Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/2: Lực cung bắt đầu gia tăng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/2: Lực cung bắt đầu gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau liên tiếp những phiên tăng mạnh và tạo vùng đỉnh mới, áp lực bán đã đến như một lẽ tự nhiên.

Trong phiên hôm qua, áp lực chốt lời có chút gia tăng khiến VN-Index rung lắc nhẹ ở ngay sát tham chiếu trong suốt cả phiên sáng. Tuy vậy, dòng tiền hoạt động tích cực và luân chuyển qua các nhóm ngành.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu đã dần sôi động hơn, đặc biệt là ảnh hưởng của cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB khi tăng kịch trần, sau thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 40%, đã nhanh chóng đảo chiều khởi sắc và vượt 1.250 điểm dù có rung lắc trong quá trình đi lên.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/2, sự hưng phấn tiếp diễn ngay khi mở cửa và VN-Index nhanh chóng vượt qua ngưỡng 1.260 điểm khá dễ dàng và tiếp tục tiến bước.

Tuy nhiên, áp lực tại vùng giá cao đã khiến lực bán gia tăng và khiến VN-Index có nhịp giảm khá nhanh và thậm chí đã lùi về dưới tham chiếu, khi bảng điện tử đảo chiều, cũng như sắc đỏ lấn át trong rổ bluechip.

Trong khi đó, điểm nổi bật là bộ ba cổ phiếu công ty chứng khoán VND, VIX và SSI, khi đều đang là những mã khớp lệnh cao nhất sàn, trong đó, SSI vượt trội với mức tăng khá hơn 3%, khớp hơn 27 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sau khi lùi về dưới tham chiếu, VN-Index đã bật trở lại, nhưng nhịp bật lên này lại không duy trì được lâu, khi áp lực bán quay trở lại, dù không mạnh nhưng lại trên diện rộng khiến chỉ số thêm một lần đảo chiều lùi về sắc đỏ khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 162 mã tăng và 281 mã giảm, VN-Index giảm 3,41 điểm (-0,27%), xuống 1.251,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 613,1 triệu đơn vị, giá trị 14.622,8 tỷ đồng, tăng gần 40% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,7 triệu đơn vị, giá trị 867,4 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu gây áp lực lớn nhất đến chỉ số đến từ VRE -4% xuống 26.700 đồng, GVR -2,3% xuống 28.250 đồng. Các mã VIB, MBB, CTG, TCB và VHM mất 1% đến 1,6%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MSN giữ cho chỉ số không giảm sâu hơn, khi là mã tăng tốt nhất trong số các bluechip, tăng 3,37% lên 70.600 đồng. Theo sau là SSI +2,9% lên 37.150 đồng, SAB +2,4% lên 59.100 đồng. Các mã lớn khác như VCB, VJC, HPG, MWG tăng nhẹ. Trong đó, SSI phiên này bất ngờ là cổ phiếu dẫn đắt khi thanh khoản cao nhất nhóm và lớn nhất sàn HOSE với hơn 31,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ đáng kể chỉ còn những cái tên riêng lẻ như TNT, BKG, và ST8 tăng kịch trần, RDP +6% lên 9.180 đồng, KDH +5,3% lênn 34.100 đồng, TCD +3% lên 9.350 đồng, VDS +2,6% lên 20.100 đồng, NLG +2,5% lên 39.150 đồng. Các mã nhích hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn NTL, FMC, SFI, BHN, VID.

Ngược lại, dù có gần 300 mã giảm, nhưng phần lớn cũng đã hạm bớt đà đi xuống, nhưng một số đáng chú ý với thanh khoản cao như PAN, DBC, GIL, PSH, YEG, HAH, TIP, HCD…mất 2-3%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên cầm cự trên tham chiếu cũng đã yếu dần và kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,33%), xuống 234,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,78 triệu đơn vị, giá trị 1.079,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,9 triệu đơn vị, giá trị 164,6 tỷ đồng.

Sắc đỏ dù lấn át trong nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao, nhưng đa phần mất điểm nhẹ, với DTD, TIG, IDC, TNG, HUT, PVS, MBS cũng chỉ mất trên dưới 1%.

Trong khi đó, nhích lên chỉ còn SHS, BVS, NRC, VGS, nhưng mức tăng khiêm tốn, với SHS +0,6% lên 17.700 đồng, khớp lệnh cao nhất và vượt trội so với phần còn lại với hơn 22 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã giảm về ngay dưới mốc tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng khá tích cực.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 90,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,7 triệu đơn vị, giá trị 249 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Tương tự hai sàn chính, khi cổ phiếu giảm điểm trên diện rộng, nhưng không mất điểm sâu, với những cái tên như BSR, VTP, VGI, C4G, BCR, DDV, trong đó, BSR -1,5% xuống 19.800 đồng, khớp hơn 2,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan