Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/9: Nhóm cổ phiếu vận tải ngược dòng thị trường

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/9: Nhóm cổ phiếu vận tải ngược dòng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán vẫn đang có phần lấn át và giao dịch thận trọng vẫn ở mức cao vẫn đang gây khó cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được kỳ vọng sẽ tạo động lực tâm lý kéo thị trường đi lên là nhóm vận tải, logistics.

Trong phiên hôm qua, dù áp lực bán đã hạ nhiệt từ sớm, nhưng tâm lý thận trọng vẫn hiện diện khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong thời gian đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu đã bắt đầu mạnh dạn hơn về cuối phiên với tâm điểm hướng đến nhóm cổ phiếu chứng khoán, là nhóm giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây.

Chỉ số VN-Index theo đó dần đi lên và hồi phục toàn bộ số điểm đã mất trong phiên hôm qua và lấy lại mốc 1.150 điểm khi tăng gần 16 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 28/9, sức ép tâm lý vẫn còn tương đối mạnh trên thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn cách thoát hàng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm ngay khi mở cửa và tiếp tục nới đà giảm xuống dưới 1.145 điểm, tương đương mất gần 10 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Những gánh nặng lớn đều là các mã lớn, với CTG, VRE, SSI, MSN đều đang mất hơn 2%. Trong đó, đáng kể là CTG khi có thời điểm lùi về giá sàn. Các bluechip khác phần lớn cũng đang chìm trong sắc đỏ như VIC, VHM, VNM, FPT, VJC…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dù không bị bán mạnh, nhưng phần lớn cũng giao dịch dưới tham chiếu càng khiến cho thị trường ảm đạm. Trong khi một số nhích lên đáng kể ở nhóm cổ phiếu vận tải, logistics như TCO, VOS đã tăng kịch trần, các mã VTO, VIP, PJT, HAH, GSP, PVT tăng từ gần 3% đến hơn 6%.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến VN-Index thủng 1.140 điểm và từ ngưỡng điểm này lực cầu có phần gia tăng, nhưng sự thận trọng cao vẫn chiếm ưu thế đã khiến VN-Index chỉ bật nhẹ lên trên ngưỡng điểm này và trồi sụt nhẹ cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 127 mã tăng và 352 mã giảm, VN-Index giảm 11,66 điểm (-1,01%), xuống 1.142,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 329,7 triệu đơn vị, giá trị 7.588 tỷ đồng, giảm gần 19% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 330 tỷ đồng.

Các bluechip lác đác còn một vài cổ phiếu tăng điểm là MWG, GAS, PLX và BID, nhưng mức tăng phần lớn chỉ ở mức thấp, ngoài MWG tăng khá +2,1% lên 53.100 đồng.

Ở chiều ngược lại, hai mã ngân hàng STB và SSB dẫn đầu đà giảm khi mất 3,3% xuống 30.750 đồng và 25.400 đồng. Trong đó, STB là cổ phiếu thanh khoản cao nhất rổ VN30 và lớn nhất thị trường với hơn 18,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Theo sau là những cái tên như VHM, MSN, CTG, SSI, FPT, VRE khi mất từ 2% đến 2,5%, các cổ phiếu VCB, VIC, SAB, VJC, TPB, HDB, TCB giảm từ 1,3% đến gần 2%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chịu thêm sức ép và dù không nhiều mã giảm sâu, nhưng mức giảm 3-4% xuất hiện tương đối nhiều.

Theo đó, ở các mã bất động sản, công ty chứng khoán, hai nhóm bị bán mạnh nhất gần đây có ITC -5,2% xuống 10.400 đồng, NBB -4,9% xuống 18.500 đồng, DC4 -4,8% xuống 11.750 đồng, EVG -3,8% xuống 5.570 đồng, TCH -3,7% xuống 11.800 đồng, DXG -3,7% xuống 18.500 đồng, DIG -3,3% xuống 24.650 đồng, FCN -3,3% xuống 14.500 đồng, với cổ phiếu công ty chứng khoán là VIX -4,2% xuống 15.850 đồng; VND -3% xuống 21.200 đồng, VCI -2,9% xuống 41.750 đồng, VDS -2,5% xuống 15.600 đồng…

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vận tải, logistics đứng khá vững, dù phần lớn không giữ được mức cao nhất đạt được trong phiên, ngoại trừ TCO khi chạm giá trần +6,8% lên 11.750 đồng, GSP +5,8% lên 13.750 đồng, VOS +5,6% lên 13.200 đồng, PVT +4,5% lên 28.150 đồng, PJT +3,6% lên 10.200 đồng, HAH +3,3% lên 38.750 đồng, PVP +3,2% lên 14.450 đồng, DVP +3,2% lên 65.000 đồng…

Một số cổ phiếu riêng lẻ khác có mức tăng khá như NTL +4,2%, PSH +4,1%, BSI +3,3%, CSV +3,1%, QCG +2,7%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng sớm giảm điểm và tìm đến các mức thấp hơn trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm về cuối phiên nhờ một nhịp bật nảy nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 2,39 điểm (-1,01%), xuống 233,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,8 triệu đơn vị, giá trị 803,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Bảng điện tử có một vài cái tên nổi bật như TXM tăng kịch trần +7,9% lên 4.100 đồng, VC7 +6,2% lên 24.100 đồng trong khi các sắc xanh khác phần lớn chỉ tăng nhẹ như PVC nhích hơn 2%, IDC +1,3%, DDG +1,4%, PVS tăng 0,8%...

Trong khi đó, CMS giảm sàn -10% xuống 29.700 đồng, khớp hơn 0,55 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Các cổ phiếu giảm khác như HUT -3% xuống 22.500 đồng, TAR -3,1% xuống 15.400 đồng, NRC -5,2% xuống 5.500 đồng, các mã CEO, SHS, AMV, LIG mất hơn 2%, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 12,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu áp lực ở nửa sau của phiên và lùi hẳn về dưới tham chiếu, dù giao dịch tương đối khởi sắc ở nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao nhất.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,63 điểm (-0,71%), xuống 88,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,9 triệu đơn vị, giá trị 339,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,92 triệu đơn vị, giá trị 28,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEN nổi bật, khi khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 3,12 triệu đơn vị và tăng mạnh 11,7% lên 8.600 đồng.

Trong khi đó, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 6,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 3,3% lên 21.800 đồng.

Tin bài liên quan