Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu tăng điểm nhẹ, áp lực bán đã quay trở lại, dù không quá lớn nhưng lực cầu khá yếu đã khiến VN-Index đảo chiều giảm và thậm chí rơi về 1.255 điểm trong phiên chiều, trước khi bật hồi thu hẹp đôi chút đà giảm khi đóng cửa.
Đáng chú ý là thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh trở lại, xác nhận là một trong 3 phiên thấp nhất trong tháng 10.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 31/10, diễn biến tương tự phiên sáng hôm trước, khi sắc xanh không duy trì được lâu sau thời điểm mở cửa, khi bảng điện tử dần bị sắc đỏ lấn át, dù lực bán nhìn chung không quá mạnh.
Giao dịch khá ảm đạm, khi dòng tiền tiếp tục động thái phân phối ở mức vừa phải, khiến các nhóm ngành, cổ phiếu phần lớn chỉ biến động nhẹ về giá.
Lác đác một vài cái tên đáng nhắc đến và đều là các mã vừa và nhỏ như TLD, OGC, CIG và QCG, khi tăng khá mạnh từ 4% đến gần 6%, thanh khoản trên dưới 0,5 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi mã.
Sau nhịp giảm nhẹ về gần 1.255 điểm, một số cổ phiếu ngân hàng lớn nới thêm đôi chút đà tăng, trong khi những gánh nặng từ sớm như MSN, VHM cũng đã chỉ còn giảm nhẹ và giúp VN-Index bật hồi, nhưng cũng chỉ đủ về giá tham chiếu khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 132 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index gần như không đổi tại 1.258,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 247,7 triệu đơn vị, giá trị 7.461,5 tỷ đồng, tăng hơn 9% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,7 triệu đơn vị, giá trị 2.644,7 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hơn 30,2 triệu cổ phiếu MSN, trị giá hơn 2.225 tỷ đồng.
Như đã đề cập, một số cổ phiếu ngân hàng lớn nới đà tăng hỗ trợ, với CTG dẫn đầu khi +1,9% lên 35.400 đồng. Theo sau là STB +1,87% lên 35.450 đồng, SHB +1,4% lên 10.650 đồng, các mã BID, TPB, ACB, VCB cũng đã đảo chiều tăng điểm thành công, dù mức tăng chỉ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, hai bluechip MSN và VHM thu hẹp đà giảm, với MSN chỉ còn -1,8% xuống 76.700 đồng và VHM -1% xuống 40.750 đồng đồng. Còn lại chỉ mất điểm nhẹ tại MWG, VIB, PLX, HDB, VRE, VNM với mức giảm 0,5% đến 1,2%.
Thanh khoản một số bluechip đứng ở mức cao nhất sàn, như VHM với 14,9 triệu đơn vị, STB khớp 9,7 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là những cái tên từ đầu phiên tiếp tục nới đà đi lên, với CIG chạm gần giá trần +6,7% lên 7.670 đồng, QCG +6,3% lên 11.900 đồng, TLD +4% lên 5.950 đồng, OGC +4% lên 4.470 đồng, khớp từ 0,27 triệu đến 0,93 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, lực cung vẫn đang được tiết giảm và dù hơn 200 mã mất điểm, nhưng đa phần chỉ giảm nhẹ.
Trên sàn HNX, áp lực phân hóa cao khiến HNX-Index giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên và tạm nghỉ tăng nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 225,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,2 triệu đơn vị, giá trị 232,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,44 triệu đơn vị, giá trị 5,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn như SHS, CEO, PVI, VC3 dừng chân ở tham chiếu, trong khi IDC, PVS, MBS, HUT, VCS giảm điểm không đáng kể. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có gần 1,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu nhỏ đáng chú ý hơn, với DL1 tăng hơn 8% lên 6.700 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị, cổ phiếu TVC +5,1% lên 10.400 đồng, khớp 0,55 triệu đơn vị và NRC tăng trần +7,7% lên 4.200 đồng, khớp 0,69 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút đầu tăng điểm đã lùi về dưới tham chiếu khi lực cung gia tăng.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,28%), xuống 92,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 224,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,89 triệu đơn vị, giá trị 41,3 tỷ đồng.
Sắc đỏ chiếm thế áp đảo trong nhóm các mã thanh khoản cao nhất, với các mã như ACV, DGT, HBC, HNG, BCR, AAH, BSR. Trong đó, BSR khớp lệnh vượt trội khi có hơn 5,3 triệu đơn vị và giảm 2,33% xuống 21.000 đồng.