhẹ như HPG, MBB, ACB, VRE, CTG, TCB, STB, MSN…
Ở chiều ngược lại, VNM đóng vai trò là trụ đỡ, dù cũng chỉ +1,8% lên 67.900 đồng, cùng với đó là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VCB +1,4% lên 95.100 đồng. Các mã tăng khác chỉ còn VIC, VPB, VJC, SAB, HDB và BID với mức tăng chỉ 0,2% đến 1%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chỉ còn một số ít thu hút lực cầu tốt, như CMG +6,8% lên 45.850 đồng, khớp 1,27 triệu đơn vị; CSV +4,7% lên 67.900 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị; HAR +3,1% lên 4.620 đồng, khớp 0,94 triệu đơn vị.
Nhích hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn các cổ phiếu SFI, NAF, DBC, SCS, trong đó, DBC khớp lệnh tốt nhất với hơn 12,8 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, một số bị bán mạnh và giảm sàn như SCD, EVG, POM khi đều có câu chuyện hủy niêm yết bắt buộc, trong đó, EVG và POM khớp lần lượt 5,47 triệu và 1,97 triệu đơn vị.
Cổ phiếu khác giảm sâu là QBS khi cũng lùi về giá sàn -6,8% xuống 1.900 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị; RDP -6,5% xuống 5.890 đồng, VTP -4,9% xuống 84.200 đồng, NO1 -4,3% xuống 7.850 đồng, PET -4% xuống 27.000 đồng, CRE -4% xuống 8.600 đồng. Các mã khác giảm đáng kể còn ở nhóm bất động sản, xây dựng như ASM, HTN, FCN, HCD, PTL, ITC, NHA, DXS, QCG, khi mất từ 2,7% đến hơn 3,5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sớm giảm điểm và liên tục tìm đến các mức thấp hơn cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 36 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,71%), xuống 242,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,5 triệu đơn vị, giá trị 1.035 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cí thêm 4,34 triệu đơn vị, giá trị 93,2 tỷ đồng.
Sắc đỏ chiếm đa số trong nhóm các mã thanh khoản cao, với SHS, CEO, MBS, HUT, MST, IDC, TIG, TNG, TVC…dù phần lớn chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ MST -43% xuống 6.700 đồng, TVC -5,5% xuống 8.600 đồng, khớp lệnh từ 0,97 triệu đến hơn 8,9 triệu đơn vị.
Các mã tăng cũng chỉ nhích nhẹ như PVS +0,2%, VC7 +1,5%, LAS +0,4%, trong khi PVC, AMV, LIG, AAV về tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút đầu mở cửa tăng điểm cũng đã suy yếu và lùi về dưới tham chiếu.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,31%), xuống 90,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,5 triệu đơn vị, giá trị 239,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,47 triệu đơn vị, giá trị 21,5 tỷ đồng.
Phiên này, cổ phiếu BIG trở thành điểm sáng, khi có thời điểm tăng kịch trần, trước khi kết phiên còn +13,2% lên 9.400 đồng, khớp 0,54 triệu đơn vị.
Nhích lên còn VGI +2,8% lên 54.400 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR -2% xuống 19.500 đồng, dẫn đầu về khối lượng giao dịch với gần 3,8 triệu đơn vị.